Các siêu tiêm kích F-35I Israel hôm qua kết thúc đợt diễn tập 4 ngày với nội dung chính là phương án đối phó dân quân Hezbollah được Iran hậu thuẫn. Đợt diễn tập cũng áp dụng nhiều kịch bản như không kích mục tiêu ở Dải Gaza và Syria, đối phó với tên lửa phòng không tầm xa S-300 và S-400 của đối phương.
"Chúng tôi huấn luyện với cường độ rất cao trong môi trường đầy thử thách, mô phỏng việc kẻ thù sở hữu những công nghệ quân sự vượt xa tiềm lực hiện tại trong khu vực. Những chiếc F-35I đã cải thiện đáng kể năng lực tác chiến đa năng, điều chúng tôi không có trước đây", quan chức không quân Israel cho biết.
Đợt diễn tập có sự tham gia của nhiều đơn vị tiêm kích, phòng không và bộ binh. Ngoài phi đội F-35I, Israel cũng triển khai nhiều trực thăng, vận tải cơ và máy bay không người lái cho hoạt động này.
Đây là lần đầu không quân Israel triển khai dòng F-35I trong hoạt động diễn tập, nhưng dường như Tel Aviv đã sử dụng chúng ít nhất hai lần trong các chiến dịch không kích Syria hồi đầu năm nay.
Khác với các quốc gia đặt mua F-35 khác, Israel yêu cầu được tích hợp nhiều công nghệ nội địa vào siêu tiêm kích này. Tel Aviv khẳng định họ liên tục ở trong tình trạng xung đột quân sự, đòi hỏi phi đội F-35 phải có nhiều điểm vượt trội về công nghệ và khả năng hậu cần. Với sự chấp thuận của Lockheed Martin, Israel trở thành quốc gia duy nhất ngoài Mỹ được quyền can thiệp và chỉnh sửa các hệ thống trên tiêm kích F-35.
Một trong những công nghệ then chốt trên F-35I là hệ thống chỉ huy, kiểm soát, liên lạc, máy tính và tình báo (C4I) do Israel tự phát triển, có khả năng lấy dữ liệu từ các cảm biến trên máy bay, nhưng không tương tác với hệ thống máy tính của F-35I. Hệ thống C4I sẽ chuyển thông tin cho các khí tài khác, đặc biệt là tiêm kích F-15I và F-16I, thông qua đường truyền dữ liệu (datalink) để giúp phát hiện, nhận dạng và tấn công mục tiêu của đối phương.
Vũ Anh (Theo Times of Israel)