![]() |
Thủ tướng Merkel đi thăm một con phố có tên Nam La Cổ Hạng ở Bắc Kinh. Ảnh: Chinanews |
Ngay sau khi tới Trung Quốc, Thủ tướng Merkel đã có một bài phát biểu quan trọng về cuộc khủng hoảng đồng euro vào sáng nay, trước khi có cuộc hội kiến với Thủ tướng chủ nhà Ôn Gia Bảo vào buổi chiều. Cùng ngày, bà còn có cuộc gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Chủ tịch Quốc hội Ngô Bang Quốc, AFP đưa tin.
Khủng hoảng ở khu vực đồng tiền chung châu Âu là trọng tâm trong chương trình làm việc 3 ngày của thủ tướng Đức tại Trung Quốc. Bà sẽ bàn bạc vấn đề này với các lãnh đạo Trung Quốc, những người dành sự quan tâm tới việc châu Âu trở lại đà tăng trưởng cũng như sự ổn định của đồng euro.
Thủ tướng Merkel cũng trao đổi với các lãnh đạo Trung Quốc về các vấn đề khác như việc tăng sự tham gia của nước này tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), việc tiếp cận thị trường Trung Quốc, quyền sở hữu trí tuệ. Bà Merkel còn đề nghị Trung Quốc không tận dụng việc châu Âu ngừng nhập khẩu dầu mỏ của Iran do chương trình hạt nhân của quốc gia Hồi giáo, để tăng nguồn nhập khẩu dầu mỏ.
Ngoài các vấn đề trên, thủ tướng Đức sẽ đề nghị Bắc Kinh ủng hộ một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm vào Syria, trong bối cảnh giao tranh giữa các lực lượng trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad và phe đối lập đang leo thang.
Ngày mai, bà Merkel sẽ tới thăm tỉnh miền nam giàu có Quảng Đông, một công xưởng khổng lồ của thế giới, với sự tháp tùng của một đoàn doanh nhân và doanh nghiệp Đức. Quảng Đông là nơi có gần 500 công ty Đức đang hoạt động. Cùng đi với thủ tướng Đức sẽ là người đồng cấp nước chủ nhà và các quan chức ngành năng lượng, hóa chất, kỹ thuật, ngân hàng và điện tử. Bà Merkel và ông Ôn sẽ cùng tham dự diễn đàn doanh nghiệp Trung - Đức.
Trong các nội dung trao đổi của bà Merkel khi tới thăm Quảng Đông, vấn đề đất hiếm sẽ được đề cập tới. Đất hiếm là thành phần quan trọng được sử dụng trong việc sản xuất các sản phẩm công nghệ cao và có vai trò đặc biệt đối với nền kinh tế Đức. Trung Quốc vốn bị cho là hạn chế xuất khẩu đất hiếm để khống chế giá và buộc các nhà sản xuất phải tới nước này. Tuy nhiên, Bắc Kinh cho hay sự hạn chế xuất khẩu đất hiếm là vì những lý do môi trường, vì việc khai thác đất hiếm gây ô nhiễm.
Hồi tháng 8/1997, bà Merkel từng tới Trung Quốc trong vai trò là Bộ trưởng Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn Hạt nhân. Theo China Daily, sau khi trở thành thủ tướng và tính cả chuyến thăm lần này, bà Merkel đã 5 lần tới Trung Quốc.
Nhật Nam