1. Singapore là nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới
![]() |
Singapore đã giành danh hiệu này 7 lần liên tiếp. Ảnh: CNN |
Theo báo cáo Môi trường Kinh doanh 2013 được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 23/10, Singapore tiếp tục là quốc gia dẫn đầu về khả năng cạnh tranh. Đây là lần thứ 7 liên tiếp đảo quốc này nhận được danh hiệu trên. Đứng thứ hai vẫn là Đặc khu Hành chính Hong Kong. Các quốc gia khác có mặt trong Top 10 là New Zealand, Mỹ, Đan Mạch, Na Uy, Anh, Hàn Quốc, Gruzia, và Australia.
Năm nay, Việt Nam tụt hạng một bậc, xuống đứng vị trí 99 trên tổng số 183 nước được xếp hạng. Đây là thứ hạng thấp nhất của Việt Nam kể từ năm 2006.
Cũng theo báo cáo, các quốc gia khác trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương có sự cải thiện môi trường kinh doanh mạnh mẽ hơn so với Việt Nam. Trong tám năm qua, Trung Quốc là nền kinh tế có nhiều tiến bộ nhất khu vực về cải cách các quy định kinh doanh ,tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước.
2. Nhật Bản tung gói kích thích 9,4 tỷ USD
Ngày hôm qua (26/10), Chính phủ Nhật Bản tuyên bố sẽ tung 750 tỷ yen (9,4 tỷ USD) để kích thích kinh tế. Một phần số tiền này sẽ được lấy từ quỹ ngân sách độc lập.
Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Koriki Jojima cảnh báo chính phủ sẽ hết tiền vào cuối tháng 11 nếu dự luật về việc bán trái phiếu để lấp đầy ngân sách không được thông qua. Đồng yen đã chạm mốc thấp nhất 4 tháng so với USD và chỉ số giá tiêu dùng giảm 5 tháng liên tiếp trong tháng 9.
Bộ trưởng Bộ Kinh tế Nhật Seiji Maehara dự đoán gói kích thích trên có thể giúp GDP nước này tăng thêm 0,1%. Tuy nhiên, ông không nói rõ mức tăng này là trong giai đoạn nào, và chính phủ vẫn chưa quyết định các giai đoạn cũng như quy mô của kế hoạch kích thích tháng 11 tới.
3. Công ty Nga chi gần 55 tỷ USD mua liên doanh của BP
Công ty dầu khí của Chính phủ Nga - Rosneft đã đồng ý mua TNK-BP, liên doanh giữa Hãng dầu khí BP (Anh) và một nhóm tỷ phú, với giá 54,8 tỷ USD. Đây là thương vụ thâu tóm trong ngành dầu mỏ lớn thứ ba trên thế giới từ trước đến nay.
Sau thương vụ này, Rosneft sẽ đuổi kịp sản lượng với Exxon Mobil - nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, đồng thời kiểm soát hơn 40% sản lượng dầu thô tại Nga. Ông Andrey Golubov, giảng viên tài chính tại Trường Kinh doanh Cass ở London (Anh) cho biết: "Thỏa thuận này rất phù hợp với chiến lược giảm tư nhân hóa ngành khí gas và dầu mỏ tại Nga".
Rosneft sẽ mua 50% cổ phần của TNK-BP với giá 26,8 tỷ USD bằng cả tiền mặt và cổ phiếu. Trước đó, họ đã có thỏa thuận mua lại nửa công ty này với 28 tỷ USD tiền mặt. Sau khi mua bán thành công, BP sẽ nắm 19,75% cổ phần trong Rosneft và rút hẳn khỏi hội đồng quản trị.
Thương vụ trên cũng giúp Victor Vekselberg, một trong nhóm tỷ phú sở hữu TNK-BP trở thành người giàu nhất nước Nga với số tài sản 18 tỷ USD, tăng 1,5 tỷ USD.
4. Facebook công bố doanh thu vượt dự báo
Trong quý III vừa qua, doanh thu từ quảng cáo qua điện thoại của Facebook đạt khoảng 150 triệu USD. Con số này cao hơn nhiều so với 40 - 50 triệu USD hồi quý II và hơn hẳn quý I khi Facebook còn không có doanh thu từ mảng di động.
Theo đó, quảng cáo qua di động chiếm 14% doanh thu quảng cáo nói chung của Facebook. Tổng doanh thu từ quảng cáo quý III cũng rất khả quan, tăng 36% so với quý trước lên 1,09 tỷ USD.
Colin Sebastian, một chuyên gia phân tích từ hãng Robert Baird & Co nhận xét: "Thông tin này đã đập tan những cái nhìn hoài nghi rằng Facebook sẽ không thể kiếm tiền từ người dùng điện thoại và máy tính bảng". Tuy nhiên, ông cũng cho rằng thời gian tới Facebook sẽ phải chứng tỏ quảng cáo qua điện thoại vẫn có thể thu hút người dùng tương đương các kênh thông thường.
5. Anh thoát suy thoái kép nhờ Olympics
Trong quý III, kinh tế Anh đã tăng trưởng 1%, cao hơn mức dự báo 0,6% của các nhà kinh tế. Trước đó, GDP nước này giảm 0,4% trong quý II. Đây là quý thứ 3 liên tiếp nước này tăng trưởng âm và cũng là đợt suy thoái kép đầu tiên của Anh kể từ thập niên 70.
Văn phòng thống kê quốc gia Anh cho biết mức tăng này chịu ảnh hưởng của Olympics và Paralympics London. Cơ quan này nói: "Doanh thu từ bán vé Olympics đã làm GDP quý III tăng thêm 0,2%. Sự kiện này còn có nhiều tác động nữa, nhưng chúng tôi không thể đo đếm được".
Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne nhận định nền kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi. Ông cho biết: "Chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải giải quyết. Tuy nhiên, những số liệu này cho thấy nước Anh đang đi đúng đường".
Hà Thu (tổng hợp)