Hôm qua, Emil Boc, giữ ghế Thủ tướng Romania từ năm 2008, phải tuyên bố từ chức. Sự sụp đổ của chính quyền Emil Boc là hệ quả đầu tiên kể từ sau khi nước này áp dụng hàng loạt biện pháp cắt giảm thâm hụt ngân sách, nhằm đổi lấy khoản vay trị giá 20 tỷ euro (26 tỷ USD) từ IMF, EU và Ngân hàng Thế giới vào năm 2009. Đó là lúc quỹ ngân sách nước này đang hao hụt, không đủ tiền để trả lương và chế độ hưu cho người dân, đồng thời nền kinh tế suy giảm 7%.
Xét về thu nhập bình quân đầu người, Romania là nước nghèo thứ hai trong khu vực đồng tiền chung, với 350 euro (tương đương 460 USD) một tháng. Con số này chỉ bằng một phần tư so với mức lương tối thiểu của Pháp. Ở một số vùng thậm chí còn không có điện hay nước sạch.
![]() |
Thủ tướng Romania vừa mất chức, ông Emil Boc. Ảnh: realitateamea.ro |
Tuy nhiên, xét về nguy cơ thâm hụt ngân sách và nợ công, tình hình của Romania không quá nghiêm trọng nếu so với một số nạn nhân khác trong cuộc khủng hoảng nợ hiện nay. Tỷ lệ nợ công trên GDP của Romania thuộc hàng thấp thứ tư trong khu vực EU. Hiện nay, nợ công tại các nước như Bồ Đào Nha, Ireland chiếm tới 80, 90% GDP, thậm chí như Hy Lạp chiếm tới 130% GDP thì tại Romania, con số này là 31%.
Thâm hụt ngân sách tại Hy Lạp cũng thuộc hàng thấp, hiện ở mức 4,4% trên GDP, so với mức 9% tại Hy Lạp. Hơn nữa, sang năm 2010 và 2011, tình hình kinh tế Romania cũng sáng sủa lên khi GDP tăng trưởng nhanh trở lại.
Mặc dù vậy, trong năm 2010, chính phủ của ông Boc khiến người dân giận dữ khi tiếp tục thi hành hàng loạt chính sách khắc khổ, ví dụ tăng thuế doanh thu từ 19 lên 24% và cắt một phần tư lương của công nhân nhà nước. Như ông này tâm sự trong tuyên bố từ chức hôm qua, thì đó là những quyết định có lợi cho tương lai của Romania. "Cắt giảm ngân sách không phải là điều tôi muốn làm, mà là tôi phải làm", ông nói.
Giới quan sát cho rằng tại Romania hiện nay, những rắc rối không chỉ dừng lại ở vấn đề kinh tế. Sự đối địch sâu sắc giữa các đảng phái chính trị là đề tài xuất hiện hàng ngày trên báo chí nước này. Nhiều nhà bình luận chính trị nhận xét sự ra đi của Thủ tướng Boc chỉ là một "nước cờ" của Tổng thống nhằm củng cố thêm vị thế cho đảng Dân chủ Tự do của ông này, trước sự dòm ngó của các phe phái khác.
Trước Romania, nhiều thành viên khác của khu vực đồng tiền chung châu Âu đã chứng kiến sự ra đi của chính phủ, gần đây nhất là Italy và Hy Lạp vào cuối năm ngoái. Cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu nổ ra vào năm 2010, đã quật ngã hàng loạt nạn nhân từ Ireland, đến Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Ngay cả các quốc gia tưởng chừng có vị thế bền vững như Pháp cũng vừa bị Standard & Poor's hạ tín nhiệm vào tháng trước.
Thanh Bình