Thứ hai, 9/10/2017, 12:09 (GMT+7)

Cristiano Ronaldo và nơi khởi nguồn của huyền thoại 

Màn trình diễn của cậu trai tuổi teen trong trận giao hữu giữa Sporting và Man Utd là bước ngoặt để Ronaldo vươn lên đỉnh cao ngày hôm nay.

Đấy là một ngày hè rất nóng ở Bồ Đào Nha. Man Utd được Sporting Lisbon mời đến đá trận giao hữu khánh thành sân vận động mới Alvalade.

Kết thúc phần nói chuyện trước khi bước vào trận, Alex Ferguson nhấn mạnh: "Điều cuối cùng cần lưu ý: Đối thủ có một tiền vệ trẻ rất triển vọng. Nhớ lưu ý vào, tôi nghe đồn thằng nhỏ đó mạnh mẽ và tốc độ. Chớ để nó làm cho xấu hổ".

Chàng "tiền vệ trẻ triển vọng" mà HLV của Man Utd đề cập ấy chính là Cristiano Ronaldo. Và trong 90 phút của trận giao hữu ấy, anh đã kịp có một trận đấu để đời, đến mức Ferguson phải quyết tâm sẽ không rời khỏi Bồ Đào Nha chừng nào chưa đạt được thỏa thuận mua Ronaldo.

Ronaldo hành hạ hàng thủ Man Utd năm 2003
 
 

Ngày ấy, Cristiano còn mảnh khảnh, mặc chiếc áo số 28, đang niềng răng, có uốn vài lọn highlights trên mái tóc. Mười tám tuổi, mặt nom hơi hồi hộp khi đối đầu với đội bóng nổi tiếng nhất hành tinh. Vậy mà khi có bóng trong chân, cậu sống động lên trông thấy.

Cựu trung vệ Mikael Silvestre nhớ lại: "Một màn trình diễn phi thường. Nếu làm khán giả xem sẽ rất thích. Nhưng phải kèm cậu ấy thì quả là một tai họa. Cậu nhóc mà chưa một ai trong số chúng tôi biết mặt đã làm cho cả đám phải mất mặt. Không ai đến gần cậu ấy nổi, thật phi thường. Quả là trước trận không ai biết, sau trận không ai quên".

Silvestre và các đồng đội của anh có thể ngạc nhiên, nhưng dàn tuyển trạch viên và giám đốc thể thao của những CLB hàng đầu châu Âu đã nghe đến cái tên Cristiano Ronaldo từ nhiều năm trước. Khi cậu bé ấy từ làng quê bé nhỏ Madeira một thân một mình chuyển lên thủ đô sinh sống và tập luyện ở tuổi 12, người ta đã nói về cậu. Đầu tiên là ấn tượng với cái tên giống với tiền đạo sát thủ người Brazil đang rất được hâm mộ trên toàn thế giới. Sau là ấn tượng với tốc độ và kỹ thuật qua người tài tình của cậu bé. Những câu chuyện về Cristiano cứ lan đi ra toàn châu Âu, vào thời điểm Youtube chưa phổ biến như bây giờ.

Người tin tưởng nhất ở khả năng của Cristiano Ronaldo là... chính cậu. Vì thế, vào năm 2002, ở tuổi 17, cậu chọn Jorge Mendes làm người đại diện, với hy vọng sẽ kiếm được một bản hợp đồng ở nước ngoài. Có nhiều lựa chọn vào thời điểm ấy. Valencia, Liverpool, Juventus, Inter Milan, Parma và Barca đều cử tuyển trạch viên đến Lisbon, họ ngồi trên khán đài còn đông hơn cả phóng viên, liên tục gửi báo cáo về trụ sở CLB.

Đầu năm 2003, Ronaldo ngỡ như sẽ đến Arsenal. Anh thậm chí còn được Mendes thu xếp một chuyến bay đến Bắc London để gặp Arsene Wenger. Và cũng như Zlatan Ibrahimovic cùng thời gian ấy, cậu được dẫn đi thăm thú sân tập của Arsenal, chào những cầu thủ lừng danh của CLB và rời đi mà không đạt được một thỏa thuận nào. Sau này, trong một lần trả lời phỏng vấn, Wenger thừa nhận việc để vuột mất Ronaldo là một trong những quyết định làm ông thấy nuối tiếc nhất.

Wenger vẫn chưa nguôi tiếc nuối vì lỡ cơ hội tuyển mộ Ronaldo đầu những năm 2000.

Tháng 6/2002, Carlos Queiroz - một HLV từng làm việc tại đội tuyển Bồ Đào Nha, Nam Phi và CLB Sporting Lisbon - đến Old Trafford để nhận một chân trợ lý của Ferguson. Trong cuốn hồi ký, Ferguson cho biết lần đầu tiên ông nghe đến cái tên Cristiano Ronaldo là từ Queiroz. Vị trợ lý người Bồ Đào Nha bảo: "Có một cậu bé ở Sporting mà chúng ta cần để mắt đến".

Ferguson lập tức cử Jim Ryan đi xem giò, và được báo cáo về rất nhanh sau đó: "Tôi thấy một cầu thủ đầy tiềm năng. Đầu tiên cậu ấy đá ở cánh, nhưng thỉnh thoảng lại vào trong đá như một trung phong". Ferguson viết trong hồi ký: "Chỉ cần lời Queiroz và Jim là tôi quyết định ngay: phải đặt cược vào cậu nhóc 17 tuổi ấy".

Lúc đó, Man Utd đang trong quá trình thương lượng một hợp tác toàn diện với Sporting để cùng nhau chia sẻ hệ thống tìm kiếm tài năng, tập luyện và đào tạo cầu thủ trẻ. Trong thương lượng này có điều khoản cho phép Man Utd được ưu tiên tuyển mộ các tài năng ở lò đào tạo trẻ của Sporting, mà Cristiano là một trong số đó.

Ronaldo làm giới tuyển trạch khắp châu Âu phát sốt vào năm 2002, thời điểm mạng xã hội và các kênh chia sẻ video trực tuyến chưa phát triển như bây giờ. 

Việc Man Utd đến đá giao hữu khánh thành sân mới của Sporting vào tháng 8/2003 cũng là một phần của thỏa thuận. Thầy trò Sir Alex đáp chuyến bay đến thủ đô Bồ Đào Nha từ New York, sau khi kết thúc cuộc tập huấn ba tuần trên đất Mỹ. 

Silvestre hồi tưởng: "Tôi chưa từng nghe đến cái tên Cristiano Ronaldo. Nhưng khi bóng đến chân, cậu ấy dễ dàng thoát qua các cầu thủ truy cản. Khi thì bên trái, lúc thì bên phải, rất nhanh và đầy kỹ năng. Lúc ấy tôi đã thầm nói với mình: 'Ơn Chúa hôm nay mình đá trung vệ'. Chứ đá cánh thì mang nhục".

Ngồi trên ghế dự bị của Man Utd hôm ấy có Ruud van Nistelrooy, Phil Neville, Darren Fletcher, Ryan Giggs, Roy Keane và hậu vệ Danny Pugh, người hiện tại đá cho Port Vale. Pugh nhớ lại: "Lầu đầu chạm bóng, Cristiano đã thể hiện kỹ thuật cá nhân điêu luyện. Cậu ta dễ dàng thoát qua một người và tất cả chúng tôi đều đứng cả dậy. Cả đám không nói gì nhưng có lẽ đều nghĩ: cái gã mà HLV đã nói trước trận đây mà. Cristiano thi đấu như thể đấy là show diễn của riêng cậu ta. Cứ có bóng là cậu ấy lại thể hiện, với một sự tự tin cao ngút. Ngày ấy Cristiano còn mảnh khảnh, nhưng nhìn phát là thích ngay".

Ở tuổi 17, Ronaldo gây ấn tượng mạnh ngay lần đầu tiên chạm trán Man Utd - một trong những đội bóng lớn nhất thế giới. 

Man Utd đã tỏ ra quan tâm Cristiano Ronaldo từ trước đấy khá lâu. Thế nên với mọi người, đấy có thể chỉ là một trận giao hữu. Nhưng với cá nhân cậu bé, đấy là một bài kiểm tra cần phải vượt qua. Và cậu đã vượt qua nó một cách hoàn hảo.

Trận đấu trôi qua 15 phút, các cầu thủ trên ghế dự bị Man Utd người thì ôm đầu, kẻ thì há hốc miệng, trong đó có cả Giggs và Keane, những chiến binh dày dặn trận mạc. Cristiano đơn giản là xé toang hàng phòng ngự của Man Utd. Khốn khổ nhất là John O'Shea, người hôm ấy đá hậu vệ phải và phải trực tiếp đối đầu với Ronaldo. Trong giờ giải lao, cả đội xúm vào hỏi O'Shea: "Sao không bao giờ thấy cậu đến gần thằng nhóc ấy hết vậy". O'Shea đáp: "Nói dễ hơn làm nhiều".

Trong hiệp một, khi O'Shea di chuyển đến gần đường biên, Ferguson giục anh: "Cố thu hẹp khoảng cách với thằng nhóc ấy đi, Sheasy". Và O'Shea đáp: "Vậy là gần hết cỡ rồi đó, Sếp". Trong cuồn hồi ký, Roy Keane kể lại rằng sau khi kết thúc trận đấu, bác sĩ của Man Utd phải khám đầu cho O'Shea vì anh bị... hoa mắt. Rio Ferdinand thậm chí còn tiết lộ trong cuốn tự truyện của anh, rằng O'Shea đã phải nhờ đến mặt nạ ô-xy vì hụt hơi. Nhìn chung trong tất cả cuốn tự truyện được các thành viên của Man Utd viết kể từ 2004 trở về sau, không một ai là không đưa chi tiết O'Shea bị Ronaldo hành hạ vào sách.

John O'Shea là tên tuổi lớn đầu tiên bị Ronaldo biến thành nạn nhân trong các màn trình diễn của anh.

Trong lúc các cầu thủ dự bị của Man Utd bị Cristiano Ronaldo hớp hồn, Ferguson là người tỉnh táo nhất. Ông yêu cầu người lo trang phục cho đội, Albert Morgan lập tức đi lên khán đài và mời Giám đốc điều hành Peter Kenyon xuống sân nói chuyện khi kết thúc hiệp một. Và khi gặp Kenyon, Ferguson nói: "Chúng tôi sẽ không rời khỏi sân bóng nếu anh chưa ký với cậu bé ấy".

Peter Kenyon hỏi lại: "Nó giỏi đến thế sao?"

Ferguson nói: "John O'Shea sắp đột quỵ rồi".

Sporting thắng trận ấy 3-1, nhưng kết quả thắng thua không còn ý nghĩa gì nữa. Ferguson nhớ lại rằng đấy là lần đầu tiên và cũng là duy nhất, các cầu thủ của ông cùng đồng lòng với quyết định phải tuyển mộ một cầu thủ nào đó. Silvestre nói: "Kết thúc trận đấu, Phil Neville đến thẳng vị trí của Sir Alex và nói: 'Sếp à, phải ký với nó, dứt khoát phải ký!' Sir Alex đáp lại: 'Rồi, rồi, chớ lo. CLB đang làm việc rồi'".

Sau khi tắm rửa và thay đồ, các cầu thủ bị buộc phải lên xe buýt, ngồi chờ bên ngoài, trong khi Ferguson và Kenyon cố thực hiện xong cuộc thương thảo bên trong. Màn trình diễn của Ronaldo hôm ấy hiển nhiên quá thuyết phục. Nhưng còn một yếu tố khác buộc Ferguson phải gút nhanh thương lượng. Trong số những con cá mập ở trên khán đài hôm ấy có Txiki Begiristain, Giám đốc thể thao của Barcelona. Real Madrid thì vừa bổ nhiệm Carlos Queiroz làm HLV trưởng thay Vicente del Bosque. Tất nhiên, Queiroz nói ngay cho Giám đốc thể thao Jorge Valdano của Real về Ronaldo.

Ferguson biết ông không có nhiều thời gian. Kế hoạch ban đầu của ông là ký hợp đồng dài hạn, nhưng để Ronaldo đá thêm cho Sporting một năm. Nhưng bây giờ ông muốn ký ngay, kéo Ronaldo về Manchester càng sớm càng tốt. Và Man Utd đã đặt lên bàn đàm phán với Sporting con số 12,24 triệu bảng Anh (gần 16 triệu đôla), kỷ lục tại Anh cho một cầu thủ tuổi teen.

Tuyển mộ được Ronaldo là một trong những thành tựu lớn lao nhất trong sự nghiệp của HLV Ferguson.

Trong căn phòng nhỏ bên trong sân Jose Avelade hôm đó, Ferguson nói với Ronaldo: "Có thể cậu chưa thể tuần nào cũng ra sân. Nhưng tôi cam kết cậu sẽ là cầu thủ của đội một, tôi không hoài nghi gì về khả năng của cậu, nhưng cậu sẽ cần một ít thời gian để thích nghi. Nhưng chúng tôi hứa sẽ coi sóc cậu".

Trên xe buýt, các cầu thủ bắt đầu sốt ruột. Nửa tiếng, một tiếng, rồi một tiếng rưỡi. Silvestre nhớ lại: "Tin đồn bắt đầu đến tai chúng tôi, về việc HLV đã gút xong với cậu ấy. Cuối cùng Sir Alex cũng lên xe buýt. Chúng tôi nhao nhao hỏi ông xem đã ký được chưa, và ông chỉ mỉm cười".

Đấy là nụ cười của một người đàn ông đã làm xong phận sự: ký với cầu thủ trẻ hay nhất thế giới. Vài ngày sau đó, Ronaldo cùng gia đình, dẫn đầu là Mendes, lên chuyến chuyên cơ bay thẳng đến Manchester để ký hợp đồng.

Họ được dẫn đi dạo một vòng quanh khu tập luyện Carrington. Cậu mỉm cười khi nhìn thấy những đồng đội mới. John O'Shea nói đùa: "Cậu nợ tôi bản hợp đồng này đấy nhé". Và Ronaldo bắt đầu cười. Những rào cản được phá bỏ rất nhanh. Ronaldo mau chóng vứt bỏ sự tự ti để lập tức tự tin ở môi trường mới.

Man Utd 4-0 Bolton
 
 

Mười ngày sau khi khoác áo Sporting lần cuối cùng để đá với Man Utd, Ronaldo đá trận đầu tiên trong màu áo mới, trận mở màn Ngoại hạng Anh tại Old Trafford. Mặc chiếc áo số 7 huyền thoại, Ronaldo vào sân thay Nicky Butt khi trận đấu còn khoảng nửa giờ. Cả sân bóng lập tức ấn tượng, trong một trận cầu mà Man Utd dễ dàng đè bẹp Bolton 4-0.

Tom Tyrrell, một nhà báo đã hiện diện trên khu vực phóng viên của Old Trafford trong suốt bốn thập kỷ, bình luận: "Tôi chưa từng nhìn thấy một màn ra mắt hứng khởi đến thế kể từ sau George Best". Silvestre thì nói: "Ronaldo lại cố gây ấn tượng cho tất cả, và đám đông mê mẩn điều đó".

Đấy là trận đầu tiên, trong tổng cộng 292 trận đấu của Ronaldo trong màu áo Man Utd, chuỗi trận đấu chứng kiến anh ghi 118 bàn, giành ba chức vô địch Ngoại hạng Anh, một Cup FA, hai Cup Liên đoàn, một Champions League và một FIFA Club World Cup. Rồi anh chuyển sang Real Madrid năm 2009 với giá chuyển nhượng kỷ lục, để rồi còn thành công rực rỡ hơn nữa.

Vài tháng sau khi khoác áo Man Utd lần đầu tiên, Ronaldo ngồi trong bể tắm jacuzzi kế bên Silvestre ở trung tâm tập luyện Carrington. Silvestre nhớ lại: "Tôi nói với Cristiano rằng tôi tin cậu ấy sẽ sớm trở thành Cầu thủ hay nhất thế giới, sẽ sớm giành được Quả Bóng Vàng. Ronaldo cười ngoác đến mang tai vì sướng. Bây giờ cậu ấy thậm chí đã giành đến bốn Quả Bóng Vàng. Và tất cả đều khởi đầu từ một trận giao hữu tại Lisbon".

Hoài Thương (theo Bleacher Report)