Thứ sáu, 26/1/2018, 10:57 (GMT+7)

Câu chuyện thần kỳ của bóng đá Uzbekistan

Không chỉ gây bất ngờ với việc lọt vào chung kết U23 châu Á năm nay, trong quá khứ bóng đá Uzbekistan cũng từng làm nên địa chấn tại ASIAD 12 năm 1994.

Bóng đá có mặt tại Uzbekistan từ rất sớm. Ngay từ đầu của thế kỷ XX, những cầu thủ người Uzbekistan đã chơi bóng ở đẳng cấp cao nhất trong nền bóng đá Liên Xô. Tuy nhiên, nhiệm vụ của nền bóng đá Trung Á có sự thay đổi lớn từ cột mốc năm 1991, khi Uzbekistan tách ra thành nước độc lập vì sự tan rã của Liên Xô. Họ phải phát triển bóng đá dưới tư cách một liên đoàn, trên phạm vi toàn quốc. Trước đó, nhiệm vụ hàng đầu của bóng đá Uzbekistan là giành quyền dự giải vô địch quốc gia của Liên Xô. 

Những nạn nhân của vụ rơi máy bay năm 1979

Mọi chuyện ở mảnh đất này đã diễn ra không hề dễ dàng. Năm 1979, một tai nạn máy bay thảm khốc đã cướp đi toàn bộ sinh mạng của đội bóng ưu tú nhất Uzbekistan, Pakhtakor Tashkent. Những dự định về kế hoạch phát triển bóng đá thời hậu Liên Xô bị bóp nghẹt từ trong trứng nước. Những cầu thủ, HLV giỏi nhất không có cơ hội giúp quốc gia non trẻ phát triển bóng đá. Thậm chí một số cá nhân nổi trội đã rời Uzbekistan để tìm kế sinh nhai ở Nga hay Ukraine.

Với nhiều rào cản từ chính phủ, bóng đá Uzbekistan bị bỏ rơi trước thời điểm khai mạc Thế vận hội ASIAD 12, năm 1994. Ngày ấy, bóng đá tại ASIAD (và Olympic) vẫn là sân chơi của các đội tuyển quốc gia, nhưng đội tuyển Uzbekistan lại không nhận được bất cứ sự viện trợ nào. Họ không được đi chung cùng đoàn VĐV Uzbekistan tới Hiroshima (Nhật Bản). Trong bản danh sách tiền thưởng cho những tấm huy chương đầu tiên của Uzbekistan, tính từ thời điểm hoạt động dưới danh nghĩa quốc gia độc lập, không hề có từ nào dành cho bóng đá.

14.000 đôla là tất cả những gì Liên đoàn bóng đá Uzbekistan gom góp trước ngày lên đường dự Á vận hội. Họ xây dựng một đội tuyển chắp vá, với 17 cầu thủ, một HLV, một trợ lý và một bác sĩ chăm sóc chung cho toàn đội, nhưng những rắc rối chưa dừng ở đó. 

Azamat Abduraimov (số 10) trong trận đấu với Thái Lan ở vòng bảng.

HLV được chọn là Rustam Akramov, người bị nghi ngờ về khả năng do CLB Pakhkator của ông thi đấu quá kém tại giải vô địch quốc gia. Việc Akramov được bổ nhiệm phần nhiều nhờ kinh nghiệm chinh chiến nước ngoài, thuở ông đến Algeria trong thập niên 1980. Nhưng đó không phải vấn đề lớn nhất của Akramov. Trợ lý của ông, Berador Abduraimov là một cầu thủ nổi tiếng. Abduraimov ghi hơn 100 bàn cho CLB Pakhator và nổi bật hơn nhiều so với người ngồi ghế chỉ đạo. Bản thân Abduraimov cũng tỏ ra khó chịu khi xuất hiện một người nổi bật hơn trên ghế huấn luyện, nhưng cả hai giữ sự kiềm chế và đặt lợi ích đội tuyển lên trên.

Uzbekistan không chỉ gặp vấn đề ở đội ngũ huấn luyện, 17 cầu thủ dự ASIAD 12 cũng là thách thức thực sự với họ khi thủ môn số một Pavel Bugalo bị ốm ngay trước thềm giải đấu. Chân sút số một Ravshan Bozorov từ chối đến Nhật Bản vì mâu thuẫn với HLV Akramov. Hai ngôi sao Andrey Pyatnitsky và Valery Kechinov muốn dự World Cup 1994 cùng đội tuyển Nga, thay vì chơi bóng tại ASIAD. Phải rất khó khăn, HLV Akramov và trợ lý Abduraimov mới chọn được đội hình thi đấu.

Quang cảnh sân Hiroshima, nơi diễn ra môn bóng đá nam tại ASIAD 12.

Uzbekistan dự ASIAD 12 chỉ với ba tuyển thủ thi đấu ở nước ngoài, một trong số đó là Azamat Abduraimov, con trai của trợ lý Berador Abduraimov, khi đó chơi bóng tại Malaysia. Hai cái tên còn lại cũng không quá nổi bật. Mirjalol Qosimov khoác áo Spartak Vladikavkaz của Nga, còn Igor Shkvyrin thi đấu tại Israel, trong màu áo Maccabi Haifa.

Xương sống của đội tuyển Uzbekistan nằm ở hai CLB giàu truyền thống nhất nước này là Pakhtakor và Neftchi. Nhưng ngay cả vậy, những cầu thủ được chọn cũng không mang tới sự yên tâm. Stepan Atoyan liên tục làm bạn với chấn thương và giường bệnh, còn Alexandr Tikhonov hai lần bị chấm dứt hợp đồng trước hạn vì không đạt yêu cầu. Tất cả nói lên sự chắp vá của đội bóng Trung Á trong lần đầu "đem chuông đi đánh xứ người".

HLV Akramov chủ trương xây dựng lối chơi tấn công trên sơ đồ 4-3-3, và cầu thủ chơi bóng tại Israel, tiền đạo cắm Shkvyrin trở thành ngôi sao rực rỡ nhất trong giải đấu tổ chức trên đất Nhật Bản, với tám bàn trong bảy trận đấu. Ông được báo giới châu Á thời bấy giờ ví von là "thiên thần tóc vàng", và góp công lớn trong chiến thắng gây sốc 4-1 trước ứng viên vô địch Ả-rập Xê-út ở trận ra quân. Cả bốn bàn của đội bóng Trung Á đều được ghi trong hiệp một.

FIFA phóng sự Uzbekistan
 
 
FIFA làm phóng sự về sự phát triển bóng đá ở Uzbekistan.

Sau chiến thắng lịch sử, Uzbekistan không gặp nhiều khó khăn để thắng tiếp ba trận còn lại, trước Malaysia, Hong Kong và Thái Lan. Thầy trò Akramov vào tứ kết với thành tích toàn thắng, và tiếp tục mạch trận ấn tượng bằng cách biệt ba bàn trước Turkmenistan ở tứ kết.

Thách thức thực sự đến với Uzbekistan ở bán kết, nơi họ chạm trán Hàn Quốc, đội vượt qua chủ nhà Nhật Bản với tỷ số 3-2 ở tứ kết bằng một quả phạt đền gây tranh cãi cuối trận. Đội bóng xứ kim chi lúc đó rất mạnh. Họ mang đến Nhật Bảnchín tuyển thủ vừa tham dự World Cup 1994, trong đó đáng kể nhất là cặp trung vệ Hong Myung-bo và Choi Young-il. Đây là bộ đôi giúp Hàn Quốc thủ hòa Tây Ban Nha với tỷ số 2-2, và chỉ chịu thua sát nút 2-3 trước Đức - đội đương kim vô địch thời điểm đó.

Những gì diễn ra sau đó hoàn toàn khớp với dự đoán trước trận. Hàn Quốc nắm thế chủ động và dồn ép Uzbekistan, nhưng tài năng của thủ thành Sheikin và vận đen liên tục làm nản lòng đội bóng hàng đầu châu lục. Tới phút 65, bất ngờ xảy ra. Con trai của trợ lý Abduraimov mở tỷ số, trong một đợt tấn công hiếm hoi của Uzbekistan, bằng một cú sút xa từ cự ly gần 30 mét. Pha làm bàn này có sự giúp sức lớn của thủ môn Hàn Quốc khi anh này đoán sai hướng đi của trái bóng và ôm hụt, dù bóng đi không căng và hiểm. Dưới sự cổ vũ của đông đảo khán giả chủ nhà, những người chưa hết tức giận vì trận thua Hàn Quốc, đại diện Trung Á bảo toàn mành lưới và tiến vào chung kết, gặp Trung Quốc.

ASIAD 12 - 1994
 
 
Trận đấu Hàn Quốc - Nhật Bản và bàn thắng lịch sử của Uzbekistan vào lưới Hàn Quốc.

Từ chỗ là đội vô danh, Uzbekistan trở thành hiện tượng và nhận sự ủng hộ lớn từ CĐV Nhật Bản. Trong trận chung kết ASIAD 12, những tiếng hô "Uzbekistan" liên tục vang vọng trên khán đài sân trung tâm ở Hiroshima. Một đội bóng vừa có trận đấu giao hữu quốc tế đầu tiên, vào năm 1992, hai năm sau đã vào chung kết giải đấu tầm cỡ châu lục. Câu chuyện cổ tích của người Uzbekistan được kể trọn vẹn. Họ sớm dẫn Trung Quốc 2-0 khi trận đấu chưa bước sang phút thứ 10. Trung Quốc nỗ lực bám đuổi, và liên tục rút ngắn cách biệt xuống 1-2 rồi 2-3, trước khi đầu hàng ở phút 81 bởi bàn ấn định chiến thắng 4-2 của Maksudov.

Uzbekistan giành chiến thắng ngay ở lần đầu tiên tham dự một giải đấu lớn. Điều đó gây ra cú sốc lớn tại châu lục. Giới chuyên gia thời điểm đó đồng ý rằng người Uzbekistan không hoàn toàn giống người châu Âu, nhưng cách chơi của họ hoàn toàn mang phong cách của lục địa già. Với khoảng cách lớn về trình độ giữa châu Âu và châu Á, các đội hàng đầu châu lục chấp nhận thực tế này, và nhận định, Uzbekistan hưởng lợi không nhỏ từ nền bóng đá Liên Xô.

Nhiều tờ báo lớn ở châu Á gọi chức vô địch ASIAD 12 của Uzbekistan là "sự thức tỉnh" với châu Á. Truyền thông Malaysia, bại tướng của Uzbekistan ở vòng bảng khi thua 0-5, thậm chí lên tiếng cảnh báo Australia và New Zealand, những nước có ý định gia nhập Liên đoàn bóng đá châu Á để tìm một suất dự World Cup. Malaysia nhận định, một thế lực mới của châu Á đang nổi lên, và đó là lời thách thức với toàn châu lục.

Trái với sự lạnh nhạt ngày lên đường đến Hiroshima, đội tuyển Uzbekistan nhận sự tiếp đón nồng nhiệt của người hâm mộ khi trở về sân bay quốc tế Tashkent. Nhiều người đã nhắc đến chuyện dự World Cup, bởi ở vòng chung kết World Cup 1998 kế tiếp, châu Á sẽ có ba suất rưỡi, thay vì hai suất như trước, vì tổng số đội tham dự giải được tăng lên thành 32.

Uzbekistan (xanh) có nền tảng tốt nhưng chưa một lần dự World Cup.

Thành công ở ASIAD 12 là điểm khởi đầu nhưng cũng là kết thúc của thế hệ của Shkvyrin và Sheikin, bởi lãnh đạo Uzbekistan tin rằng không cần đầu tư nhiều cho bóng đá vì họ đã có nền tảng quá tốt. Họ thất bại trong việc hoàn thành mục tiêu trong 10 năm kế tiếp, tính từ chiếc HC vàng ASIAD 12. Vòng loại World Cup 1998, Uzbekistan xếp thứ tư vòng loại cuối cùng, kém suất đi tiếp của Nhật Bản bảy điểm. Vòng loại World Cup 2002, họ kém suất đá play-off của UAE một điểm. Vòng loại World Cup 2006, Uzbekistan thua Bahrain ở trận tranh vé play-off liên châu lục. Đáng tiếc nhất là vòng loại World Cup 2014, họ bằng điểm với đội có vé trực tiếp là Hàn Quốc, nhưng xếp dưới vì kém hiệu số. Ở trận tranh vé play-off, Uzbekistan thua Jordan ở loạt sút luân lưu.

Chính vì vậy Uzbekistan được xem là một trong những đội tuyển kém may mắn nhất châu Á, khi thường gục ngã ở những thời khắc quan trọng. Mọi chuyện chỉ bắt đầu chuyển biến trong vài năm gần đây, khi nhiều tài năng trẻ nước này đã dự U17 World Cup và U20 World Cup. 

Tuy nhiên, giấc mơ dự vòng chung kết World Cup ở cấp độ đội tuyển vẫn chưa thành hiện thực với đất nước Trung Á này.

Thắng Nguyễn (theo Fulbol Grad)