Thứ năm, 19/4/2018, 09:00 (GMT+7)

Yuki Kawauchi - từ công chức Nhật Bản đến 'cỗ máy' chạy marathon

Chỉ là VĐV nghiệp dư, nhưng công chức 31 tuổi đã dự hơn 80 cuộc thi marathon, từng dự giải vô địch thế giới và mới đây về nhất ở Boston Marathon - giải chạy danh giá nhất hành tinh.

Đường chạy Boston Marathon hôm 16/4 chứng kiến bất ngờ lớn nhất trong 30 năm qua. Geoffrey Kirui - nhà đương kim vô địch và là một siêu sao của làng chạy marathon - tưởng cầm chắc chiến thắng. VĐV người Kenya dẫn đầu cuộc đua với cách biệt 1 phút 30 giây, khi chỉ còn cách đích hơn 2km. Nhưng từ phía sau, một VĐV khác bứt lên để chiếm vị trí dẫn đầu khi cách đích khoảng 1,6km, rồi tăng tốc để về nhất. Kirui phải chấp nhận vị trí thứ hai với 2 phút 35 giây chậm hơn.

Người tạo nên bất ngờ ấy không phải là một chân chạy châu Phi, hoặc có gốc gác từ châu lục đen, như truyền thống của các nhà vô địch Boston Marathon trong khoảng 30 năm trở lại đây. Đó là Yuki Kawauchi - một VĐV nghiệp dư đến từ Saitama, Nhật Bản và mới lần đầu tham dự cuộc thi này. Bất chấp điều kiện thời tiết khắc nghiệt - được xem là tệ hại bậc nhất trong lịch sử 122 năm của Boston Marathon - mưa nặng hạt, gió mạnh ở mức từ 35km/h đến 42 km/h, độ ẩm thường xuyên ở mức trên 90% và nhiệt độ từ 2-3 độ C, Kawauchi vẫn làm nên kỳ tích.

Boston Marathon 2018
 
 
Kawauchi tăng tốc ngoạn mục để vượt Kirui, về nhất ở Boston Marathon 2018.

Chiến thắng của Kawauchi càng ấn tượng hơn, xét tới các đối thủ của anh trên đường chạy hôm đó. Boston Marathon 2018 quy tụ một loạt "quái vật" trong làng chạy cự ly dài, trong đó có ba nhà vô địch gần nhất của giải (Kirui, cùng hai VĐV người Ethiopia - Lelisa Desisa Benti và Lemi Berhanu Hayle) và Galen Rupp - VĐV từng dự ba kỳ Olympic gần nhất và đoạt HC đồng tại Rio de Janeiro 2016.

Đây mới là lần đầu tiên sau 31 năm, Boston Marathon có một nhà vô địch nam đến từ Nhật Bản, sau Seko Toshihiko - người về nhất năm 1987 và 1981. Nếu tính ở châu Á, Kawauchi mới là đại diện thứ hai từ châu lục này thắng nội dung nam của giải trong 17 năm qua, sau nhà vô địch năm 2001 người Hàn Quốc Lee Bong-ju.

Nhưng khác với những nhà vô địch vừa nêu, Kawauchi không phải là một VĐV chạy chuyên nghiệp. Nghề nghiệp chính của người đàn ông 31 tuổi này là công chức, làm việc bàn giấy - thu phí và trả lời điện thoại - tại một trung tâm hướng nghiệp, giáo dục thường xuyên cho người lớn ở tỉnh Saitama, Nhật Bản. Theo quy định của chính phủ nước này, công chức không được phép ký hợp đồng tài trợ với bất kỳ nhãn hàng, hay thương hiệu nào. Chạy, với Kawauchi, vì thế chỉ đơn thuần xuất phát từ mong muốn rèn luyện sức khỏe và đam mê từ thuở bé.

Kawauchi bắt đầu chạy từ độ tuổi nhi đồng, khi anh tập chạy cùng mẹ trên những cung đường gần nhà ở Tokyo. Theo Guardian, ngày anh lên 6 tuổi, Kawauchi chạy 1500m hết 7 phút 30 giây. Mẹ của anh, cũng là một vận động viên chạy bộ nghiệp dư, quyết định huấn luyện con trai chạy bấm giờ ở một công viên gần đó. Mỗi ngày, bà yêu cầu con trai phải vượt qua kỷ lục cũ của bản thân. Nếu chạy chậm quá 30 giây, Kawauchi sẽ phải chạy thêm một vòng, và nếu trượt quá một phút, mức phạt sẽ là hai vòng.

Có năng khiếu, đam mê và cả sự khổ luyện trong những năm chơi thể thao học đường, nhưng sau khi tốt nghiệp đại học, Kawauchi vẫn không lọt vào mắt xanh của các CLB điền kinh nhà nghề - vốn được xem như cánh cửa để các VĐV chuyển sang thi đấu chuyên nghiệp. Chàng cử nhân quyết định nhận công việc của một viên chức nhà nước ở Saitama, và tiếp tục nuôi dưỡng khát khao thi đấu bằng cách duy trì tập luyện, rồi tự bỏ tiền túi, để tham gia các giải chạy.

Kawauchi tham gia một giải chạy năm lên bảy tuổi.

Sau khi về thứ ba ở giải Bán Marathon Ageo 2008 (21km) với thành tích 1 giờ 3 phút 22 giây, Kawauchi chuyển lên thi đấu Marathon (42 km) ở năm tiếp theo. Sự bền bỉ và khát khao thể hiện trên đường chạy giúp anh cải thiện dần thành tích, để rồi bắt đầu gây tiếng vang trong làng chạy cự ly dài Nhật Bản khi cán đích với thành tích 2 giờ 8 phút 37 giây - tốt thứ ba chung cuộc, và tốt nhất trong số các VĐV người Nhật Bản dự giải - ở Tokyo Marathon 2011.

Phong độ ấn tượng đó giúp Kawauchi được đặt biệt danh "Người chạy bộ quốc dân" (Citizen Runner), và nhận một suất trong đội tuyển điền kinh Nhật Bản dự giải Vô địch Thế giới tháng 8/2011 ở Daegu, Hàn Quốc. Tại đây, anh về đích thứ 18, cùng hai đồng đội Hiroyuki Horibata và Kentaro Nakamoto, góp phần giúp Nhật Bản đoạt HC bạc nội dung đồng đội marathon. Dấu mốc đáng mừng này giúp Kawauchi vượt qua nỗi đau từ thất bại trong lần thử sức ở giải Ultramarathon (50 km) ở Okinoshima trước đó hai tháng. Khi đó, Kawauchi ngất xỉu, không thể thi đấu tiếp lúc anh đang dẫn đầu đoàn đua và cách đích chỉ 600 mét.

Kawauchi cùng đội tuyển điền kinh Nhật Bản dự giải Vô địch Thế giới các năm 2011, 2013 và 2017. 

Thành công và cả những thất bại trên đường chạy giúp Kawauchi tự tạo ra cho anh một bí quyết riêng - tập luyện chăm chỉ, tính toán tốt điểm rơi phong độ, nhưng trên tất cả, phải chạy bằng niềm vui. "Nếu chỉ đơn thuần là tập luyện chăm chỉ ngày này qua ngày khác, bạn sẽ không thể đạt được kết quả tốt. Bạn cần phải cảnh giác trước nguy cơ chấn thương, tập luyện hiệu quả, và luôn nhớ rằng bạn đang tập vì bạn yêu chạy bộ. Tôi nghĩ rằng, một VĐV chỉ tìm thấy niềm vui trên đường chạy khi VĐV đó miễn nhiễm với chấn thương và thể hiện phong độ mà anh ta mong muốn", vị công chức ở trung tâm dạy nghề và giáo dục thường xuyên Kasukabe Night chia sẻ trên tờ Wall Street Journal.

Đến giờ, hầu hết các VĐV đỉnh cao của làng chạy Nhật Bản đều thuộc biên chế các CLB điền kinh nhà nghề. Ở đó, các VĐV được trả lương và tập luyện toàn thời gian, rồi dự thi các giải đấu trong màu áo CLB của họ trong một mô hình tương tự điền kinh Mỹ. Trong khi đó, do là công chức, Kawauchi  làm việc khoảng tám đến chín tiếng đồng hồ mỗi ngày, từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần, và chỉ tranh thủ tập luyện ngoài giờ hành chính. Để thi đấu ở các giải lớn, Kawauchi thường phải chờ đến mùa thu - thời điểm nơi anh làm vào giai đoạn ít công việc nhất. 

Cái giá để nuôi dưỡng niềm đam mê chạy bộ cũng không hề rẻ, lên đến một triệu yên mỗi năm (khoảng 12.500 đôla), chủ yếu vào việc tập luyện và nộp lệ phí thi đấu, theo tính toán của Kawauchi. Tiền thưởng từ thi đấu nếu có, như khoản 150.000 đôla vừa nhận ở Boston, cũng được Kawauchi dồn tất cả, để trang trải thêm cho các cuộc thi trong tương lai.

Do không thể tập ba lần mỗi ngày như các VĐV chuyên nghiệp, nên Kawauchi chỉ chạy 600 km mỗi tháng, bằng một nửa so với thông số tập luyện bình thường ở các CLB nhà nghề. Nhưng Kawauchi đã làm tốt nhất có thể,  trong khuôn khổ thời gian và nguồn lực của bản thân. 

Công chức này tự thiết kế giáo án tập luyện, dựa trên những gì anh thấy cần thiết cho bản thân. Mỗi tuần, Kawauchi có một cữ chạy dài (từ 35 đến 45 km) trên đường bằng và một cữ chạy trail trên núi. Những ngày còn lại, anh duy trì chạy từ 75 đến 100 phút. Dụng cụ bổ trợ thì được Kawauchi tận dụng từ cơ sở vật chất có sẵn ở trường nơi anh làm việc, hoặc mua đồ ở cửa hàng gia dụng về tự lắp ráp.

Bận rộn với công việc ở trường khiến Kawauchi thỉnh thoảng ước rằng anh có nhiều thời gian hơn để tập. Nhưng VĐV nghiệp dư này cũng thừa nhận: "Thời gian hạn chế buộc tôi phải tập luyện một cách hiệu quả, có thêm động lực cho các buổi tập vào cuối tuần". Kawauchi quan niệm rằng những người đam mê chạy bộ nên tự đặt ra cho bản thân các mục tiêu rõ ràng. "Thay vì nghĩ bạn phải trở thành một VĐV chạy chuyên nghiệp, hoặc từ bỏ, tôi nghĩ rằng các VĐV trẻ nên vạch ra những gì sẽ tốt cho họ, và tập luyện chăm chỉ".

Với cách nghĩ và làm như thế, từ chỗ chỉ chạy cự ly ngắn, Kawauchi nâng dần mục tiêu lên chạy bán marathon rồi marathon. Từ việc tham gia các giải trong nước, anh bắt đầu tìm cơ hội dự các giải ngoài Nhật Bản, đặt mục tiêu vào top 8 ở giải vô địch thế giới. Bằng nỗ lực và đam mê của bản thân, Kawauchi muốn truyền cảm hứng cho cộng đồng, khuyến khích nhiều đồng bào trẻ đến với môn chạy bộ, nâng cao dần tính cạnh tranh của marathon Nhật Bản mỗi khi "mang chuông đi đánh xứ người".

Anh chia sẻ trên Japan Running News: "Những người chạy marathon ở Nhật Bản nổi tiếng là nhút nhát hoặc yếu đuối. Tôi muốn chứng tỏ rằng những người chạy bộ Nhật Bản có thể rất mạnh mẽ và hoàn toàn có thể cạnh tranh ở nước ngoài".

Yuki Kawauchi chạy bộ trong trang phục của gấu trúc
 
 
Yuki khởi động cho Boston Marathon bằng việc tham dự một cuộc đua ở quê nhà - giải Kuki Half marathon, khi giả trang… một con gấu trúc. 

Kawauchi đã đạt được các mục tiêu mà anh đề ra. Thành tích cá nhân tốt nhất của anh trên đường chạy marathon (42km) là 2 giờ 8 phút 14 giây. Chỉ có bốn VĐV khác, đều là những người chạy chuyên nghiệp, gồm  ba người Mỹ (Khalid Khannouchi, Ryan Hall, Dathan Ritzenhein) và một  người Anh (Steve Jones) có thành tích tốt hơn Kawauchi  ở cùng cự ly.  Anh cũng đã thành công trong việc thu hút sự quan tâm từ công chúng Nhật Bản đến với môn chạy bộ. Sau biệt danh "Người chạy bộ quốc dân", nhắc đến Kawauchi gần đây, truyền thông Nhật Bản còn gọi anh bằng cái tên dữ dội hơn - "cỗ máy chạy marathon".

Cách ví von ấy rất thậm xưng, nhưng không hề vô căn cứ khi xét đến việc VĐV nghiệp dư này đã chạy hơn 80 giải marathon và về nhất ở hơn 30 giải trong số đó, mà vẫn hoàn thành công việc bàn giấy mẫn cán với 40 giờ mỗi tuần. Chỉ tính riêng trong năm ngoái, Kawauchi đã chạy ở 12 cuộc thi marathon. Đó là con số cao đến khó tin, bởi ngay cả những VĐV chạy đường dài đỉnh cao cũng chỉ dự hai hoặc ba giải marathon mỗi năm. Sang năm 2018, Kawauchi vẫn giữ nhịp độ mỗi tháng dự một cuộc thi marathon như thế, tính cả Boston Marathon hôm 16/4.

Nếu không phải "cỗ máy", Kawauchi khó có thể đạp lên những bất lợi về thời tiết tưởng không thể vượt qua tại một số giải chạy. Ở  Marshfield Marathon, Massachusett, Mỹ hôm 1/1/2018, Kawauchi về nhất với thành tích 2 giờ 18 phút 59 giây, trong điều kiện nhiệt độ âm 23 độ C. Nếu không phải là "cỗ máy", Kawauchi có lẽ cũng không thể giữ cùng lúc hai kỷ lục - là VĐV chạy marathon dưới 2 tiếng 12 phút (25 lần) và dưới 2 tiếng 20 phút (79 lần) nhiều lần nhất thế giới.

Ở tuổi 31, dường như Kawauchi chưa có bất kỳ đam mê nào khác bên cạnh công việc và chạy. Anh vẫn chưa có gia đình, và dường như cũng không có ý định tìm kiếm một nửa còn lại của cuộc đời như nhiều bạn bè, đồng nghiệp cùng trang lứa. Tình yêu lớn nhất của VĐV nghiệp dư này đã dành trọn cho chạy bộ. "Tôi dự rất nhiều cuộc thi, đơn giản vì tôi yêu chạy bộ. Đó là một trong những việc mà tôi thấy vui thú hơn cả. Chạy thi nhiều giúp tôi có cơ hội khám phá thế giới, qua việc đi đến nhiều nơi, gặp nhiều người, tìm kiếm những trải nghiệm mới mẻ", anh chia sẻ với World Racers sau khi về đích ở Boston Marathon.

Kawauchi hiện giữ kỷ lục thế giới với 79 lần chạy Marathon (42km) với thành tích dưới 2 giờ 20 phút.

Kawauchi cũng nhấn mạnh rằng chiến thắng tuyệt vời ở hôm thứ Hai 16/4 không làm anh thay đổi kế hoạch tập luyện đã vạch ra từ trước. Cụ thể, Kawauchi sẽ chạy ngay ngày hôm sau. Anh nói: "Có lẽ tôi sẽ chạy khoảng một tiếng đồng hồ". Khi được gặng hỏi chính xác thì anh sẽ chạy bao xa, nhà vô địch Boston Marathon 2018 trả lời: "10 kilomet". Xa hơn nữa, Kawauchi muốn đạt mục tiêu chạy tròn 100 giải marathon với thành tích dưới 2 giờ 20 phút trước khi Thế vận hội 2020 diễn ra ở quê nhà Tokyo.

Nhật Tảo - Việt Chung