Thứ hai, 19/11/2018, 10:00 (GMT+7)

Đúng ngày 5 hàng tháng, chị Kim Thanh (quận 8, TP HCM) đến cây ATM gần nhà để rút tiền lương. Mọi thao tác chỉ diễn ra trong một phút. Chị không rút toàn bộ tiền trong thẻ mà chỉ cần một khoản đủ để trả tiền điện, nước, học phí cho con, và một số chi tiêu cố định. Phần tiền còn lại giữ trong thẻ, một mặt để kiểm soát chi tiêu, mặt khác để tiết kiệm.

Thói quen này hình thành trong 8 năm qua, từ khi công ty may mặc nơi chị Thanh làm tổ trưởng sản xuất chuyển sang phương thức trả lương qua tài khoản ngân hàng. Trước đó, việc nhận lương diễn ra nhiêu khê với nhiều thủ tục giấy tờ và nhân viên phải xếp hàng dài ở phòng kế toán để được giải ngân.

Nhanh nhạy với công nghệ hơn, anh Minh Bảo (quận 5, TP HCM) chủ động mở tài khoản ngân hàng ngay từ khi vào đại học và tận dụng các dịch vụ từ tài khoản suốt 5 năm nay. Anh sử dụng ứng dụng di động MyVIB để thanh toán tiền điện, nước, trả tiền điện thoại, mua vé máy bay chỉ với một phút thao tác, tránh được sự bất tiện của việc rút tiền mặt. Ứng dụng này được phát triển bởi ngân hàng VIB - một trong những ngân hàng có nhiều cải tiến công nghệ nhất trong những năm gần đây, để tiếp cận các phương thức thanh toán, giao dịch hiện đại. 

Chị Thanh và anh Bảo là hai trong số 66,6 triệu người Việt Nam có tài khoản ngân hàng, chiếm 59% dân số, theo số liệu của Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước. Con số này tăng gấp 4 lần so với năm 2010 chỉ có hơn 16 triệu người có tài khoản. Xét chung toàn hệ thống ngân hàng hiện có 141 triệu thẻ các loại.

Tại Diễn đàn Ngân hàng Bán lẻ Việt Nam năm 2017 (VRBF 2017) diễn ra vào tháng 12 năm ngoái, ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước nhận định kênh thanh toán bán lẻ trên thị trường Việt Nam đang có nhiều chuyển biến tích cực.

Thống kê trên các hệ thống thanh toán lớn cho thấy, tốc độ tăng trưởng giá trị giao dịch tại hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng và hệ thống chuyển mạch đều đạt trên 30%.

Số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước tính đến quý II/2018 ghi nhận có khoảng 191.000 giao dịch nội địa thực hiện qua thẻ, máy ATM, POS... trên toàn quốc. Tổng giá trị thanh toán không dùng tiền mặt qua thẻ đạt 154.058 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với mức 27.886 tỷ đồng của cùng kỳ 5 năm trước.

Toàn quốc hiện có trên 18.280 ATM và trên 289.070 POS đang hoạt động, tăng tương ứng 4,2% và 7,5% so với cuối năm 2017. POS hiện lắp đặt tại hầu hết các cơ sở, chuỗi phân phối, bán lẻ, khách sạn lớn và đang mở rộng dần ra các cơ sở y tế, bệnh viện, trường học.

Các phương tiện, dịch vụ thanh toán phát triển mạnh, đa dạng, nhất là các dịch vụ mới, hiện đại, tích hợp công nghệ thông tin và viễn thông như ứng dụng ngân hàng di động, ngân hàng hợp kênh, ngân hàng tự động thực hiện mọi giao dịch ngay tại ATM, liên kết ví điện tử...

Đây là kết quả đáng ghi nhận của hệ thống ngân hàng, đặc biệt từ phía các ngân hàng thương mại, trong việc nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho nền kinh tế.

Những năm qua, các nhà băng tích cực triển khai các công nghệ mới, ra mắt nhiều sản phẩm dịch vụ đa dạng, đi kèm với các ưu đãi cho khách hàng khi mở mới tài khoản. Mục đích tăng tỷ lệ người trưởng thành sử dụng tài khoản ngân hàng, thông qua đó giảm tỷ trọng thanh toán dùng tiền mặt trên cả nước.

Đơn cử khách hàng doanh nghiệp mới được HDBank tặng 5 triệu đồng, Shinhan Bank miễn nhiều loại phí cho sinh viên mở thẻ, TPBank tổ chức bốc thăm trúng thưởng cho khách hàng tham gia bất kỳ sản phẩm nào của nhà băng này, với giá trị giải thưởng lên đến ba tỷ đồng.

Một trong những ngân hàng liên tục triển khai ưu đãi cho khách hàng là Ngân hàng Quốc tế (VIB). Từ nay đến 31/12, khi mở mới tài khoản cá nhân và thực hiện giao dịch đầu tiên, khách hàng nhận ngay 500.000 đồng vào tài khoản và nhận lãi suất nhân đôi khi gửi tiền tiết kiệm, đặc biệt là gửi tiết kiệm online lãi suất luôn cao hơn tại quầy. 

Không chỉ vậy, các khách hàng mở thẻ thanh toán sẽ nhận được ưu đãi hoàn tiền lên đến 5% cho tất cả chi tiêu qua thẻ thanh toán toàn cầu VIB Platinum. Việc thanh toán trở nên dễ dàng hơn tại các điểm chấp nhận thẻ (POS) trên toàn quốc cũng như nước ngoài. Song song đó, các ngân hàng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, tăng cường đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ theo hướng đơn giản, tiện lợi, dễ sử dụng, giảm chi phí, phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của người dân, đặc biệt tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa... Mục tiêu tạo điều kiện tối đa để người dân tiếp cận các dịch vụ tài chính theo cách dễ dàng nhất, tiện dụng, nhanh chóng và có tính bảo mật cao.

Điển hình với ứng dụng MyVIB của Ngân hàng Quốc tế, khách hàng có thể chuyển tiền nhanh liên ngân hàng miễn phí, nạp tiền điện thoại, thẻ game, thanh toán hóa đơn, mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn. Người tiêu dùng có thể đăng ký mở mới tài khoản chỉ trong chưa tới hai phút thao tác và xác nhận, và có thể chọn dịch vụ mở tài khoản tận nơi nếu sinh sống tại TP HCM.

Ngân hàng còn hợp tác với công ty công nghệ tài chính Weezi Digital để phát triển tính năng MyVIB Social Keyboard cho phép người dùng chuyển tiền nhanh trên mạng xã hội một cách đơn giản, nhanh chóng và hạn chế tình trạng chuyển sai người nhận.

Nhiều ngân hàng khác cũng mạnh tay đầu tư cho công nghệ nhằm mang đến những dịch vụ hiện đại. Ví dụ ngân hàng tự động Live Bank của TPBank, khách hàng có thể thực hiện giao dịch rút tiền, gửi tiền mặt vào tài khoản, mở mới tài khoản và nhận thẻ ngay...

Đại diện ngân hàng VIB nhận định với sự đầu tư nghiêm túc về công nghệ và nỗ lực ưu đãi cho khách hàng mới, cuộc đua thu hút khách hàng giữa các nhà băng sẽ góp phần giúp đạt mục tiêu 70% người Việt có tài khoản ngân hàng, theo đề án do Thủ tướng phê duyệt.

Theo đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng đặt mục tiêu nâng tỷ lệ người dân tuổi từ 15 trở lên có tài khoản ngân hàng lên mức ít nhất 70% vào cuối năm 2020 và tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt giảm xuống dưới 10%.

Cùng với mục tiêu trên, Chính phủ kỳ vọng có ít nhất 20 chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng thương mại trên 100.000 dân số trưởng thành. Khoảng 35-40% số người trưởng thành ở nông thôn có tài khoản tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng. Khoảng 50-60% số doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động vay vốn của các tổ chức tín dụng.

Sắp tới, ngành ngân hàng sẽ đẩy mạnh các chương trình giáo dục tài chính nhằm tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính, giảm thiểu rủi ro cho người sử dụng và giảm thiểu chi phí xã hội.

Bên cạnh đó, Nhà nước tạo lập khung khổ hành lang pháp lý thông thoáng nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng thiết kế và phát triển nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng, nhất là sản phẩm dịch vụ ngân hàng phi tín dụng, từ đó tạo điều kiện người dân và doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ ngân hàng, khuyến khích sự tham gia của nhiều loại hình tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ ngân hàng cho khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.