Thứ bảy, 7/4/2018, 10:00 (GMT+7)

Caruana và khao khát của nước Mỹ về ngôi Vua cờ

Tân vô địch giải Thách Đấu 2018 được kỳ vọng đưa trí tuệ Mỹ lên đỉnh thế giới sau gần nửa thế kỷ thụt lùi.

Tại buổi họp báo sau giải Thách Đấu, một phóng viên người Mỹ hỏi: “Tôi hy vọng anh sẽ hạ Magnus Carlsen và trở thành Vua cờ. Nhưng anh có thể hứa với chúng tôi, sau đó không bỏ cờ vua, để râu ria xồm xoàm và trốn ở Reykjavik (Iceland) chứ?”.

Cả khán phòng, gồm cả Caruana, bật cười. Bởi ai cũng biết câu chuyện đó nhắc đến huyền thoại Bobby Fischer – nhà vô địch thế giới năm 1972, với màn đả bại Boris Spassky tại Reykjavik. Từ chối dự trận bảo vệ danh hiệu với Anatoly Karpov ba năm sau đó, biểu tượng trí tuệ Mỹ dần lui về hậu trường, sống ẩn dật ở thủ đô Iceland. Cho đến nay, Fischer vẫn là nhà vô địch thế giới duy nhất sinh ra ở xứ cờ hoa.

Đã 46 năm kể từ chiến thắng có quy mô vượt ra khỏi làng cờ của Fischer trước Spassky, Mỹ vẫn chưa có đại diện góp mặt trong trận chung kết thế giới (không tính trận đấu không được thừa nhận rộng rãi giữa Gata Kamsky và Karpov năm 1996). Ngoài Kamsky, Mỹ cũng không sở hữu Siêu đại kiện tướng nào khác trong thời gian dài, tô đậm sự ảm đạm của nền cờ siêu cường.

Fischer trong trận chung kết thế giới gặp Spassky năm 1972.

Những năm gần đây, Liên đoàn cờ vua Mỹ (USCF) đã đặt ra kế hoạch tìm lại hào quang xưa, từ cờ vua phong trào và đỉnh cao. Điểm nhấn chính là việc họ thuyết phục thành công Caruana trở lại khoác áo tuyển Mỹ với phí chuyển nhượng 55.000 đôla, cũng như tiến hành nhập tịch cho Wesley So – cao thủ gốc Philippines. Lần đầu tiên trong lịch sử, Mỹ sở hữu ba kỳ thủ trong top 10 thế giới (Caruana, So và Hikaru Nakamura), thành tích chỉ xuất hiện ở Nga (Liên Xô cũ).

Trong khi Nakamura chưa thể hiện được bản lĩnh ở những giải lớn, còn So vẫn cần thêm kinh nghiệm, Caruana nổi lên như kỳ thủ tiên phong của Mỹ. Vị trí á quân giải Thách Đấu 2016 ở lần đầu góp mặt cho thấy anh chỉ còn cách tấm vé dự trận tranh ngôi Vua cờ một bước chân. Quả nhiên. Caruana đã vô địch giải Thách Đấu 2018 với một điểm cách biệt, khẳng định chiến lược của USCF là đúng đắn.

Niềm tự hào mới của trí tuệ Mỹ từng được coi là thần đồng, từ khi còn phải đứng lên ghế để thi đấu. Sinh ra trong một gia đình có điều kiện tại Miami, Caruana sớm theo bố mẹ chuyển đến Brooklyn (New York) khi mới 4 tuổi. Một năm sau, cậu bé Fabiano theo học cờ vua ở giáo đường Do Thái có tên Temple Beth Elohim. 50 năm trước, Fischer cũng theo gia đình di cư đến Brooklyn, sống tại căn nhà cách Beth Elohim chỉ khoảng 1,5 km.

Caruana đánh thắng một Đại kiện tướng khi mới chín tuổi.

Người thầy đầu tiên của Caruana tại giáo đường là Bruce Pandolfini – chuyên gia săn thần đồng cờ vua Mỹ. Không lâu sau, anh được đưa đi tham dự trại hè cờ vua do cựu vô địch nữ thế giới Susan Polgar tổ chức. Tiềm năng sớm được khai quật, Fabiano đánh đông, dẹp bắc ở thành phố New York. Năm lên bảy, cậu bé xuất hiện trong một tạp chí, đứng lên ghế đánh cờ với thầy Pandolfini. “Buổi phỏng vấn diễn ra không thuận lợi, bởi tôi vừa xem tivi vừa trả lời câu hỏi”, Fabiano hồi tưởng.

Để con trai phát triển đúng với năng khiếu cờ vua, bố của Fabiano – ông Lou Caruana - từ bỏ hàng loạt công việc, chỉ tập trung kinh doanh bất động sản. Năm 2004, gia đình nhà Caruana dọn đến châu Âu để Fabiano có thêm nhiều cơ hội học tập và thi đấu. 

Mỗi năm, gia đình bỏ ra 50.000 đôla để cậu bé được dự những giải đấu cải thiện trình độ. Hy sinh cả sự nghiệp vì niềm đam mê cờ vua của con trai, ông Lou bị nhiều người bạn phản đối. “Tôi nhớ khi Lou chuyển đi cùng gia đình, tôi đã cho rằng liệu ông ta có đang làm quá không”, Maliq Matthew – giáo sư của đại học Cincinnati - nói.

Sau gần ba năm sống ở Madrid (Tây Ban Nha), Caruana chuyển đến Budapest (Hungary) và đoạt danh hiệu Đại kiện tướng với chức vô địch giải First Saturday. Anh trở thành Đại kiện tướng trẻ nhất lịch sử cờ vua Mỹ và Italy – quê hương của ông Lou.

Caruana từng là Đại kiện tướng trẻ nhất nước Mỹ.

Tháng 10/2005, Caruana chuyển sang khoác áo tuyển Italy, do anh sống ở châu Âu và sẽ định cư tại Italy. Cao thủ sinh năm 1992 lý giải rằng anh muốn thúc đẩy phong trào cờ vua tại mảnh đất hình chiếc ủng. Chứng kiến mục đích của Caruana, Ủy ban Olympic Italy (CONI) nâng cấp cờ vua thành môn thể thao quốc gia, xếp ngang hàng bóng đá hay quần vợt.

Caruana không đi học, mà tiếp thu kiến thức tại nhà. Dù vậy, độ hiểu biết của anh vẫn ấn tượng. Caruana thích đọc, viết, xem phim và chơi bóng bàn. Khi không dự các giải cờ, Caruana có thói quen chạy 10 km mỗi ngày.

Trong 10 năm ở châu Âu, Caruana tiến bộ từng ngày, dần đạt thành tích cao ở những siêu giải đấu. Anh vô địch Dortmund 2012 với 6 trên điểm tổng 9. Hai năm sau anh tái hiện thành tích tại giải, đạt 5,5 trên điểm tổng 7, bỏ cách người nhì bảng tới 1,5 điểm, lần đầu vượt Elo 2.800.

Caruana với màn trình diễn hay nhất lịch sử cờ vua, ở Sinquefield Cup 2014.

Phong độ cao của Caruana trong năm 2014 kéo dài tới ngôi vương Sinquefield Cup – hội tụ sáu kỳ thủ trong top 10 thế giới, bao gồm Carlsen. Với bảy chiến thắng liên tiếp kể từ đầu giải, cộng thêm ba ván hòa, Caruana đạt thành tích thi đấu 3.080. Con số được coi là màn trình diễn tốt nhất lịch sử tại các giải cờ vua. Đến tháng 10, Caruana đạt Elo 2.844, cao thứ ba lịch sử, chỉ sau Carlsen (2.882) và Garry Kasparov (2.851).

Kể từ đó, Caruana chưa từng bị đánh bật khỏi top 5 thế giới. Anh còn đoạt thêm chức vô địch Dortmund 2015 và quán quân London Chess Classic năm ngoái. Số lần vô địch các siêu giải của Caruana không nhiều so với các cao thủ, nhưng anh luôn đảm bảo vị trí cao.

Được đánh giá cao ở khả năng nhớ nhiều khai cuộc, Caruana sẽ ít nhiều gây khó dễ cho Carlsen trong trận tranh ngôi Vua cờ vào tháng 11/2018. Kỳ thủ số một thế giới không mạnh về khai cuộc và đây sẽ là yếu tố để Caruana tập trung khai thác. Không riêng Caruana, mọi kỳ thủ sẽ bị đánh giá ở chiếu dưới khi đụng độ Carlsen trong trận đấu kéo dài 12 ván. Máy tính cũng chỉ đánh giá cơ hội thắng của Caruana là 30%, nhưng đó không phải con số bất khả thi.

Tại ván một của siêu giải Grenke đang diễn ra ở Đức, Caruana cũng cầm hòa thành công Carlsen qua tàn cuộc với ưu thế chiến thắng cho Vua cờ. Có thể nói kỳ thủ người Na Uy mạnh nhất thế giới ở cờ tàn, càng tô điểm thêm khả năng cầm cự của Caruana.

Caruana (phải) cầm hòa Carlsen ở ván một Grenke Chess Classic 2018.

46 năm trước, Fischer từng tạo ra cả một hiệu ứng mang tên “Cơn sốt Fischer” (Fischer Boom), lôi kéo hàng nghìn người Mỹ đến với môn thể thao trí tuệ. Trải qua gần nửa thế kỷ, người Mỹ mới tìm ra một kỳ thủ thách đấu Vua cờ lừng danh. Caruana từng giúp Mỹ vô địch Olympiad (giải đồng đội thế giới) năm 2016, qua 40 năm trắng tay, nhưng ngôi Vua cờ vẫn là đỉnh cao Mỹ đang muốn với đến.

Năm lên 10 tuổi, Fabiano thường vô địch các giải ở châu Âu, nhận những chiếc cup cao hơn chính cậu bé. Trước đó một năm, Fabiano cũng hạ gục một Đại kiện tướng có trình độ. Khi ấy, nước Mỹ lần đầu tôn cậu bé lên làm thần đồng, với hiệu ứng “Thần thoại Fabiano” (Fabulous Fabiano). 

Nếu hạ gục Carlsen tháng 11 tới, “Thần thoại Fabiano” không chỉ thay thế “Cơn sốt Fischer”, mà còn đưa cờ vua lên tầm cao mới.

Xuân Bình

Ảnh: Worldchess, GCC, SC, MCA