Chủ nhật, 15/7/2018, 10:33 (GMT+7)

Những con số suy ngẫm từ điểm thi THPT quốc gia

Hà Nam dẫn đầu cả nước về điểm trung bình 9 môn; Toán nhiều điểm liệt nhất; hơn 80% bài Lịch sử dưới 5.

Năm 2018, cả nước có gần 926.000 thí sinh "rồng vàng" dự thi THPT quốc gia, tăng khoảng 60.000 so với năm trước. Trong đó hơn 642.000 em đăng ký để vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển vào đại học, cao đẳng. 

Theo thống kê của VnExpress từ dữ liệu điểm thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp, cả nước có 921.900 thí sinh có điểm. Dự thi đông nhất là Hà Nội với hơn 79.000 thí sinh, kế đó là TP HCM hơn 78.000, Thanh Hóa 35.000. Bắc Kạn, Lai Châu, Kon Tum và Cao Bằng có chưa tới 5.000 thí sinh.

Thí sinh TP HCM tham dự kỳ thi THPT quốc gia. Ảnh: Trần Quỳnh

Là môn thi bắt buộc để xét tốt nghiệp THPT, Toán và Ngữ văn có nhiều thí sinh nhất với hơn 900.000. Xếp ngay sau là Ngoại ngữ gần 817.000.

Ngoài 56.000 thí sinh tự do, tổ hợp Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) được nhiều học sinh lựa chọn với hơn 444.000, trong khi tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) chỉ khoảng 341.000. 

Xu hướng này giống năm 2017 và được cho là phù hợp khi tổ hợp Khoa học xã hội rất phù hợp với những em chỉ dùng kết quả để xét tốt nghiệp THPT, do không khó vượt qua điểm liệt ở các môn.

6/9 môn thi có điểm trung bình dưới 5

Kết quả 9 môn thi THPT năm nay giảm mạnh so với năm 2017. Theo phổ điểm do Bộ Giáo dục công bố, 6/9 môn thi có điểm trung bình dưới 5. Điều này trái ngược với năm ngoái, khi 6/9 môn có điểm trung bình trên 5.

Giáo dục công dân có kết quả cao nhất. Phổ điểm môn này rất đẹp với đồ thị hình chuông lệch sang phải. Điểm trung bình của thí sinh cả nước là 7,13, tuy vậy vẫn thấp hơn năm ngoái 0,67.

Tiếng Anh và Lịch sử tiếp tục xếp cuối danh sách với điểm trung bình không quá 4. Nếu năm ngoái cả hai môn này đều đạt 4,6 điểm, năm nay chỉ là 3,91 và 3,79.

Trong tất cả môn, điểm trung bình môn Lịch sử giảm mạnh nhất so với năm ngoái - 0,81, trong khi Ngữ văn - môn duy nhất thi tự luận giảm 0,06.

Kết quả các môn thi thấp không nằm ngoài dự đoán của giáo viên, phụ huynh và học sinh vì đề thi khó hơn mọi năm, đặc biệt ở các môn Toán, Ngữ văn và Sinh học.

"Đề thi các môn nằm trong chương trình lớp 12 và số ít ở lớp 11, đều được ôn luyện kỹ càng. Nhưng cách ra đề một số môn như Toán, Sinh còn hạn chế vì quá dài", thí sinh Nguyễn Thị Bảo Ngọc (quận 1, TP HCM) chia sẻ.

Hơn 80% thí sinh đạt điểm dưới trung bình môn Lịch sử

Trong hơn 565.000 thí sinh dự thi Lịch sử, có đến 83,24% được điểm dưới trung bình. Điểm số nhiều em đạt nhất là 3,25. Đứng đầu về điểm trung bình môn này là Bạc Liêu cũng chỉ đạt 4,22. Hà Giang thấp nhất với 3,47 điểm.

Đà Nẵng gây ngạc nhiên khi có tới gần 90% thí sinh dự thi không đạt 5 điểm Lịch sử. Mức điểm trung bình của thí sinh thành phố biển thấp thứ hai cả nước, chỉ 3,48. TP HCM có 80,9% thí sinh không được 5 điểm và điểm trung bình môn chỉ 3,88, xếp thứ 23 cả nước.

Không chỉ năm nay Lịch sử mới được nhiều người bình luận do điểm số quá thấp. Kỳ thi đại học năm 2011, cả nước rúng động khi có đến hàng nghìn bài Lịch sử bị điểm 0. Năm 2015, hàng loạt điểm thi đóng cửa trong ngày cuối cùng do không có thí sinh dự thi môn này. 

Là giáo viên dạy Lịch sử có tiếng của trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An), thầy Trần Trung Hiếu cho rằng kết quả thấp là đáng buồn nhưng không bất ngờ và có nhiều nguyên nhân. 

Số ít thí sinh chọn thi môn Lịch sử để xét tuyển đại học, cao đẳng. Điều đó phù hợp với thực tế có bài thi đạt điểm cao, thậm chí điểm tuyệt đối. Phần lớn còn lại chỉ chọn môn này cùng tổ hợp Khoa học xã hội để xét tốt nghiệp vì dễ tránh điểm liệt.

"Đây là sự lựa chọn an toàn và phù hợp. Các em chỉ cần 1 điểm là đỗ tốt nghiệp chứ không bận tâm điểm cao hay thấp", thầy Hiếu nói và cho rằng không thể trách học trò và cũng không thể lấy kỳ thi THPT quốc gia làm dịp để trút gánh nặng, trách nhiệm lên các giáo viên dạy Lịch sử.

Thầy Hiếu nhấn mạnh tỷ lệ học sinh bị điểm dưới trung bình cao không phản ánh toàn diện việc học sinh có yêu Lịch sử hay không.

Thí sinh TP HCM vui vẻ khi kết thúc kỳ thi. Ảnh: Thành Nguyễn

Hà Nam dẫn đầu về điểm trung bình các môn thi

Theo thống kê, 27 tỉnh thành có điểm trung bình các môn từ 5 trở lên. Hà Nam vượt qua nhiều địa phương tên tuổi như Nam Định, Hà Nội, TP HCM để vươn lên dẫn đầu với 5,46 điểm. Xếp ngay sau là Nam Định (5,45). Top 5 còn có sự xuất hiện của Ninh Bình, An Giang và Vĩnh Phúc. 

Xét theo từng môn, Hà Nam nằm trong top 10 địa phương có thành tích tốt nhất ở Vật lý, Hóa học (xếp thứ nhất); Văn, Sử, Địa (xếp thứ hai); Giáo dục công dân (xếp thứ ba) và Toán (xếp thứ năm).

Nhiều người tỏ ra bất ngờ với thành tích của Hà Nam trong kỳ thi THPT quốc gia. Thực tế trước năm 1991, đất học Nam Định cùng Hà Nam, Ninh Bình chung một bộ máy hành chính với tên tỉnh là Hà Nam Ninh.

Trong nhóm thành phố trực thuộc trung ương, Hải Phòng xếp cao nhất, đứng thứ 9 toàn quốc với điểm trung bình các môn là 5,28. TP HCM xếp ngay sau với 5,25 điểm. Cần Thơ đứng thứ 18, Hà Nội thứ 25 và có điểm trung bình đều trên 5. Đà Nẵng thấp nhất nhóm này khi đứng thứ 42 với điểm trung bình chỉ 4,86.

Nhóm 5 địa phương đứng cuối bảng xếp hạng bao gồm Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình, Cao Bằng và Quảng Bình, trong đó Sơn La xếp hạng thấp nhất với 4,21 điểm và Hà Giang áp chót với 4,23. Dù điểm trung bình các môn thấp nhất cả nước, hai tỉnh này khiến nhiều người bất ngờ khi có thí sinh giành điểm tuyệt đối ở hai môn và có nhiều điểm giỏi.

Cả nước có 477 điểm 10, Văn không có điểm tuyệt đối

Số thí sinh đạt điểm tuyệt đối năm nay giảm rõ rệt, chỉ 477 trong khi năm 2017 là 4.235. Ngữ văn, môn duy nhất thi tự luận, năm ngoái có một điểm 10, năm nay không có.

Giáo dục công dân tiếp tục dẫn đầu về số điểm 10, với 308 và trở thành môn duy nhất có số điểm 10 nhiều hơn năm 2017. Ngoại ngữ đứng thứ hai với 103 điểm 10, giảm 893 so với năm ngoái.

Toán, môn thi gây tranh cãi nhiều nhất khi nhiều giáo viên khẳng định không thể làm xong trong 90 phút, có hai em đạt điểm 10 là Hoàng Đức Thuận (THPT chuyên Hùng Vương, Phú Thọ) và Nguyễn Trần Công Đạt (THPT Trần Phú, TP HCM). Năm ngoái Toán có 281 điểm 10.

Trước khi kỳ thi, Thứ trưởng Giáo dục Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh với đề thi năm nay, việc đạt điểm 9-10 sẽ khó hơn. "Rút kinh nghiệm năm trước, lần này Bộ cân đối từng đề thi, đảm bảo chênh lệch khó dễ giữa các đề là ngang nhau, đặc biệt phải có tính phân hóa", ông Độ khẳng định.

Toán, Tiếng Anh có nhiều điểm liệt nhất

Môn tiếng Anh có nhiều điểm liệt nhất với 2.189 thí sinh (từ 1 trở xuống). Đứng thứ hai là môn Toán với 1.558 em bị điểm liệt. Đứng thứ ba là môn Lịch sử với 1.277 thí sinh. Các môn khác dao động từ 300 đến 800. Trong đó, Giáo dục công dân có ít điểm liệt nhất (321).

Cả nước có tới 4.309 bài thi bị 0 điểm, trong đó Toán chiếm nhiều nhất với 951. Trừ 77 thí sinh vi phạm quy chế thi bị điểm 0, số còn lại theo nhiều giáo viên, chủ yếu do không chịu làm bài. Bởi 8 môn thi trắc nghiệm, môn Ngữ văn tự luận, để đạt điểm trên 0 không quá khó khăn. 

Hà Giang bất ngờ có nhiều điểm giỏi môn tự nhiên

Điểm trung bình của Hà Giang đứng cuối cùng trong 63 tỉnh thành ở các môn Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử; Toán, Địa, Sinh, Giáo dục công dân đứng thứ 62; Vật lý và Hóa học thứ 59. Tuy nhiên, số điểm giỏi ở môn tự nhiên cao bất thường. 

Riêng Vật lý, Hà Giang có 65 điểm từ 9 trở lên, chiếm 6,7% tổng thí sinh dự thi. Trong khi đó, TP HCM với 49.680 em thi Vật lý chỉ có 39 điểm (chiếm 0,07%). Tỷ lệ điểm giỏi của Hà Giang cũng gấp 23 lần Hà Nội.

Với Toán, Hà Giang có tới 57 thí sinh được từ 9 điểm trở lên. Trong khi đó TP HCM với 78.030 thí sinh dự thi chỉ có 32, Nam Định với hơn 19.600 thí sinh chỉ có 13 em đạt mức điểm này.

Nếu căn cứ vào số điểm giỏi các môn tự nhiên, Hà Giang đứng trên cả ba địa phương có truyền thống học tập tốt là Hà Nội, TP HCM và Nam Định. Điều này khiến nhiều người đặt dấu hỏi lớn khi tỉnh miền núi phía Bắc luôn bị coi là vũng trũng của giáo dục.

Trước vấn đề này, tối 12/7, Bộ Giáo dục đã ra công văn yêu cầu Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2018 của Hà Giang rà soát toàn bộ khâu của kỳ thi và gửi báo cáo về Bộ trước ngày 17/7. 

Khối A1 có điểm trung bình thấp nhất, C01 dẫn đầu

Các khối thi truyền thống gồm A, B, C, D, A1 và C01 đều có điểm trung bình lớn hơn 15. Trong đó, C01 gồm Toán, Vật lý, Ngữ văn có kết quả trung bình cao nhất với 16,48 điểm. Đứng thứ hai là khối A (Toán, Vật lý, Hóa học) với 15,83 điểm. Khối A1 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh) thấp nhất, chỉ 15,24 điểm.

Ở tất cả khối thi, không thí sinh nào đạt 30 điểm tuyệt đối. Thủ khoa cả nước là em Lê Bá Hoàng (Phú Thọ), đạt 29,55 điểm khối B (Toán, Hóa học, Sinh học), trong đó có 10 Hóa. Ở khối A, thí sinh Vương Xuân Hoàng (Bắc Ninh) dẫn đầu với 29,05 điểm, môn cao nhất là Toán đạt 9,8.

Thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin - Truyền thông (Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM), nhận định điểm trung bình tổ hợp khối A giảm nhiều, A01 không đổi và B giảm nhẹ so với năm 2016 và 2017.

Ông Quán dự đoán những ngành năm ngoái lấy điểm chuẩn cao, năm nay sẽ giảm khá mạnh. Cụ thể, những ngành lấy 25-30 có thể giảm 2-4 điểm do số lượng thí sinh nhóm này rất ít; những ngành lấy 20-24 sẽ giảm 1-3 điểm do hầu hết thí sinh có điểm thi các môn từ 5 đến 8.

Trong khi đó, những ngành năm ngoái điểm chuẩn dưới 20 năm nay có thể không giảm hoặc giảm khoảng 1 điểm do lượng thí sinh ở mức điểm trung bình nhiều.

Theo PGS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, tuyển sinh các trường top dưới và trung năm nay không bị ảnh hưởng nhiều, song các trường top trên sẽ gặp khó vì số bài điểm giỏi giảm đáng kể, hiếm hoi mới có điểm 9-10. 

Ông Dũng dự đoán chuẩn đầu vào các trường top trên có thể giảm 2-3 điểm.

Dương Tâm