Chế độ ăn uống phù hợp, lành mạnh giúp bệnh nhân đái tháo đường kiểm soát đường huyết. Một số loại thực phẩm mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân đái tháo đường, một số khác lại có thể khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Dưới đây là các loại thực phẩm mà người bệnh đái tháo đường nên hạn chế.
Chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa
Chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa là những hợp chất không có lợi cho sức khỏe. Dù không trực tiếp gây tăng đường huyết nhưng hai nhóm chất béo trên có khả năng làm tăng lượng cholesterol trong cơ thể và góp phần dẫn đến tình trạng kháng insulin. Điều này gián tiếp gây tăng đường huyết đột ngột ở bệnh nhân đái tháo đường. Chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa có nhiều trong các loại thực phẩm chiên rán và thực phẩm chế biến sẵn như khoai tây chiên, thức ăn nhanh...
Theo chuyên gia sức khỏe, bệnh nhân đái tháo đường có thể lựa chọn các loại thực phẩm chứa chất béo không bão hòa đơn và đa như đậu phộng, các loại hạt và bơ hạt, dầu ôliu, dầu hướng dương, cá, đậu hũ, trứng... thay vì các chất béo có hại.
Ngũ cốc tinh chế
Các loại thực phẩm làm từ ngũ cốc tinh chế như bánh mì trắng, gạo, mì ống... có chứa một lượng carbohydrate cao. Tiêu thụ nhiều các loại thực phẩm này đã được chứng minh làm tăng đáng kể lượng đường trong máu ở những bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1 và 2.
Theo một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí về bệnh đái tháo đường của Mỹ năm 2018, thực phẩm chứa nhiều carbohydrate không chỉ làm tăng lượng đường trong máu mà còn làm suy giảm chức năng não bộ ở những bệnh nhân mắc đái tháo đường tuýp 2. Các chuyên gia khuyến nghị bệnh nhân nên bổ sung vào chế độ ăn uống thực phẩm làm từ ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, lúa mạch đen, kiều mạch...
Thực phẩm chứa nhiều đường và các chất tạo ngọt
Bệnh nhân đái tháo đường thường được khuyến cáo cắt giảm lượng đường trắng tiêu thụ. Tuy nhiên, các chất tạo ngọt khác như đường nâu, mật ong, siro cây phong... cũng có thể khiến lượng đường trong máu của bệnh nhân tăng. Theo một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Dinh dưỡng (Mỹ) năm 2015 cho biết, người bị tiền đái tháo đường cũng bị tăng đường huyết và phản ứng viêm mỗi khi tiêu thụ 50 gam đường trắng hoặc mật ong.

Người bị đái tháo đường nên hạn chế các chất tạo ngọt. Ảnh: Freepik
Thực phẩm chứa nhiều muối
Dù không gây ảnh hưởng đến mức đường huyết nhưng chế độ ăn quá nhiều muối sẽ khiến bệnh nhân đái tháo đường dễ bị cao huyết áp, làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận, bệnh tim mạch và đột quỵ. Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ (ADA) khuyến nghị, một người dù bị đái tháo đường hay không cũng nên hạn chế lượng natri tiêu thụ ở mức dưới 2.300 mg một ngày.
Trái cây sấy
Trái cây là một nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất cần thiết cho người bệnh đái tháo đường, bao gồm vitamin C và kali. Tuy nhiên, khi sấy khô, trái cây sẽ bị mất nước, khiến lượng đường trong trái cây tăng lên đáng kể. Với cùng khối lượng, trái cây sấy có hàm lượng carbohydrate cao hơn so với trái cây tươi.
Ngoài trái cây sấy, nước ép trái cây cũng có nhiều đường, nhất là đường fructose, có khả năng làm trầm trọng hơn tình trạng kháng insulin, thúc đẩy sự tăng cân và tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. So với trái cây tươi, nước ép trái cây cũng có ít chất xơ hơn. Các chuyên gia sức khỏe khuyến nghị bệnh nhân đái tháo đường nên ăn trái cây tươi thay vì ăn trái cây sấy hoặc uống nước ép trái cây.
Thực phẩm chiên rán
Thực phẩm chiên rán có chứa nhiều dầu và cung cấp nhiều calo, không tốt cho người bệnh đái tháo đường. Nếu được tẩm bột trước khi chiên, thực phẩm sẽ càng dễ hút dầu, đồng thời, các loại bột chiên xù, bột chiên giòn sẽ cung cấp cho cơ thể thêm nhiều carbohydrate hơn. Tiêu thụ một lượng lớn các loại thực phẩm này dễ gây tăng cân và tăng mức đường huyết. Đồ chiên rán có thể làm tăng đường huyết kéo dài.
Bệnh nhân đái tháo đường nên thay các món chiên rán bằng món nướng, quay, áp chảo hoặc sử dụng nồi chiên không dầu khi chiên thức ăn. Các chuyên gia cũng khuyến nghị người bệnh đái tháo đường nên hạn chế một số loại thức uống như rượu bia, sữa nhiều chất béo, đồ uống có đường hoặc có hương cà phê.
Phương Quỳnh (Theo Healthline, Medicalnewstoday)