Thứ năm, 14/6/2018, 11:58 (GMT+7)

Lev Yashin - huyền thoại 'Nhện đen'  mang trái tim sư tử

Huyền thoại quá cố người Nga được in hình lên poster World Cup 2018. Nhưng người hâm mộ đã biết những gì về thủ môn vĩ đại này? 

Lev Yashin, thủ môn duy nhất trong lịch sử từng giành Quả Bóng Vàng, là biểu tượng của Liên Xô. 

Tựa lưng vào chiếc ghế bành, Valentina Timofeevna Yashina không giấu nghẹn ngào khi nói về chồng. Sau lưng bà là chiếc tủ thủy tinh cất giữ những di vật của Yashin. Phía trên là Quả Bóng Vàng mà Yashin nhận năm 1963, được làm từ... chocolate. Lớp giấy bao bên ngoài đã bong tróc, nhưng nó vẫn giữ nguyên màu vàng theo năm tháng.

Đã 88 tuổi, nhưng Valentina vẫn minh mẫn khi trò chuyện với phóng viên của BBC. Bà vẫn sống ở căn hộ do nhà nước cấp cho hai vợ chồng từ năm 1964. Trên các bức tường, có cảm giác Yashin vẫn đang dõi theo bà, trong những bức ảnh chụp cùng bè bạn, chụp cùng gia đình, hay chụp cùng những huyền thoại của bóng đá thế giới như Franz Beckenbauer, Pele và Eusebio. Dọc theo hành lang là la liệt những huy chương. Ngôi nhà của họ bây giờ như một viện bảo tàng thu nhỏ với cơ man những poster, những chiếc Cup, những quả bóng chi chít chữ ký. Đấy là không gian sống của Lev Yashin trong suốt 26 năm.

Và giữa phòng khách nhà ông, Yashin hiện lên thật sống động qua lời kể của người vợ, dù chuyện xảy ra từ nhiều thập niên trước, tại một quốc gia đã không còn hiện hữu. "Có cảm giác, bao quanh Lev Yashin là một làn sương khói mơ màng, như cổ tích", BBC mô tả.

Tái định nghĩa vị trí thủ môn

Trên sofa giữa phòng khách là một con sư tử nhồi bông (Lev trong tiếng Nga là sư tử). Gần đó là một lá cờ hiệu của CLB Ipswich Town mà Valentina không tài nào nhớ nổi vì sao nó lại có mặt ở đó. Có một tấm HC  vàng mà ông giành được ở Olympic 1956 tại Melbourne. Tấm huy chương này đã theo Yashin trên chuyến xe lửa đi dọc nước Nga, để chia vui  với công chúng.

Bộ sưu tập đồ sộ của Yashin trong nhà ông. Ảnh: BBC.

Nhưng bộ sưu tập đồ sộ ấy lại thiếu một thứ: huy chương World Cup. Thành tích tốt nhất mà Lev Yashin từng đạt được ở ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh là vị trí thứ tư ở World Cup 1966, tổ chức tại Anh. Dù đã tạo ra một cuộc cách mạng ở vị trí thủ môn, đồng thời giành danh hiệu cá nhân cao quý nhất thế giới bóng đá - Quả Bóng Vàng, thành tích nghèo nàn tại World Cup từng suýt làm hỏng di sản của Yashin.

World Cup 1962, Liên Xô bị loại ở tứ kết sau khi thua chủ nhà Chile 1-2. Trận ấy, Yashin, ở tuổi 32, phản xạ không tốt trong cả hai bàn thua. Phóng viên Liên Xô duy nhất theo dõi trận đấu, khi viết tường thuật, đã biến Yashin thành “vật tế thần”. Ngày đội tuyển Liên Xô rời Nam Mỹ trở lại quê hương, các CĐV có mặt ở sân bay chỉ chờ Yashin xuất hiện là hét lên: “Hãy treo găng đi” hay “Đi nhận lương hưu cho rồi”. Một số kẻ quá khích còn phá nát cửa sổ nhà ông, viết lời nhắn sỉ nhục lên xe hơi của ông, và gửi thư đe dọa vào tận nhà. Yashin gọi đấy là “những ngày tăm tối nhất sự nghiệp”.

Làm sao nuốt trôi được sự chua chát ấy khi mới trước đó hai năm, Yashin còn được xem như người hùng? Trong trận chung kết Euro 1960, ông khước từ gần như mọi cơ hội của Nam Tư. Ở phần sân bên kia, các đồng đội của Yashin ghi hai bàn, giúp Liên Xô thắng 2-1 trong hiệp phụ và lên ngôi vô địch.

Búa rìu dư luận từ thất bại ở Chile không làm Yashin nản lòng. Ông tiếp tục đứng vững và toả sáng trong khung gỗ ở các giải đấu lớn tiếp theo của đội tuyển Liên Xô. 

Khi đón chồng trở lại từ Chile, Valentina nhận ra ông là một con người hoàn toàn khác. “Ngày đó, ông ấy đã muốn giải nghệ cho rồi”, Valentina kể lại. “Mọi người xem ông ấy là tội đồ. Họ la hét và chế giễu. Đâu có ai trực tiếp xem được trận đấu ở Chile để biết chuyện gì thực sự đã xảy ra. Người viết tường thuật gửi về đâu có biết gì về thể thao. Ông ta là phóng viên phụ trách mảng chính trị Nam Mỹ. Bài tường thuật đã bỏ qua một chi tiết quan trọng: Lev bị chấn động rất mạnh ở đầu, nhưng vẫn gắng gượng chơi tiếp. Đọc bài báo, người ta cứ tưởng lúc bóng bay vào lưới thì chồng tôi đang… ngủ gục”.

Nhưng Yashin, người đàn ông bất khuất, đã không chọn cách từ bỏ. Và đấy không phải là lần đầu tiên ông thể hiện sự can trường trong nghịch cảnh.

Những ngày đầu sự nghiệp, khi đang thi đấu cho đội bóng của một công ty kim loại, Yashin bị đột quỵ ngay trên sân. Lúc đó, ông mới 18 tuổi, nhưng đã có thâm niên sáu năm làm việc quần quật không nghỉ, do nhu cầu sản xuất kim loại tăng cao trong Thế chiến thứ hai. Trong hồi ký, Yashin viết: “Cơn đột quỵ là kết quả của những năm tháng vất vả tích tụ lại. Vào lúc đó, tôi không còn cảm giác được bất kỳ điều gì, ngoại trừ sự trống trải”.

Thay vì đưa Yashin đi chữa bệnh, công ty trên chọn phương án dễ hơn: sa thải. Tệ hơn cả chuyện bị mất việc, Yashin còn đánh mất luôn niềm đam mê với bóng đá. Một người bạn cùng công ty mới khuyên ông: hay là đăng ký đi nghĩa vụ quân sự. Yashin nghe theo, và ông gọi quyết định tham gia quân đội là “sự cứu rỗi”. Ngày khoác lên người bộ áo lính, Yashin không hề biết ông chuẩn bị bước sang một khúc cua khác của cuộc đời.

Quyết định nhập ngũ và chơi cho Dynamo Moscow là bước ngoặt lớn trong đời Yashin. 

Kết hợp nghĩa vụ quân sự và bóng đá, Yashin tìm thấy lại niềm vui thi đấu. Tác phong quân đội giúp Yashin trở nên rắn rỏi và kỷ luật hơn. Ông tập luyện gấp đôi, gấp ba ngày trước. Một lần tình cờ, Arkady Chernyshev – HLV đội trẻ của Dynamo Moskva – phát hiện ra Yashin và xin ông về biên chế. Đó là năm 1950. Trận đầu tiên của Lev Yashin cho Dynamo là một thảm họa. Ông để lọt lưới sau một pha phá bóng lên của… thủ môn đối phương. Trong năm ấy, Yashin chỉ được chơi hai trận chính thức và ngồi ngoài suốt ba năm sau đó. Nhưng ông không bỏ cuộc. Trong lúc kiên trì tập luyện chờ thời cơ, Yashin tìm thấy niềm vui ở môn… khúc côn cầu trên băng (ice-hockey).

Ở bộ môn này, ông giúp Dynamo giành Cup Liên Xô vào tháng 3/1953. Đội ice-hockey của Dynamo thời đó chỉ thuộc nhóm khá, nhưng nhờ Yashin mà kết thúc giải vô địch quốc gia ở vị trí thứ ba. Chơi cùng lúc hai môn thể thao, đến tháng 10 cùng năm ông có chức vô địch bóng đá đầu tiên. Thế là từ đó nảy sinh ra chuyện tranh chấp giữa đội ice-hockey và đội bóng đá Dynamo. Năm 1954, Yashin quyết định đi theo tiếng gọi của trái tim: chọn bóng đá. Và từ ấy, ông xem khung thành như người tình chung thủy, đi cùng nhau hơn hai mươi năm cuộc đời. Ông dự bốn kỳ World Cup, giúp đội tuyển Liên Xô  giành hai danh hiệu lớn đầu tiên, giữ trắng lưới hơn 200 trận và cản phá 150 quả 11 mét (một kỷ lục).

Không chỉ là một thủ môn xuất chúng, Yashin còn trở thành một biểu tượng mang tầm vóc quốc tế. Ông nổi tiếng không chỉ vì tài năng, mà còn bởi sự cao thượng và đức khiêm tốn. Tầm vóc vượt trội của Yashin (ông cao 1,89 mét) khiến ông trở thành một người khổng lồ trong khung gỗ. Thường ra sân với trang phục đen tuyền, Yashin được đặt biệt danh là “nhện đen” hoặc “báo đen” vì tốc độ phản xạ ít ai bì kịp. Khi “báo đen” lao ra vồ bóng, đối phương bất giác cảm thấy mình như "con mồi". 

Sir Tom Finney của đội tuyển Anh kể lại kỷ niệm đối đầu với Yashin ở World Cup 1958: "Hôm ấy tôi phải sút quả phạt đền. Vì quá sợ ông ấy bắt bài, tôi đành phải sút bằng chân không thuận. Tôi hồi hộp muốn chết. Lúc quay lưng lại khung thành để lấy đà, tôi thấy các đồng đội đã quay mặt đi chỗ khác. Họ sợ đến mức chẳng dám nhìn".

Danh tiếng Yashin cứ thế tăng dần, cho đến khi Liên Xô  thua Chile 1-2 ở World Cup 1962 như kể trên. Nhưng Yashin đã quyết khôi phục thanh danh. Ngày 23/10/1963, ông đến London dự trận đấu kỷ niệm 100 năm thành lập Liên đoàn bóng đá Anh (FA). Ông trấn giữ khung thành cho đội “Các ngôi sao thế giới” để đấu với chủ nhà Anh. Valentina, lúc này đang là một phóng viên truyền thanh, thì hồi hộp theo dõi trận đấu từ một màn hình lớn tại đài phát thanh trung ương ở Moskva.

HLV của đội “Các ngôi sao thế giới” là Fernando Riera, HLV của đội Chile đã loại Liên Xô một năm trước đó. Việc đầu tiên của Riera sau khi được chọn làm người cầm quân của trận đấu này là… gọi điện mời Yashin tham gia. Yashin chỉ chơi hiệp đầu, thực hiện nhiều pha cứu thua không tưởng, tỷ số sau 45 phút là 0-0. Milutin Soskic của Nam Tư vào thay Yashin đầu hiệp hai, và trận đấu kết thúc với tỷ số 2-1 cho đội tuyển Anh, với bàn ấn định tỷ số phút thứ 90 của Jimmy Greaves.

Valentina rời đài phát thanh lên đường đi đón con. Trên taxi về nhà, tài xế nhận ra bà và nói: “Cô có nghe kết quả ở London không? Quá đỉnh!”. Valentina nói: “Ý anh là sao? Đội Anh thắng 2-1 cơ mà”. Tài xế đáp lại: “Thì kệ chứ. Lúc Yashin còn trên sân, đâu có ai ghi bàn nổi”.

Hôm ấy, Moskva lại nói về Lev Yashin như một người anh hùng.

Yashin (áo sáng, thứ tư từ trái sang, hàng đứng) trong thành phần đội tuyển phần còn lại của thế giới thi đấu ở London năm 1963. 

Tháng 12/1963, Yashin giành Quả Bóng Vàng, danh hiệu thường niên cho cầu thủ hay nhất thế giới. Mùa bóng ấy, ông vô địch Liên Xô lần thứ năm cùng Dynamo. Và đấy cũng là mùa hay nhất. 27 trận đấu ông đứng trong khung thành, các đối thủ chỉ sút vào tổng cộng bảy quả!

Yashin ăn mừng chiến công ấy như thế nào? Valentina nhớ lại: "Rất bình thường. Chúng tôi cùng nhau ăn một bữa tối ở nhà, thế thôi". Điều quan trọng nhất là danh dự của chồng bà đã được khôi phục.

France Football, tạp chí tổ chức giải Quả Bóng Vàng, viết về Yashin như sau: “Ông ấy đã tạo ra một cuộc cách mạng ở vị trí thủ môn. Không chỉ là người cản phá, Yashin còn giúp cho đội nhà như có thêm một trung vệ. Cũng chính ông khởi nguồn cho nhiều pha phản công nguy hiểm với những pha ném bóng”.

Yashin là thủ môn duy nhất từng đoạt Quả Bóng Vàng.

Ngày nay, công chúng đã quá quen với việc thủ môn lao ra khỏi khung gỗ, chuyền bóng bằng chân hay ném bóng thật nhanh lên giữa sân để phản công. World Cup 2014, Manuel Neuer thậm chí còn khai sinh ra khái niệm “thủ môn quét” (sweeper-keeper). Nhưng trước Yashin, gần như chưa một thủ môn nào dám nghĩ đến việc ấy. Họ rất thụ động trong cản phá, thường đợi đối thủ dứt điểm, rồi mới phản xạ.

Yashin thì luôn cố gắng nắm thế chủ động. Ông lao ra thật nhanh để làm hẹp góc sút, thậm chí rời khỏi khung thành để dùng chân. Thấy không thể bắt dính bóng, ông dùng sải tay dài để đấm quả bóng đi thật xa khu vực tranh chấp. Khi đã nhặt trái bóng lên, ông lập tức nhìn lên và ném bóng phản công. Nhà thơ Yevgeny Yevtushenko viết về Yashin như sau: “Một cuộc cách mạng nổ ra. Thủ môn cũng biết rời xa khung thành” (Now here’s a revolution in football / The goalkeeper comes rushing off his line).

Sau Yashin, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, vẫn chưa có thủ môn thứ hai chạm tay vào Quả Bóng Vàng. Tên ông được khắc ghi mãi vào lịch sử. Những ngày cận kề World Cup 2018, Yashin hiện diện ở mọi nơi, từ gương mặt, chiếc mũ và bộ đồ đen tuyền, trên poster và các vật phẩm lưu niệm của ngày hội bóng đá ở Nga. Gia đình cố cất giữ mọi di vật của Yashin, trừ chiếc mũ. Một CĐV quá khích đã tràn xuống sân sau trận chung kết Euro 1960 và… giật lấy chiếc mũ của ông rồi chạy mất. Từ ấy, ông bỏ luôn thói quen đội mũ. 

Đường biên giới

Cũng cần phải nhấn mạnh: Yashin không chỉ là một thủ môn, ông là một thủ môn Liên Xô. Ở Liên Xô, vạch vôi khung thành được ví như đường biên giới. Và trong suốt thời trai trẻ của Yashin, biên giới ấy luôn trong tình trạng bị đe dọa.

Yashin bị ám ảnh bởi mọi bàn thua. Trong ảnh là tình huống ông để lọt lưới sau cú sút của Garrincha trong trận Liên Xô - Brazil ở World Cup 1958. 

Hãy nghe Valentina giải thích rõ hơn: “Mọi sai lầm của thủ môn đều diễn ra trước mắt mọi người. Họ nhớ nó, bàn tán không ngừng về nó. Thủ môn phải hứng chịu rất nhiều áp lực, vì họ yểm trợ đồng đội, nhưng sau lưng họ thì chẳng còn ai. Họ là những người đứng ở biên giới. Khi biên giới ấy bị phá vỡ, bàn thua sẽ đến”.

Làm vợ của Yashin huyền thoại không hề là một trải nghiệm dễ chịu. Vì biết bao đêm, Valentina chứng kiến đức lang quân không tài nào yên giấc. Ông trằn trọc cả đêm, tự vấn vì sao lại để thua một bàn lúc chiều. Ngay cả khi đội thắng, tình hình cũng không có gì thay đổi. “Để thua một quả vẫn là quá nhiều, em à”, ông thường nói với vợ.

Đấy là lý do thủ môn là vị trí khổ sở nhất trên sân. Quyền lợi thì ít, nhưng trọng trách thì nhiều. Ở nước Nga, vị trí ấy còn có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Và Valentina không phải là người duy nhất so sánh vạch vôi khung thành với đường biên giới. Nghệ sĩ điêu khắc lừng danh Aleksandr Rukavishnikov cũng chia sẻ quan điểm. Ông đã tạc hai bức tượng đồng rất nổi tiếng cho Yashin. Dù không phải là một người yêu bóng đá, Rukavishnikov lại rất ngưỡng mộ thủ môn huyền thoại. Vì sao ư? “Vì ông ấy là anh hùng dân tộc”, Rukavishnikov nói. “Người ta mến mộ ông ấy không chỉ vì bóng đá mà còn vì nhân cách. Vì ông ấy là một người đàn ông cao thượng”.

Yashin đã lớn lên trong bom rơi, và chứng kiến những đường biên giới bị  xóa sổ. Chào đời năm 1929, ông và gia đình phải sơ tán khỏi Moskva vào mùa thu 1941, khi quân Phát-xít chỉ còn cách thủ đô 70 kilomet. St Petersburg, thành phố lớn thứ hai của Nga, khi ấy còn tên là Leningrad, thì bị bao vây. Lương thực sẽ hết trong sớm tối.

Tuổi thơ dữ dội, nghèo đói trong chiến tranh đã hun đúc nên một Yashin bất khuất trên sân cỏ. 

Cuộc vây hãm đáng sợ nhất trong lịch sử nước Nga kéo dài tận 872 ngày, khiến 750.000 người dân thiệt mạng. Người ta phải lấy những vật dụng làm từ da, nấu lên mà ăn. Đến cả những con chuột cũng chết đói, lăn lóc ngoài đường. Người Nga đận đó ăn nốt luôn lũ chuột.

Trong hồi ký, Yashin cho biết “tuổi thơ dữ dội” của ông chỉ kết thúc ở tuổi 11, khi gia đình ông tìm được đường đến Ulyanovsk, cách Moskva  800 kilomet về phía Đông, lúc ấy đã an toàn để tái định cư. Bố ông tìm được việc làm cho một công ty ở đó. Khi lên 13 tuổi, Yashin cũng được công ty nhận vào làm. Việc chính của hai cha con là sản xuất đạn. Yashin viết: “Đám trẻ con chúng tôi ngày ấy xếp hàng chờ bánh mì, mơ tin chiến thắng từ mặt trận, và ước được thêm vài viên đường”.

Bọn trẻ phải phụ người lớn kéo máy móc xuyên qua mưa tuyết, tái xây dựng nhà máy. Thức ăn được mang đến trên xe trượt tuyết, từ một ngôi làng cách đó 12 km. Cuối cùng, quân Phát-xít cũng thất trận. Năm 1944, tin đại thắng từ tiền tuyến gửi về. Chỉ chờ có thế, gia đình Lev Yashin khăn gói trở lại quê hương Moskva. Chiến tranh kết thúc không lâu sau đó.

Yashin viết: “Chiến tranh dạy cho tôi những bài học mà không giảng đường nào dạy được. Chúng tôi phải học cách làm việc, không phải vì sợ hãi hay vì những lời hứa hẹn, mà làm vì lương tâm mình, làm vì chính mình. Khi chơi bóng, chúng tôi không chỉ nghĩ về những danh hiệu mà còn hạnh phúc vì được làm điều mình thích”.

Ở các quốc gia khác, cầu thủ được yêu mến nhất thường đá ở những vị trí cao hơn trên sân. Một trung phong sát thủ, một “số 10” kỹ thuật hoặc một trung vệ rắn rỏi. Chỉ có ở Liên Xô cũ, người hâm mộ mới tôn sùng một thủ môn, bởi anh là người tựa lưng vào đường biên giới. Quốc gia lớn nhất hành tinh mà Yashin tự hào đại diện cũng là một nơi chốn phức tạp: rất đẹp, đầy tự hào nhưng mang nhiều thương tổn. Nhưng chính những trải nghiệm hãi hùng của cuộc chiến tranh vệ quốc lại càng làm cho vai trò thủ môn ở đây càng trở nên đặc biệt. Vì khi nhìn về phía khung thành đội  nhà, người Liên Xô như bất giác nhìn thấy hình ảnh của chính họ: kiên trung và bất khuất.

Lev Yashin
 
 
Tài nghệ của "Nhện đen" Lev Yashin.

Nếu có dịp đi đến phòng trưng bày mỹ thuật Tretyakov ở Moscow, bạn sẽ thấy bức tranh của họa sĩ Aleksandr Deineka, vẽ vào năm 1934. Trong bức tranh ấy, một thủ môn đang nhoài người để cố chạm tay vào bóng. Một bức tranh khác của Sergei Grigoriev vẽ năm 1949. Trong tranh, một cậu thiếu niên với chiếc đầu gối băng bó, hai bên là những chồng quần áo xếp lại làm… khung thành, mắt nhìn thẳng về phía trước. Tên của bức vẽ là “Thủ môn”.

Năm 1936, nền điện ảnh Xô Viết vĩ đại trình làng bộ phim “Thủ môn”, kể về một người hùng sân cỏ. Nhân vật chính không chỉ cản phá thành công một quả phạt đền, mà còn đích thân ghi bàn vào lưới đối thủ, một đội bóng quốc tế mặc bộ đồng phục toàn đen, biểu trưng cho kẻ thù Phát-xít. Phim được làm theo thể loại nhạc kịch, trong đó bài hát kết phim có đoạn: “Này chàng thủ môn, hãy chuẩn bị cho cuộc chiến. Anh là người gác cổng. Và sau lưng anh là tiền tuyến”.

Yashin đã vượt qua tuổi thơ khiêm tốn, cơ cực để trở thành người khổng lồ của thế kỷ 20. Và ông đã tỏa sáng rực rỡ nhất vào thời điểm mà Liên Xô cũ  đạt được những thành tựu vĩ đại. Nhưng trái với bản hùng ca của tuổi trẻ, cuộc đời của Yashin sau khi giải nghệ là một bi kịch. Ông bệnh nặng, buộc phải cưa chân, và chứng kiến Liên bang Xô viết bên bờ vực tan rã.

Kết thúc bi kịch

Những năm cuối đời, Yashin phải di chuyển bằng nạng, rồi bị cắt cụt một chân. Trong ảnh là khoảnh khắc ông chia sẻ kinh nghiệm cho hậu bối Dmitri Kharin. 

Năm 41 tuổi, Yashin giải nghệ. Valentina nói với ông: “Chơi đến 41 tuổi đã là quá dai rồi”. Bà nhớ lại: “Có một tình huống ông ấy tung người đấm bóng, và sau đó không ngồi dậy nổi. Trước đó, ông ấy từng bị chấn động ba lần, và mỗi lần đều phải vào viện ba ngày. Nên lúc ấy, tôi đã rất lo”.

Kết quả là Yashin cũng đứng dậy được. Ông trở lại khung gỗ, ném quả bóng lên trên và tiếp tục thi đấu. Trở về nhà, Valentina hỏi Yashin vì sao nằm thật lâu mới đứng dậy. Và ông đã đáp: “Mùi cỏ thơm quá em à, làm anh chẳng còn muốn đứng lên nữa”.

Trong thời gian phóng viên của BBC lưu lại nhà của Valentina, chuông điện thoại bàn vang lên ba lần. Một đoàn làm phim tài liệu muốn hỏi ý bà xem cái tựa: “Yashin: Một huyền thoại” hay “Yashin: Một anh hùng” thì hay hơn. Mấy chục năm sau khi Yashin tạ thế, Valentina vẫn liên tục phải tiếp các nhà báo và những nhà làm phim. Họ khai thác mọi điều có thể về chồng bà, tình yêu của hai người và cuộc sống của Yashin sau khi giải nghệ.

Valentina bảo ban đầu cũng ngại ngần kết hôn, vì nhiều mối hỏi cưới quá. Cuối cùng, sau khi gặp Yashin trong một cửa hiệu ở Moskva, thì bà … ưng ngay. Họ sống với nhau chung thủy hơn nửa đời người, dù những năm cuối đời của Yashin rất bi kịch. Không chỉ phải cưa chân, thủ môn huyền thoại còn bị trụy tim hai lần và hai phen đột quỵ.

Sau khi giã từ sân cỏ, thú vui lớn nhất của Yashin là câu cá. Ông vẫn còn bạn bè là các anh em thuở làm công nhân nhà máy. Những người này chế cho ông một chiếc xe trượt, để có thể đi câu chung vào mùa đông. Nhưng bệnh tật liên tục hành hạ ông. Thực ra ngay khi còn thi đấu, Yashin đã thường xuyên bị đau bao tử, do chế độ ăn uống tồi tệ thời chiến. Không những thế, ông còn nghiện thuốc lá rất nặng.

“Tôi cố chăm sóc ông ấy hết mức có thể, nhưng con người ta đâu có ai vui sướng nổi khi đau đớn, bệnh tật”, Valentina kể. “Sức khỏe mới là tài sản quý giá nhất. Bóng đá chỉ là thể thao, mà thể thao là công việc, một công việc nặng nhọc. Ông ấy thỉnh thoảng tỏ ra rất ủ dột, vì việc đi đứng thôi cũng đã khó khăn. Rồi bao tử hành hạ, đau tim, đột quỵ. Tất cả đều tấn công ông ấy, nhưng ông ấy không bao giờ thay đổi”.

Yashin chụp ảnh lưu niệm ở Quảng Trường Đỏ, Moskva không lâu trước khi qua đời.  

Để mừng sinh nhật thứ 60 của Yashin vào ngày 22/10/1989, Dynamo Moskva tổ chức một trận bóng đặc biệt. Một bên là tập thể của những người từng đá cho các CLB của Dynamo thời Liên Xô cũ: Moskva, Minsk, Kiev, Tbilisi. Một bên là đội của các ngôi sao thế giới. Người ta không biết đấy là lúc Yashin gửi lời chào từ biệt, bởi ông qua đời chưa đầy nửa năm sau đó.

Trận đấu hôm ấy diễn ra tại sân bóng cũ của Dynamo. Eusebio hiện diện. Sir Bobby Charlton và Franz Beckenbauer cũng đến. Yashin và vợ ngồi trên khán đài. Kết thúc trận đấu, một chiếc xe mui trần đưa ông đi vòng quanh sân chào khán giả. Bỗng lúc ấy, trời đổ mưa to. Sau vài vòng, xe dừng lại, phóng viên tràn vào chụp ảnh, cầu thủ và CĐV đến mừng thọ người thủ môn huyền thoại. Cái ôm xiết vẫn nồng ấm, nhưng gương mặt Yashin không giấu được nỗi buồn hoài cổ.

Hôm ấy đã là ba năm sau thảm họa Chernobyl, một tháng trước khi bức tường Berlin sụp đổ. Liên Xô chỉ còn sống những tháng ngày thoi thóp. Khi Yashin giải nghệ vào năm 1971, Liên Xô đã rơi vào khủng hoảng kinh tế dưới thời Leonid Brezhnev.

Anatoliy Korshunov, đồng đội cũ tại Dynamo Moskva, nhớ lại: “Khi ấy Yashin có vẻ như đã nhìn thấy kết thúc của ông”. Nhỏ hơn 11 tuổi, Korshunov xem Yashin như một người anh, và một người thầy. Korshunov, nay là một ông già 77 tuổi, nói: “Bất chấp sự vĩ đại, uy tín và vai trò biểu tượng, Yashin lại chết trong nghèo khó. Tôi cảm thấy rất buồn khi nghĩ về kết cục của ông ấy. Sẽ không có một Yashin thứ hai trên đời, vì nhân loại ngày nay chỉ biết có tiền. Chúng tôi thuộc về một thời đại khác”.

Vài ngày trước khi qua đời vào tháng 3/1990, Yashin nhận một vinh dự cuối cùng: Huy chương Sao vàng cho Anh hùng Lao động Xã hội chủ nghĩa. Nhưng tài sản lớn nhất của ông là hai đứa con gái. Họ đều đã có chồng, và cho ông bà ba đứa cháu: một gái, hai trai.

Cuối đời nghèo khó, nhưng Yashin vẫn sống hạnh phúc bên người vợ chung thuỷ Valentina và hai con gái. 

Một trong hai đứa cháu trai của Yashin, Alexander Yakovlev, mất năm 2002 vì tai nạn xe đạp, khi mới 14 tuổi. Valentina bảo Alexander rất mê đá bóng và muốn làm thủ môn như ông ngoại. Đứa cháu trai còn lại, lớn hơn Alexander hai tuổi, cũng theo nghiệp đá bóng. Dù không mang họ Yashin, nhưng đứa cháu ấy muốn được kế thừa di sản của ông ngoại vĩ đại.

Đi tìm Yashin tiếp theo

Đứa cháu ấy là Vasily Frolov. Ông từng là thủ môn trong biên chế của Dynamo Moskva, CLB duy nhất mà Yashin đã khoác áo. Bây giờ, Vasily Frolov mở một trung tâm huấn luyện thủ môn. Đám học trò của Vasily Frolov hay đến sân tập với bộ đồ toàn đen, kể cả găng tay. Ai cũng hâm mô Yashin và cố xem hết những đoạn tư liệu quý giá về ông trên Youtube.

Vasily Frolov không có sự nghiệp thành công, vì chính áp lực mà bản thân tự tạo ra. Ông nói: “Tôi càng cố chứng tỏ mình là cháu của Lev Yashin, càng gồng lên, thì tình hình càng tệ hơn. Cứ sau mỗi sai lầm, sự tự tin của tôi lại giảm đi, cho đến lúc tôi gần như phát điên và quyết định dừng lại”.

Vasily còn giữ một kỷ niệm về ông ngoại. Ngày ấy mới bốn tuổi, cậu đi vào căn phòng ngủ ngập nắng, và ông bảo cậu trèo lên giường chơi với mình. Vasily bước đến, thấy ông ngoại chỉ còn lại một chân, nhưng không nhớ mình có thắc mắc gì không. Vasily chỉ nhớ cái cảm giác ấm áp khi ông trùm chăn qua người.

Ngày ấy “Lev tí hon”, tên thân mật của Vasily, nào đã biết gì về bóng đá, nào đã biết Lev Yashin là nhân vật lẫy lừng cỡ nào. Nhưng hè này, ông sẽ dõi theo World Cup trên đất Nga, như hàng triệu người hâm mộ bóng đá trên toàn hành tinh. “Lev tí hon” sẽ tự hào khi nhìn thấy hình ảnh ông ngoại hiện diện ở mọi nơi.

Một đế chế đã sụp đổ, và cũng đã ba thập kỷ trôi qua sau khi Lev Yashin tạ thế. Nhưng ký ức về ông vẫn sống mãi trong lòng muôn người dân Nga. Và từ hôm nay cho tới vài tuần nữa, những ký ức ấy lại sống động hơn bao giờ hết. Người đàn ông ấy cuối đời chỉ còn lại một chân, nhưng đã sống một cuộc đời không hoài phí. Những ngày tháng còn đứng trước đường biên giới khung thành, ông là vách sắt thành đồng, là con nhện đen với trái tim sư tử!

Thăng trầm của Yashin trong thời đại Xô Viết

Đồ họa: Việt Chung.

Bộ đồ Yashin mặc thực ra màu… xanh

Vào thời điểm truyền hình còn chưa có màu, ai cũng nghĩ Lev Yashin hay ra sân với nguyên “cây đen”. Trên thực tế, quần áo của Lev Yashin mặc màu xanh thẫm và làm từ len. Suốt hai chục năm đứng trong khung thành, Yashin chỉ mặc có… ba cái áo. Mỗi lần áo bị sờn rách, ông đều nhờ CLB đặt may chiếc áo y hệt. Yashin mặc áo len ra sân trong mọi điều kiện thời tiết, ông nói nó giúp mình té xuống… êm hơn, từ đó ít chấn thương hơn. Đáng tiếc là sau khi giải nghệ, Lev Yashin không giữ được bộ quần áo nào để kỷ niệm, vì nó là… của công, phải trả lại cho CLB. Bộ trang phục duy nhất gia đình còn giữ là khi Yashin đến London bắt trận kỷ niệm 100 năm FA. Nhưng bộ ấy… màu vàng.

Hoài Thương

Tư liệu tham khảo

1. Bài viết Yashin của Patrick Jennings cho BBC.

2. Hồi ký “Yashin - một huyền thoại”.

3. Bài trả lời phỏng vấn của bà quả phụ Valentina Timofeevna Yashina cho nhà báo Igor Rabiner

4. Một số tư liệu khác trên Internet