Người nhà anh thông báo, điện lực ở khu vực Thanh Trì vẫn bị cắt, điện thoại cố định tậm tịt, sóng di động thì lúc có lúc không.
Trao đổi với VnExpress.net, các nhà cung cấp dịch vụ di động đều khẳng định mưa quá lớn nên hệ thống cáp ở một số khu vực bị ảnh hưởng. Dù các doanh nghiệp đã triển khai các biện pháp khắc phục sự cố, song ở một vài thời điểm tình trạng sóng chập chờn, cuộc gọi bị gián đoạn vẫn xảy ra.
Theo thống kê của Trung tâm Điều hành Viễn thông của VNPT, do điện lưới tại nhiều khu vực bị cắt trong thời gian dài nên tại một số thời điêm liên lạc di động gặp khó khăn. Nặng nhất là vào ngày thứ bảy (1/11) do một số trạm phát sóng di động BTS của VinaPhone, MobiFone bị mất liên lạc. Khu vực bị ngập lụt nặng nề nhất là Giáp Bát, nơi có tổng đài MSC của MobiFone và VinaPhone, đã bị mất điện lưới từ đêm 31/10. Trung tâm Điều hành viễn thông đã cho chạy máy nổ, đảm bảo tổng đài hoạt động bình thường.
Theo VNPT, các trạm BTS này được đặt tại nhà dân, do mất điện lưới kéo dài nên các trạm thu phát này bị gián đoạn hoạt động. Máy phát điện lưu động không đi ứng cứu được do bị ngập lụt lớn. Thành thử VNPT phải tiến hành roaming giữa hai mạng VinaPhone và MobiFone tại Hà Nội, nhằm tăng cường thông tin liên lạc tại khu vực này.
Trong các ngày từ 31/10 đến ngày 3/11 có ít nhất 48 trạm BTS của EVN Telecom tại các tỉnh Nghệ An, Hà Nội, Ninh Bình bị mất liên lạc do đứt cáp quang. Điện bị ngắt, nước ngập khắp hơi khiến cho thiết bị trạm phải di dời đến nơi an toàn. Trong số này có 29 BTS tại Hà Nội, 6 BTS tại Quảng Ninh, 3 BTS tại Lạng Sơn, 2 BTS tại Lào Cai và 8 BTS tại 8 tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Tuyên Quang, Bắc Giang.
Chiều qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có công điện khẩn yêu cầu các doanh nghiệp bưu chính viễn thông nhanh chóng khắc phục sự cố mạng lưới, đảm bảo thông tin liên lạc được trong suốt.
Thời tiết dự báo là vẫn diễn biến phức tạp và có thể xảy ra mưa lớn trong mấy ngày tới, Bộ yêu cầu các doanh nghiệp và các Sở Bưu chính Viễn thông ở các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam, Hòa Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình cần tăng cường thông tin liên lạc (bằng các phương thức cố định, di động, vô tuyến sóng ngắn và vệ tinh) và thiết bị dự phòng để đáp ứng yêu cầu cho các tỉnh nói trên tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, sớm ổn định đời sống của nhân dân, phục hồi sản xuất.
Chiều nay, VNPT đã yêu cầu các đơn vị thành viên bố trí nhân lực ứng trực 24/24h đảm bảo thông tin liên lạc cho các trạm bơm chống úng trên địa bàn Hà Nội và Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn. Tại trạm bơm Yên Sở và trạm bơm Sông Nhuệ, ngoài việc huy động các máy điện thoại cố định, Công ty Viễn thông Hà Nội kéo thêm cáp đồng dự phòng cho máy cố định, đồng thời bố trí hàng chục máy GPhone, các bộ SIM Card điện thoại di động… theo đề nghị của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố, để đảm bảo an toàn tuyệt đối thông tin phục vụ công tác chỉ đạo.
Ngoài ra, VNPT cũng yêu cầu công ty Viễn thông Quốc tế VTI chuẩn bị 2 bộ thiết bị thông tin vệ tinh Inmarsat Mini M sẵn sàng phục vụ công tác chỉ đạo tại các khu vực phân lũ tại Ứng Hòa, Mỹ Đức.
Hồng Anh