Ông Nguyễn Chí Hiếu là thủ khoa MBA tại Đại học Oxford, tốt nghiệp thủ khoa ngành Kinh tế và Khoa học Chính trị tại Học viện Kinh tế và Chính trị London (LSE). Hiện ông là nhà đồng sáng lập và CEO của Tổ chức Giáo dục IEG Global. Từng lọt top 100 sinh viên xuất sắc nhất thế giới (2006), ông Nguyễn Chí Hiếu chia sẻ cách giúp học sinh, sinh viên Việt Nam cải thiện phương pháp học tiếng Anh.
- Quá trình học tiếng Anh của ông diễn ra như thế nào?
- Vốn là học sinh chuyên Anh, đạt giải quốc gia từ năm lớp 11, tôi từng nghĩ mình giỏi tiếng Anh. Đến khi đi học nước ngoài, tôi gần như không nghe được thầy cô giáo nói gì. Xem tivi, truyền hình hoặc đi chợ thì càng không nghe được nhiều. Đến phần diễn đạt, tôi cũng ấp úng, lóng ngóng.
Tôi nhận ra, tiếng Anh mình học mang tính hàn lâm, học thuật nhiều hơn là hướng đến vận dụng thực tế. Nó mang tính chất "tiếp nhận", "thu vào" nhiều hơn là "sản xuất", "phát ra". Từ đó, tôi ép bản thân làm quen lại từ đầu với tiếng Anh thực tế bằng cách trao đổi, giao tiếp với người dân, trò chuyện với bạn bè, ở nhà host (gia đình bản xứ) thì trò chuyện với họ nhiều hơn để nhờ họ chỉnh sửa từng chút.
- Tiếng Anh đóng vai trò gì vào thành công hiện tại của ông?
- Tiếng Anh đã giúp tôi có đủ năng lực để đạt được toàn bộ những suất học bổng trong nhiều năm qua. Chính việc học tiếng Anh một cách thực thụ, sử dụng nó để đọc, nghiên cứu, viết lách, trao đổi, trình bày trong nhiều ngữ cảnh đã giúp tôi tích luỹ được kiến thức nền ở nhiều lĩnh vực, và năng lực linh hoạt để có thể "chống đỡ" những đề bài, cơ hội đầy thách thức.
Thứ hai là công việc. Tôi có may mắn trải nghiệm nhiều môi trường công việc khác nhau: từ tài chính ngân hàng đến nghiên cứu kinh tế, chính sách, học thuật, kinh doanh khởi nghiệp, giờ là giáo dục. Nhờ Tiếng Anh, tôi có thể tiếp cận, nghiên cứu, phân tích và đúc kết được kiến thức ở nhiều nguồn và nhiều người, để học hỏi và cải thiện bản thân.
- Ông đánh giá thế nào về phương pháp học tiếng Anh ở Việt Nam hiện nay?
- Tôi có phần sốc vì ở nhiều môi trường giáo dục bậc phổ thông và đại học, hay các trung tâm vẫn không khác gì... thời xưa. Vẫn là những bài tập từ vựng, ngữ pháp, nhấn trọng âm nặng về ngôn ngữ học nhưng thiếu gắn liền với thực tế. Do vậy, nhiều bạn sau 12-16 năm học tiếng Anh các cấp, dù làm kiểm tra điểm cao, vẫn gặp khó khăn, trở ngại trong việc vận dụng vào những ngữ cảnh thực tế, hoặc nói lên suy nghĩ, ý kiến của bản thân.
Đây là một trở ngại lớn. Lên các bậc học cao hơn, hoặc tiếp xúc với môi trường học thuật quốc tế, hay trong thế giới việc làm ngày càng toàn cầu hoá - khi giao tiếp luôn nằm trong top đầu những kỹ năng các nhà tuyển dụng đang tìm kiếm - thì các bạn sẽ "choáng" về khoảng cách lớn giữa cách học, điểm số bài kiểm tra ở trường lớp và nhu cầu thực tế ngày nay.
- Ông đã làm gì để giúp học sinh, sinh viên Việt Nam cải thiện phương pháp học tiếng Anh?
- Trong 10 năm qua, khi dạy học sinh ở nhiều môi trường, độ tuổi và đặc điểm, cũng như trong công việc tư vấn, thiết kế chương trình và phương pháp dạy học, tôi thường tập trung làm thế nào để cân bằng được giữa hướng tiếp cận dạy và học tiếng Anh truyền thống và hướng tiếp cận tiếng Anh là công cụ, để học sinh có thể sử dụng tiếng Anh truy cầu kiến thức ở nhiều lĩnh vực, tư duy và sử dụng trong đa dạng ngữ cảnh.
Với tôi, việc tới lớp vài buổi một tuần với thầy cô, giao tiếp sơ sơ với bạn bè ở trong lớp học, lâu lâu đọc vài bài hoặc viết vài câu tiếng Anh chỉ là "rửa mắt". Bạn cần "tắm mình" trong sinh ngữ mọi lúc mọi nơi thì mới sử dụng được nó thuần thục và linh hoạt. Tôi luôn cho các bạn học sinh những bài tập, trải nghiệm và môi trường thực tế để giao tiếp, trò chuyện, trao đổi, thảo luận và tranh biện với nhau một cách ngẫu hứng, không kiểm soát quá chặt chẽ, để "phơi nhiễm" với Tiếng Anh nhiều và tự nhiên hơn.
Tiếp theo là phương pháp. Chúng ta cần "tiết chế" các phương pháp học quá truyền thống và cần cân bằng với những phương pháp thực tiễn hơn. Tôi thường xuyên tìm hiểu và khuyến khích học sinh sử dụng một số nền tảng, sản phẩm công nghệ được chứng thực về chất lượng, như các ứng dụng điện thoại có khả năng chỉnh sửa phát âm để hỗ trợ việc học. Theo tôi đây là giải pháp công nghệ giáo dục tiên tiến và giúp người học sử dụng được tiếng Anh thực thụ, đặc biệt trong quá trình chuyển đổi số giữa bối cảnh đại dịch hiện nay.
Người hướng dẫn và đồng hành là yếu tố chốt hạ, vì nếu có thể sát sao và liên tục hỗ trợ sẽ đảm bảo cho người học sự phát triển về gần như tất cả năng lực - không chỉ riêng tiếng Anh. Trong thời đại ngày nay, "người" đó không nhất thiết phải là thầy cô trên lớp, mà còn có thể là bạn bè, đồng nghiệp, hoặc các nền tảng công nghệ thông minh.
Quan trọng hơn cả là động lực của từng cá nhân. Chẳng ai có thể xây dựng, duy trì và phát triển động lực này cho bạn xuyên suốt cuộc đời này ngoại trừ chính bản thân bạn.
Thế Đan (Ảnh: nhân vật cung cấp)