Người gửi: Hà Nam
Tôi đã nghe ý kiến và đọc một số phản hồi về thu phí giao thông. Có nhiều ý kiến chưa đồng tình. Điều đó cũng dễ hiểu. Đương nhiên không một người nào hào hứng với việc tự nhiên phải trả thêm tiền cho những nhu cầu mà trước nay không mất tiền. Vì vậy khi thực hiện các chủ trương mang tính xã hội cao thì không thể lệ thuộc vào các ý kiến mang tính cá nhân như thế được.
Mọi chủ trương về kinh tế xã hội tất nhiên đều phải có sự đánh đổi nhất định nào đó, mà thường là đánh đổi các lợi ích cá nhân lấy lợi ích xã hội. Người Việt ta nói chung vẫn chưa quen với nếp nghĩ văn minh này lắm. Thế nên nhiều ý kiến không muốn có sự chia sẻ nào từ phía người dân.
Tất nhiên nỗ lực từ phía Nhà nước là không thể thiếu, nhưng các giải pháp khác đòi hỏi sự đồng lòng thực hiện của cả xã hội. Thu phí phương tiện là một giải pháp cần thiết như thế về giao thông đô thị.
Thực tế, đánh phí cho phương tiện cùng các giải pháp đồng bộ khác về hạ tầng và quản lý giao thông có thể có tác động mạnh là:
- Mỗi người tham gia giao thông sẽ đều cân nhắc lựa chọn loại hình giao thông phù hợp và hiệu quả nhất, chứ không nhất thiết dùng phương tiện cá nhân. Điều này sẽ hạn chế hiệu quả các xe cá nhân tham gia giao thông - đặc biệt là các phương tiện ngoại tỉnh - một cách hoàn toàn bình đẳng và văn minh.
- Ngân sách được bổ sung đáng kể, góp một phần quan trọng giải quyết vấn đề nguồn vốn để thực hiện các dự án giao thông đô thị lớn.
- Tạo nên sự chuyển biến lớn trong nhận thức xã hội chung là các giải pháp xã hội cần có sự đồng lòng của cả xã hội bằng cách hy sinh chút ít lợi ích cá nhân, chứ không thể chỉ trông chờ Nhà nước.
Tóm lại, theo tôi thu lệ phí giao thông các phương tiện là một giải pháp cần thiết và văn minh (các nước phát triển hơn VN nhiều vẫn hay áp dụng giải pháp này cho giao thông công cộng). Tuy nhiên thực thi nó là tương đối khó khăn, nhất là ở giai đoạn triển khai ban đầu. Nhưng khó không phải là không làm mà ngược lại, nên làm càng sớm và càng nghiêm càng tốt.
Người gửi: Đỗ Đại Lợi
Căn bệnh " Tắc đường, nghẹt đường " là trầm kha ở TP HCM và Hà Nội. Tôi chỉ bàn tới một trong những nguyên nhân chính đó cơ sở hạ tầng giao thông quá kém. Mà muốn cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông thì ai cũng biết cần có tiền. Nhưng ngân sách trung ương, ngân sách địa phương thì có hạn. Vì vậy việc thu phí những người tham gia giao thông (hưởng lợi trực tiếp) để tái đầu tư cho hạ tầng giao thông là hoàn toàn đúng đắn.
Theo tôi việc thu phí nên giao cho chính quyền địa phương. Chủ nhà có trách nhiệm kê khai và đóng phí cho các thành viên trong nhà bao gồm xe những người có hộ khẩu và những người có đăng ký tạm trú.
Để giảm khối lượng công việc thì nên thu phí một năm một lần.
Mức phí bao nhiêu thì để các nhà chuyên môn tính sao cho dung hòa quyền lợi giữa các bên, nhưng quan trọng là hình thức xử phạt thật nặng để tránh trường hợp "quyền lợi thì hưởng, trách nhiệm thì tránh".