Thứ hai, 22/1/2018, 11:35 (GMT+7)

10 trận đấu hấp dẫn nhất lịch sử bóng đá Việt Nam

Trước khi hạ Iraq ở giải U23 châu Á 2018, đội U23 và đội tuyển quốc gia Việt Nam đã tạo ra nhiều trận cầu cảm xúc kể từ khi hội nhập năm 1995.

Việt Nam 2-1 Myanmar SEA Games 18
 
 

Việt Nam 2-1 Myanmar (SEA Games 18 năm 1995). Myanmar lúc này vẫn là một thế lực của bóng đá Đông Nam Á, còn Việt Nam mới trở lại hội nhập ở đấu trường khu vực. Tuy nhiên, lứa thế hệ vàng của Hồng Sơn, Huỳnh Đức đã chơi quả cảm trước các nhà cựu vô địch SEA Games. Việt Nam bị dẫn trước, nhưng có bàn gỡ do công của Lê Huỳnh Đức. Bước vào hiệp phụ, tiền đạo dự bị Trần Minh Chiến ghi bàn quyết định, giúp Việt Nam lần đầu vào chung kết giải đấu khu vực.

Việt Nam 2-2 Indonesia SEA Games 19
 
 

Việt Nam 2-2 Indonesia (SEA Games 19 năm 1997). Việt Nam ra quân không tốt và thúc thủ 0-1 trước Malaysia. Ở lượt trận thứ hai, thầy trò Collin Murphy gặp đội chủ nhà Indonesia. Dưới sức ép của hơn bảy vạn khán giả ở sân Senayan, nay là Gelora Bung Karno, Việt Nam liên tục bị dẫn trước nhưng kiên cường thi đấu và có tỷ số hòa 2-2 nhờ cú đúp của Văn Sỹ Hùng. Nhờ cú sảy chân của Malaysia trước Lào, Việt Nam lách khe cửa hẹp để vào bán kết.

Việt Nam 3-0 Thái Lan Tiger Cup 98
 
 

Việt Nam 3-0 Thái Lan (Tiger Cup 1998). Thái Lan là "ông kẹ" của bóng đá Đông Nam Á giai đoạn thập niên 1990, nhưng Việt Nam đã tạo ra cú sốc khi giành chiến thắng với tỷ số 3-0 nhờ các bàn thắng của Trương Việt Hoàng, Nguyễn Hồng Sơn và Văn Sỹ Hùng. Tuy nhiên, thầy trò Alfred Riedl vẫn không thể lên ngôi ở giải đấu được tổ chức trên sân nhà, khi thất bại trước Singapore ở chung kết vì "cái lưng của Sasikumar".

Việt Nam 1-0 Hàn Quốc VL Asian Cup 2004
 
 

Việt Nam 1-0 Hàn Quốc (Vòng loại Asian Cup 2004). Đội bóng xứ kim chi vừa lọt vào bán kết World Cup 2002 và là đội bóng hàng đầu châu Á thời điểm này. Tại vòng loại Asian Cup 2004, Việt Nam thua 0-5 ở lượt đi, được tổ chức tại Incheon, Hàn Quốc. Nhưng ở trận lượt về, tại Muscat (Oman), Việt Nam gây chấn động bằng chiến thắng 1-0, với pha lập công duy nhất do công của Phạm Văn Quyến.

U23 Việt Nam 4-3 U23 Malaysia SEA Games 22
 
 

U23 Việt Nam 4-3 U23 Malaysia (SEA Games 22 năm 2003). SEA Games 22 là giải đấu khu vực thứ hai Việt Nam làm chủ nhà. Thầy trò Riedl vượt qua vòng bảng, gặp Malaysia ở bán kết, và dẫn trước đối thủ với tỷ số 3-1. Tuy nhiên, những sai lầm ở hàng thủ khiến Việt Nam thủng lưới hai bàn trong hai phút. Phải đến khi Phan Thanh Bình ghi bàn ấn định chiến thắng ở phút cuối, Việt Nam mới giành quyền vào chung kết.

Việt Nam 2-0 UAE Asian Cup 2007
 
 

Việt Nam 2-0 UAE (Asian Cup 2007). Vòng chung kết bóng đá châu Á năm 2007 được tổ chức ở bốn nước Đông Nam Á là Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Ngay trận ra quân, Việt Nam đã tạo bất ngờ lớn khi đánh bại đối thủ sừng sỏ UAE với tỷ số 2-0. Cùng với một điểm giành được trước Qatar ở trận kế tiếp, Việt Nam lần đầu tiên vào tứ kết một giải châu lục.

Việt Nam 3-2 Malaysia AFF Cup 2008
 
 

Việt Nam 3-2 Malaysia (AFF Cup 2008). Thầy trò Henrique Calisto thua chủ nhà Thái Lan ở trận ra quân, và buộc phải thắng Malaysia ở lượt trận thứ hai để giành quyền tự quyết. Việt Nam hai lần dẫn trước, nhưng đều bị đối thủ gỡ hòa. Điểm chốt của trận đấu đến vào phút 86. Cú sút từ giữa sân của Nguyễn Vũ Phong chạm vào mô đất và nảy cao hơn tầm phán đoán thủ môn Malaysia rồi đi vào lưới. 

Việt Nam 1-1 Thái lan AFF Cup 2008
 
 

Việt Nam 1-1 Thái Lan (AFF Cup 2008). Việt Nam có lợi thế lớn sau chiến thắng 2-1 ở chung kết lượt đi trên sân khách. Tuy nhiên, Thái Lan đã chơi lì lợm tại Mỹ Đình và dẫn thầy trò Henrique Calisto từ phút 21. Nếu tỷ số 1-0 được giữ nguyên, hai đội sẽ phải đá hiệp phụ và Việt Nam có nguy cơ bị tâm lý và thể lực suy giảm. Tuy nhiên, cú đánh đầu ngược của Lê Công Vinh ở phút bù giờ thứ tư đã chấm dứt tất cả, đồng thời giúp Việt Nam lần đầu vô địch Đông Nam Á kể từ khi quay lại hội nhập.

U23 Việt Nam 4-1 U23 Iran ASIAD 2014
 
 

U23 Việt Nam 4-1 U23 Iran (ASIAD 17). Đây là giải đấu đầu tiên của Toshiya Miura khi dẫn dắt Việt Nam. Ngay trận ra quân, U23 Việt Nam tạo dư chấn bằng cách đánh bại Iran với tỷ số 4-1 nhờ  các pha lập công của Võ Huy Toàn, Mạc Hồng Quân, Trần Phi Sơn, Ngô Hoàng Thịnh, những người đều trở thành trụ cột dưới thời HLV người Nhật Bản. Tại trận kế tiếp, Việt Nam thắng tiếp Kyrgyzstan và lọt vào vòng 1/8.

U23 Việt Nam 3-3 U23 Iraq (U23 châu Á 2018). Iraq là quốc gia có khả năng đào tạo trẻ tốt bậc nhất châu Á khi liên tục giành thứ hạng cao ở các giải đấu châu lục. Họ chứng tỏ được bản lĩnh khi dẫn ngược 2-1, dù bị Việt Nam chọc thủng lưới sớm từ pha ghi bàn của Nguyễn Công Phượng. Tuy nhiên, thầy trò Park Hang-seo đã chơi quả cảm, san bằng tỷ số 2-2 và suýt giành chiến thắng trong 30 phút bù giờ khi Hà Đức Chinh nâng tỷ số lên 3-2. Bàn gỡ của Iraq chỉ giúp đội bóng này kéo dài trận đấu sang loạt luân lưu, chứ không thể chặn đà chiến thắng của Việt Nam. 

Việt Nam 3-3 Iraq U23 châu Á 2018
 
 

Ở loạt sút luân lưu, cả năm cầu thủ áo đỏ đều hoàn thành nhiệm vụ, trong khi thủ thành Tiến Dũng chặn được cú sút của một cầu thủ Iraq. Giành chiến thắng 5-3, thầy trò HLV Park Hang-seo vào bán kết gặp Qatar ngày 23/1.

Thắng Nguyễn