Theo ông Tô Văn Liêm, Giám đốc công ty TNHH quản lý và kinh doanh chợ Đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, hôm nay, chợ đã tiếp nhận tổng cộng 29 hộ thương lái từ 3 chợ chuyển về là chợ thị trấn Hóc Môn, Phạm Văn Hai và chợ Bàu Nai. "Vẫn còn một số hộ tiểu thương chưa vào chợ, nhưng hạn cuối là hết tuần này", ông Liêm cho biết. Lượng thịt bán trong ngày hôm nay ở Hóc Môn khoảng 150 tấn, bằng 80% số bán được ở chợ Phạm Văn Hai trước khi di dời. |
Trưởng ban quản lý chợ Phạm Văn Hai Nguyễn Xuân Trang cho biết, từ hôm 15/5, toàn bộ 13 hộ buôn hàng thịt lợn của chợ đã được di dời về chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn.
Tiểu thương chợ gạo Trần Chánh Chiếu và An Lạc đã chuyển về chợ đầu mối Bình Điền hôm 15/5, nhưng hầu như chưa thể hoạt động gì. Theo Ban Quản lý chợ Bình Điền, tổng cộng sẽ có 417 sạp gồm gạo đường đậu và súc sản phục vụ việc buôn bán tại đây. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 333 tiểu thương đăng ký danh sách.
Lồng chợ thịt lợn, được chuyển qua từ chợ An Lạc (quận Bình Tân), đã mở cửa hoạt động từ 11h tối hôm qua, nhưng mới 67 sạp buôn bán trong khi danh sách bố trí đến 113 quầy. Ngày đầu lượng thịt về đây đạt 87 tấn, trong khi bình thường ở chợ An Lạc, bình quân 100-110 tấn một ngày. Tuy nhiên khách vắng vẻ, hàng ế đọng nhiều.
Chị Nga, một chủ quầy thịt cho biết, đã xác định giai đoạn đầu việc buôn bán tại chợ mới sẽ rất khó khăn do đường xa, chi phí vận chuyển nâng lên. Bạn hàng ngại khoảng cách đi lại bất tiện, tăng chi phí nên bỏ đi. Trong khi chợ đầu mối hoạt động vào ban đêm nhưng đoạn đường vào lại quá vắng vẻ. Chị cho biết, trong vài ngày đầu gia đình sẽ chỉ thịt 3 con lợn thay vì trước đây là 10 con một ngày. Sáng nay, đến 11 giờ nhưng nhiều sạp hàng thịt vẫn còn.
Sáng 15/5, nhà lồng gạo, đường đậu chợ Bình Điền vẫn chưa có gian hàng nào bày bán. Ảnh: T.A |
Khu vực nhà lồng gạo đậu đường Bình Điền, được di chuyển từ chợ Trần Chánh Chiếu, quận 5, đặc điểm là hoạt động vào ban ngày nhưng cho đến trưa vẫn không có một quầy nào được bày bán. Khu lồng chợ trống trải, vắng lặng ngoại trừ băng rôn căng phồng dòng chữ "Nhà lồng gạo đậu đường".
Một tiểu thương đang đi lòng vòng khu chợ cho biết, đang khảo sát tình hình chung xem các gian hàng khác có buôn bán gì được không. Tiểu thương này cho biết không bằng lòng với cách xây dựng sạp ở chợ Bình Điền. Yêu cầu của nghề là khi sang sớt gạo chỗ đặt bao cần có điểm tựa để gạo không bị đổ. Thế nhưng thiết kế ở đây không có vật gì nâng đỡ các bao đứng lên cả.
Tuy nhiên, khổ nhất là chuyện hạ tầng của chợ còn ngổn ngang, dơ bẩn gây trở ngại cho việc mua lẫn bán. "Khu bán thịt nhưng không được bố trí chỗ cao ráo cho sạch sẽ vệ sinh", một tiểu thương cho hay.
Mặt bằng chợ Bình Điền không có chỗ thoát nước, nên một số sạp bị nước tràn lên cả phía trên khiến luôn trong tình trạng nước ứ đọng, rất mất vệ sinh. Tiểu thương phải tự mắc điện mà dùng, chứ không được trang bị sẵn. Con đường vào lồng chợ chưa được tráng nhựa, đá lởm chởm, gây khó khăn cho xe chở hàng vào.
"Từ tối hôm qua, việc buôn bán tại chợ cũ đã bị cấm, tiểu thương bắt buộc phải chuyển hết qua Bình Điền trong khi chợ mới lại không có đủ cơ sở vật chất để buôn bán", đó là bức xúc chung của tiểu thương chợ này.
Ông Hồ Phước Hải, Phó giám đốc thường trực công ty quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền cho biết, Ban quản lý đã thông báo sẽ cung cấp miễn phí cho mỗi hộ kinh doanh một bàn inox để bày thịt bán. Tuy nhiên bàn sẽ đưa về từng đợt, mỗi đợt 4-5 cái, phát cho tất cả tiểu thương trong thời gian tới.
"Sắp tới, chợ cũng sẽ cố gắng mắc cho mỗi hộ một đồng hồ điện, đồng hồ nước để thuận tiện cho việc buôn bán. Đối với vấn đề đường sá, do một số khó khăn nên trong vòng 5 ngày đến một tuần nữa mới hoàn thành công đoạn tráng nhựa, tạo thuận lợi cho hoạt động vận chuyển của tiểu thương", ông Hải cho biết.
Về tình trạng ứ đọng nước, Ban quản lý chợ đã làm việc với đội trực vệ sinh lưu ý việc quét dọn, đưa nước thải xuống cống chứ không được đổ tràn lan.
Ông Hải cũng thừa nhận bức tường ngăn trong chợ dễ bị sập, mất an toàn. Sắp tới, Ban quản lý chợ sẽ làm ranh giới bằng thanh sắt cao 2m để cho những bao gạo có chỗ dựa. Sau khi thi công đường xong, sẽ tiến hành ngay việc này. Còn các khung đỡ hàng, tiểu thương sẽ tự chuẩn bị.
Nhiều tiểu thương ở các chợ trên đường Nguyễn Văn Linh cũng đến xem tình hình buôn bán của những người mới di dời ra sao, để chuẩn bị cho thời gian tới cũng chính thức quy tụ về chợ đầu mối Bình Điền. Ai cũng phàn nàn: "Chợ thế này làm sao yên tâm dời về để làm ăn được".
Bạch Hường - Vi Vi