Trong chuyến sang Việt Nam lần này, ông Thứ trưởng Thương mại Mỹ Francisco J. Sánchez dẫn theo đoàn gồm 8 công ty, tập đoàn của Mỹ. Trong đó có những cái tên lớn như tập đoàn lớn thứ 3 toàn cầu General Electric (GE). GE có mặt tại Việt Nam từ những năm 1990, hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ năng lượng, điện, hàng không, chăm sóc sức khỏe.
Phái đoàn còn có công ty công nghệ Cisco Systems, đã đầu tư vào Việt Nam từ 9 năm nay, hay Honeywell, là một trong 100 doanh nghiệp lớn nhất nước Mỹ. Năm cái tên còn lại là Oshkosh, công ty cung cấp các loại xe chữa cháy chuyên dụng; Black and Veatch - chuyên về lĩnh vực năng lượng, viễn thông, lọc nước; Shaw Group - công ty chuyên về xây dựng, cơ sở hạ tầng, Westinghouse - công ty chuyên về lĩnh vực hạt nhân dân sự; WorleyParsions, cũng hoạt động trong lĩnh vực hạt nhân.
Theo ông Francisco J. Sánchez, Việt Nam đang tiếp tục tăng trưởng mạnh, do đó nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sẽ ngày càng lớn. Trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào hôm qua, ông Sánchez đã đưa một bản danh sách các dự án phát triển cơ sở hạ tầng mà 8 doanh nghiệp trên đang quan tâm.
"Đây là lần thứ 3 tôi đến thăm VN trong vòng 20 tháng vừa rồi và lần thứ 2 dẫn theo phái đoàn doanh nghiệp", Thứ trưởng Thương mại Mỹ Francisco J. Sánchez trong buổi họp báo tại Hà Nội sáng nay.
Thứ trưởng Thương mại Mỹ cùng phái đoàn trong buổi họp báo sáng nay tại Hà Nội. Ảnh: TB |
Thừa nhận vẫn còn nhiều rào cản thương mại giữa hai bên, Thứ trưởng Thương mại Mỹ cho rằng luôn có những cơ hội để Mỹ và Việt Nam cải thiện tình hình. Theo ông, một trong số các biện pháp giảm bớt rào cản là thông qua Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
"Mục tiêu của TPP là đặt ra những tiêu chuẩn vàng về thương mại trong thế kỷ 21, theo đó giảm được càng nhiều càng tốt hàng rào thuế và phi thuế", ông Thứ trưởng nói. Nhờ đó, Việt Nam sẽ có thêm cơ hội xuất khẩu đến Mỹ cũng như các thành viên khác của Hiệp định, ông đánh giá. Ông Sánchez cho biết dự kiến Hiệp định sẽ đi đến ký kết vào năm sau.
Thứ trưởng Mỹ cho biết sau 3 chuyến thăm đến Việt Nam, ông và các doanh nghiệp nhìn thấy "vô số" cơ hội đầu tư ở đây. Tất nhiên, các công ty Mỹ cũng gặp nhiều trở ngại nhất định, một đại diện doanh nghiệp cho biết. Trong đó, khác biệt về văn hóa kinh doanh và nguồn nhân lực là hai khó khăn lớn nhất. Tâm sự về cái khó khi thuê nhân công, một công ty từ phái đoàn chia sẻ: "Chúng tôi mất rất nhiều thời gian nếu muốn thuê nhân lực cao. Kể cả với những kỹ sư tốt nghiệp trường đại học lớn ở TP HCM hay Hà Nội, sau khi tuyển dụng xong chúng tôi vẫn phải đưa sang Singapore để đào tạo lại".
Nhận xét về kinh tế Việt Nam, ông Thứ trưởng Thương mại Mỹ cho rằng Chính phủ Việt Nam có thể cảm thấy khó khăn khi tìm kiếm sự cân bằng, vừa giữ sự tăng trưởng, nhưng vẫn giữ sự ổn định tài chính, đồng thời phải tạo ra một môi trường thu hút đầu tư. Tuy nhiên, một khi làm được việc này, số lượng cơ hội mở ra với kinh tế Việt Nam là vô hạn, ông nhận định. Ngoài ra Việt Nam càng gia tăng được tính minh bạch thì càng cải thiện được môi trường kinh doanh, thúc đẩy thương mại hai chiều.
Thanh Bình