Đó là lý do khiến Zhao, góa vợ từ năm 1971, tìm đến công viên ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc.
"Tôi đã tìm kiếm tình yêu cho mình suốt một năm qua", ông Zhao nói. Ông là một trong hàng chục người già độc thân tìm đến các công viên trên khắp Trung Quốc với hy vọng tìm thấy một người nương tựa lúc tuổi già. Nhưng ông thừa nhận, ở tuổi này, việc đó không dễ dàng.
"Tất cả đều dừng lại sau lần nói chuyện đầu tiên. Không có lần thứ hai. Họ sẽ làm bạn thất vọng và nhận thấy không có chút hy vọng nào. Vấn đề ở đây là gì?", Zhao than vãn.

Zhao Lin ngồi trong một công viên ở Bắc Kinh. Ảnh: NY Times.
Sau 30 năm phát triển kinh tế - xã hội, quan niệm về tình yêu của người cao tuổi Trung Quốc có nhiều thay đổi. Ngày càng có nhiều người già cô đơn cố gắng tìm tình yêu cho mình ở tuổi xế chiều.
Truyền thông Trung Quốc gọi hiện tượng này "tình yêu tuổi xế chiều". Người cao tuổi giờ thường xuyên xuất hiện trên các chương trình hẹn hò "Peach Blossoms Bloom" (Chuyện đào hoa), "Exciting Old Friends" (Những người bạn già thú vị), và "Holding Hands" (Những bàn tay đan). Phòng nói chuyện trực tuyến dành cho người cao tuổi cũng xuất hiện nhiều hơn. Tuy nhiên, không có nơi nào ở Trung Quốc thu hút người cao tuổi nhiều như công viên.
Công viên Changpuhe và công viên Thiên Đàn là hai địa điểm yêu thích của người già ở Bắc Kinh. Trong khi đó, công viên Hongyadong (Hồng Nhai Động) được xem là "chốn hẹn hò" yêu thích ở thành phố Trùng Khánh. Tại thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, người già thường tập trung ở công viên Cách mạng vào mỗi thứ Tư và thứ Bảy hàng tuần.
"Nhiều đồng nghiệp người Mỹ của tôi khi tới Trung Quốc thường ngạc nhiên khi thấy có nhiều người ở công viên. Tới công viên là cách hiệu quả để tìm kiếm và gặp gỡ mọi người. Nó cũng giúp tăng cơ hội có được các cuộc hẹn hò thành công", Bei Wu, giám đốc trung tâm nghiên cứu về lão hóa và sức khỏe toàn cầu thuộc Đại học New York, Mỹ, cho biết. Ông có 30 năm nghiên cứu về người cao tuổi Trung Quốc.
Già hóa dân số là nguyên nhân đằng sau hiện tượng này. Trung Quốc hiện có 48 triệu người góa vợ hoặc góa chồng và dự kiến có 118,4 triệu người vào năm 2050, theo nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc. Theo kết quả khảo sát của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đăng trên trang People’s Daily, cứ 4 trong 5 người góa vợ hoặc góa chồng muốn tái hôn. Trung Quốc cũng chứng kiến số vụ ly hôn của người cao tuổi tăng cao. Tại Bắc Kinh, gần 1/3 số vụ ly hôn là các cặp vợ chồng ở độ tuổi 60-70, theo trang Beijing Evening News.
Số người cao tuổi độc thân ngày một gia tăng kéo theo nhiều vấn đề về sức khỏe cộng đồng. Tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm người già gia tăng do nhiều người không có biện pháp quan hệ tình dục an toàn, theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc. Số nam giới trên 60 tuổi nhiễm HIV ở quốc gia này tăng gần ba lần so với năm 2012. Hồi tháng 10, chính phủ thông báo nhiều chính sách riêng dành cho người cao tuổi nhằm nâng cao nhận thức về phòng ngừa lây nhiễm AIDS.

Người cao tuổi Trung Quốc hẹn hò trong công viên ở Bắc Kinh. Ảnh: NY Times.
Nhiều người cao tuổi Trung Quốc thiếu kiến thức về tình dục, bởi khi họ còn trẻ, nói về vấn đề này là điều cấm kị. Mọi người thường gặp vợ hay chồng tương lai của họ thông qua người mai mối hoặc bạn bè. Hẹn hò là chuyện hiếm thấy ở Trung Quốc thời đó.
Làm quen với người khác phái là chuyện khá ngượng ngùng đối với nhiều người cao tuổi. Một chiều thứ Ba mới đây tại công viên Changpuhe, nằm bên cạnh Tử Cấm Thành, nhóm người đàn ông cao tuổi ngồi lại với nhau để quan sát những người phụ nữ và mấy người đàn ông lảng vảng quanh họ. Một vài người đi đi lại lại để chờ đợi cơ hội chạm mắt với một người phụ nữ.
Người đàn ông cao tuổi ngồi sát bên người phụ nữ mặc áo khoác tím trong vài phút trước khi ngại ngùng hỏi "Bà bao nhiêu tuổi rồi?". "72 tuổi", người phụ nữ nhẹ nhàng trả lời. Vài phút sau, họ bắt đầu nói chuyện với nhau.
Nhiều người phàn nàn về tiêu chí tìm bạn đời chỉ có ở Trung Quốc. Ở một quốc gia mà ung thư có thể khiến một người phá sản, lương hưu và bảo hiểm y tế có thể giúp tăng thêm sự hấp dẫn cho một người cao tuổi khi tìm bạn đời. Nhiều người mong muốn tìm được người góa chồng hoặc góa vợ hơn là người ly hôn, bởi họ có ít gánh nặng về tình cảm.
"Tìm một người bạn tâm giao. Nam giới. Sinh năm 1949. Đã ly hôn. Không có gánh nặng về trách nhiệm", nội dung trong tờ giấy nhàu nát dán trên tảng đá dưới gốc cây, một trong nhiều quảng cáo có thể tìm thấy ở công viên này.
Li, chủ nhân tờ giấy quảng cáo trên, đang tìm một người vợ cao khoảng 1m50, nặng khoảng 58-68 kg, tuổi từ 50 tới 60 và có làn da không nhăn nheo. Đặc biệt, người phụ nữ Li muốn tìm phải "không có nốt ruồi đen". Đổi lại, ông Li hứa để lại căn hộ rộng hơn 100 mét vuông cho bất kỳ người phụ nữ nào ở bên ông tới cuối đời.
Trong một mẩu quảng cáo khác, người đàn ông cam kết dành cho người bạn đời tương lai các chuyến du lịch trong phần đời còn lại, và sẵn sàng mua nhà ở bờ biển phía đông Trung Quốc, Mỹ hoặc Nhật Bản.
Guan Yongnian, 82 tuổi, đã ly hôn, xem mình là một "món hời" khi là một người đàn ông khỏe mạnh và thành công. Ông là nhà thư pháp, nhà văn và giáo viên thái cực quyền (môn võ dưỡng sinh phổ biến ở Trung Quốc). Guan cho biết bạn bè từng giới mai mối nhiều người phụ nữ cho ông trong 30 năm qua. Ông kết hôn khi ở độ tuổi 20, có hai con gái ngoài 50 tuổi và con trai cả gần 60 tuổi.

Nhiều đôi người cao tuổi nói chuyện trong công viên ở Bắc Kinh. Ảnh: NY Times.
Guan có một danh sách tiêu chí đối với vợ tương lai: tuổi khoảng 40, sáng sủa, thông minh, có khả năng và biết điều. Ngoài ra, có thể mang đến cảm giác nhẹ nhàng và hạnh phúc là một điểm cộng. Tuy nhiên, rất ít người có thể đáp ứng yêu cầu của ông. "Hiện nay, nhiều phụ nữ trông lôi thôi, không biết cách ăn mặc, thiếu tinh tế và lịch sự", Guan cho biết.
Ông Guan đã quan sát suốt một tiếng đồng hồ và chưa có ý định tiến tới làm quen với ai. "Tôi có một vấn đề: Nếu bạn gọi tôi, tôi sẽ không gọi lại. Tôi là người khá vô lý. Tôi thích người ấy phải theo đuổi tôi", Guan nói.
Một phụ nữ mặc chiếc áo khoác dài màu vàng, môi tô son hồng, tò mò nhìn về phía Guan khi ông trả lời phỏng vấn. "Bà bao nhiêu tuổi? 50 hay 60?", Guan hỏi. "60 tuổi", người phụ nữ trả lời. "Thấy chưa? Tôi đoán đúng mà", ông nói.
Người phụ nữ tên là Han Shuping, mới 52 tuổi và đã ly hôn. Bà thường xuyên lui tới công viên Changpuhe trong hai năm qua. Một người đàn ông hất tóc Han trước khi bà kịp đẩy người đó ra.
"Nhiều người ở đây tính cách rất tệ. Nhiều người đàn ông lớn tuổi cố gắng mời bạn đi ăn, mời bạn ở lại nhà họ và cố gắng đưa bạn lên giường", bà Han chia sẻ.
Người phụ nữ đến từ tỉnh Hà Nam cho biết luôn nói thật về xuất thân nông thôn và chuyện không có lương hưu với người theo đuổi bà. Han hy vọng có thể tìm thấy một người bà có thể nói chuyện cùng và nảy sinh tình cảm sau đó.
"Ở tuổi này, tình yêu từ cái nhìn đầu tiên là chuyện không thể", bà nói và cảm thấy khá bi quan về cơ hội tìm thấy tình yêu của mình. "Rất khó để tìm thấy tình yêu ở đây. Những người chân tình thường rất hiếm gặp".
Ông Zhao cũng cảm thấy như vậy. Ông thấy nhiều phụ nữ hiện nay quá thực dụng. "Họ thích nhà, tiền và xe. Họ yêu cầu bạn phải sang tên tài sản. Đó là điều đầu tiên họ nói đến. Thật đáng sợ phải không?", ông Zhao nói.
Tuy nhiên, ông vẫn khao khát tìm thấy tình yêu cho mình để không còn cô đơn trong những năm tháng còn lại của cuộc đời. Đối với ông, "ba kho báu" của cuộc đời là có người biết "khi bạn lạnh hay ấm, lúc bạn đau khổ và khi tuyệt vọng".
"Nếu chưa từng có ba điều quý giá này, bạn sao có thể hiểu hạnh phúc là gì? Đau khổ là gì? Đó là cảm giác tôi đang thấy lúc này, điều trước đây tôi chưa từng", Zhao chia sẻ.
Thanh Tâm (Theo NY Times)