Ngày 16/4, Văn phòng Chủ tịch nước công bố Luật Phòng Chống ma tuý (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV.
Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết, luật quy định "ưu tiên nguồn lực phòng, chống ma tuý cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, khu vực biên giới và địa bàn phức tạp về ma tuý".
Thời gian vừa qua, trên các tuyến biên giới, nhà chức trách đã đấu tranh mạnh mẽ với quyết tâm khiến "tội phạm ma tuý thực sự khiếp sợ, thực sự chùn bước, cứ đưa ma tuý vào là bị bắt".
Theo lãnh đạo Bộ Công an, nhiều chủ tịch tỉnh và đại biểu Quốc hội đã đề nghị công tác phòng chống ma tuý phải đạt hiệu quả như phòng chống Covid-19 ở Việt Nam thời gian qua. Để làm được việc đó, lực lượng công an đang đổi mới kế hoạch đấu tranh. Nếu phát hiện ở bên ngoài lãnh thổ, công an sẽ trao đổi với cơ quan chức năng của quốc gia đó để họ chủ động bắt giữ, đấu tranh. Còn trong nội địa, nhà chức trách tập trung giải quyết các đường dây.
"Chúng ta đang phối hợp tốt với Lào, Campuchia, Trung Quốc, Thái Lan. Mục tiêu làm sao đẩy ma tuý xa biên giới nước ta", Thứ trưởng Công an cho hay.
Luật mới đã quy định cụ thể các hình thức cai nghiện tự nguyện, bắt buộc, tập trung và tại cộng đồng. Nếu như trước đây chưa phân công rõ ràng, lần này luật giao trách nhiệm cho cơ quan công an thống kê, quản lý, tham mưu cho chính quyền địa phương. Ngay từ khi phát hiện sử dụng trái phép chất ma tuý, tuy chưa phải là nghiện, công an cơ sở phải có hồ sơ theo dõi, để phục vụ công tác quản lý.
"Việc lập danh sách là biện pháp phòng ngừa chứ không phải xử phạt vi phạm hành chính", tướng Vương nói.
Luật Phòng, chống ma tuý (sửa đổi) gồm 8 chương, 55 điều, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.