Thứ ba, 19/12/2017, 13:10 (GMT+7)

Viktor Axelsen – ông hoàng mới của làng cầu trắng

Axelsen là tay vợt châu Âu đầu tiên giành vị trí số một thế giới, vượt qua các ngôi sao Trung Quốc – đất nước anh từng tầm sư học đạo.

Viktor Axelsen sinh ra ở thành phố Odense - quê hương của văn hào Hans Christian Andersen. Chiến tích của anh ở làng cầu lông thế giới tựa như cái kết có hậu trong những mẩu truyện cổ Andersen. Nhưng con đường đến với thành công của tay vợt sinh năm 1994 không có màu phép, mà chứa đầy nghị lực và toan tính khoa học.

Axelsen là thiên sứ của cầu lông Đan Mạch. Ảnh: Reuters.

Axelsen bắt đầu chơi cầu lông từ khi 6 tuổi, với những bài học vỡ lòng từ bố. Bên cạnh bóng đá, cậu bé có đôi má lúm dễ thương bị lôi cuốn bởi những trái cầu trắng. Ấu thơ của Axelsen là những buổi lân la khắp các sân cầu, ngồi một chỗ và nhìn các anh lớn thi đấu. Axelsen chỉ chờ đến khi họ thiếu chân đánh đôi, để xin vào chơi cùng.

Lên 9 tuổi, Axelsen bách chiến bách thắng ở những giải cầu lông trẻ trong vùng. Nhận thấy bản thân có một tiềm năng lớn, cậu quyết bỏ bóng đá để dành nhiều thời hơn hơn cho cầu lông. Dù khi đó, Axelsen chưa nghĩ sẽ trở thành tay vợt chuyên nghiệp. “Tôi toàn tâm, toàn ý cho cầu lông khi đó chỉ là vì tôi càng đánh càng thấy mình giỏi hơn”, Axelsen tâm sự.

25 cú đánh của Axelsen
 
 
Những cú đánh xuất sắc của Axelsen.

Cách thức để Axelsen tiến bộ nhanh chóng là luôn đánh vượt tuổi khi tham dự những giải trẻ. Khi đó anh không còn bất bại, đổi lại, danh tiếng dần lan rộng khắp đất nước.

Đối với Axelsen, ngôi vương giải U19 thế giới 2010 là khoảnh khắc đáng nhớ nhất sự nghiệp. Tại đó, chàng trai 16 tuổi vóc dáng cao mảnh khảnh vượt qua hàng loạt đàn anh già hơn đến hai tuổi để đăng quang ở Mexico. Anh trở thành tay vợt châu Âu đầu tiên đoạt danh hiệu này, với chiến thắng trước Kang Ji-wook tại chung kết.

Cái tên Viktor Axelsen xuất hiện dày đặc trên các mặt báo Đan Mạch sau chiến tích đó. Anh được đôn lên tuyển quốc gia, nhận giải “Phát hiện của năm” và trở thành niềm hy vọng lớn nhất của thể thao Đan Mạch tại Olympic. Quốc gia nhỏ bé ở Bắc Âu nổi tiếng với các nhà vô địch Olympic môn đua thuyền và bóng ném. Họ cũng sở hữu nền tảng cầu lông mạnh nhất lục địa già, nhưng chưa là gì nếu so với Trung Quốc, Malaysia, Indonesia hay Nhật Bản. Axelsen giống như thiên sứ trong truyện cổ Andersen, trục vớt nền cầu lông Đan Mạch vốn đang mất đi vị thế sau thời kỳ của Peter Gade hay Jan Jorgensen.

Thất bại trong việc bảo vệ chức vô địch trẻ thế giới sau đó một năm khiến Axelsen phải nhìn nhận lại bản thân. Thay vì bị tấn kỳ vọng của dư luận đè bẹp, anh học cách chấp nhận thất bại. Để theo đuổi cầu lông chuyên nghiệp, Axelsen rời Odense và lên thủ đô Copenhagen, tăng cường khối lượng tập luyện. Chỉ sau hai năm, Axelsen trở thành đối trọng với các tay vợt hàng đầu thế giới, ở Super Series hay Grand Prix. Chàng trai 18 tuổi gây ngỡ ngàng khi quật ngã Kenichi Tago 21-8, 21-17 để vào chung kết Super Series ở Pháp năm 2012.

Axelsen đánh bại Lee Chong Wei ở Nhật Bản mới đây. Ảnh: Reuters.

Con đường trở thành số một thế giới như tâm nguyện của anh không trải đầy hoa hồng. Sự ổn định vẫn là khiếm khuyết của Axelsen bởi trong hai năm tiếp theo, anh không còn lọt vào chung kết các giải lớn, quanh quẩn ngoài top 20. Điểm yếu thấy rõ ở anh là bất ổn tâm lý, thể hiện qua thói quen la hét và chửi tục sau những sai lầm. Lần đầu tiên tay vợt cao 1m94 nghi ngờ khả năng bản thân, suy tính đến việc bỏ cầu lông để theo đuổi nghiệp học vấn. Chiều cao vượt trội và cánh tay dài mang lại lợi thế lớn trên sân cầu, nhưng lại giảm tốc độ di chuyển.

Đến năm 2014, Axelsen mới đoạt danh hiệu chuyên nghiệp đầu tiên, khi đánh bại Tian Houwei 21-7, 16-21, 25-23 ở chung kết Grand Prix Gold ở Thụy Sĩ. Sau đó vài tháng, anh có thêm HC đồng thế giới trên sân nhà, do phải dừng bước trước hạt giống số một Lee Chong Wei với tỷ số 9-21, 7-21 tại bán kết. Tay vợt người Malaysia giành ngôi á quân nhưng bị tước huy chương do dính bê bối doping. Thành công đó giúp Axelsen vào top 10 thế giới năm 21 tuổi.

Trước khi vươn lên đỉnh cao, Axelsen đã nhiều phen vấp ngã tưởng như không gượng dậy nổi.

Lúc này, Axelsen đứng trước thử thách lớn hơn - vô địch các giải Super Series danh giá. Nhưng chỉ trong năm 2015, anh có tới năm lần gục ngã trong trận chung kết. Sau khi gác vợt trước tay vợt đồng niên Kidambi Srikanth ở Thụy Sĩ và Ấn Độ trong tháng 3/2015, Axelsen tiếp tục dừng bước trước Chen Long và Lin Dan ở Australia và Nhật Bản Mở rộng. Đến khi đánh bại cả Kidambi và Chen tại Super Series Finals, anh lại chịu thua Kento Momota chóng vánh ở chung kết.

Nhiều lần gục ngã trước vạch đích không làm Axelsen nản chí. Anh không ngừng tìm tòi cách thức nâng cao trình độ. Một trong những thói quen của tay vợt người Đan Mạch sau mỗi trận đấu là xem lại băng hình, rút kinh nghiệm từ những sai lầm. “Tôi luôn cảm thấy mình có thể tiến bộ hơn. Để làm được điều đó, tôi luôn nhìn sự việc dưới góc đa chiều, đôi khi nghĩ khác đi và xem bản thân có thể làm tốt hơn không. Tôi luôn đặt ngưỡng phấn đấu cho bản thân, về cả thể chất và tâm lý”, anh nói.

Axelsen trả lời phỏng vấn bằng tiếng Trung.

Bí quyết thành công của Axelsen là học hỏi từ những người giỏi nhất. Khi Axelsen còn nhỏ, mẹ thường bắt anh dự các lớp học tiếng Trung Quốc mỗi cuối tuần, phòng sau này cần. Đáp lại, anh chỉ học một cách chống đối. Nhưng sau giai đoạn 2012-2014 khó khăn, Axelsen quyết định học ngoại ngữ chuyên sâu để tích thêm chuyên môn từ cường quốc cầu lông thế giới.

Anh dành thời gian rảnh để tham gia các diễn đàn tiếng Trung, tăng cường kỹ năng viết. Từ đó, thông báo trên mạng xã hội của Axelsen đều là song ngữ - tiếng Anh và tiếng Trung. Axelsen cũng thích giao lưu với các tay vợt Trung Quốc để cải thiện giao tiếp. Dù bị các đồng nghiệp chê cười mỗi khi nói sai, anh chỉ cười cho qua và tiếp tục học hỏi. Sau tấm HC đồng Olympic 2016, Axelsen xuất hiện trên một đài Trung Quốc, trả lời phỏng vấn rành rọt bằng tiếng quan thoại.

Hành trình lên đỉnh thế giới của Axelsen (những đường màu xanh là tăng thứ bậc, màu đỏ là giảm)

Người phương Tây có câu: “Nếu không thể đánh bại họ, hãy học hỏi từ họ”. Đó là cách Axelsen đã vận dụng, và thành công. Tại bán kết giải thế giới 2017 mới đây, Axelsen buộc Chen Long phải gác vợt chỉ sau hơn nửa tiếng thi đấu, với tỷ số cách biệt 21-9, 21-10. Bước đến chung kết gặp Lin Dan, Axelsen đứng trước cơ hội làm nên lịch sử.

Axelsen bị dẫn 19-20 ở game đầu, nhưng cú smash dọc dây tự tin giúp anh trở lại thế cân bằng, trước khi ghi thêm hai điểm nữa. Anh tận dụng triệt để sở trường là những cú chém cầu bỏ nhỏ chéo sân, nhắm vào điểm yếu trái tay của Lin cả trận. Axelsen đã chứng minh bản lĩnh của nhà vô địch ở khoảnh khắc căng thẳng nhất, để rồi kết liễu đối thủ 21-16 trong game hai. “Bề ngoài trông tôi có vẻ tự tin, nhưng trong lòng tôi run rẩy cực độ”, Axelsen chia sẻ cảm giác khi thi đấu. “Nhưng tôi đã vượt qua và đạt danh hiệu đã mơ ước từ nhỏ”.

Làng cầu lông thế giới chứng kiến ông hoàng mới mang tên Viktor Axelsen. Ảnh: Reuters.

Chiến thắng của Axelsen trước Lin giúp anh chấm dứt thế thống trị của cầu lông Trung Quốc ở giải thế giới sau 11 năm. Một tháng sau, anh tiếp tục đánh bại Lee ở chung kết Nhật Bản Mở rộng, lên ngôi số một thế giới. Tay vợt người Malaysia gác vợt thêm một lần nữa trước Axelsen ở chung kết Super Series Finals, bất lực trong việc lật đổ ông hoàng mới đến từ Đan Mạch.

Axelsen đang tiến bước vững chắc để bảo vệ đỉnh cao thêm một thời gian dài.

Xuân Bình