Phim truyền hình chưa đóng xong đã sạch tiền là "điệp khúc bất hủ" của nhiều diễn viên truyền hình khi được hỏi về thù lao đóng phim. Tham gia phim truyền hình của các hãng nhà nước, diễn viên chính được trả thù lao mỗi tập trên dưới 2 triệu đồng (vị chi khoảng 40 triệu đồng cho một phim dài 20 tập) nhưng thời gian quay lại ròng rã mấy tháng trời. Với số tiền ấy, hầu hết diễn viên đều phải tự lo luôn trang phục cho nhân vật của mình và chi tiêu trong lúc quay phim. Diễn viên Kinh Quốc than thở: "Tôi thuộc dạng diễn viên có nhiều phim mà còn chưa sống nổi bằng tiền thù lao. Lần nào cũng vậy, cứ đóng phim xong thì tiền cũng hết sạch, mà có khi còn hết sớm hơn phim".
Vài năm gần đây, khi các hãng phim tư nhân hào hứng tham gia sản xuất phim, mức cát-xê mới được nâng lên nhằm thu hút các diễn viên nổi tiếng tham gia phim của mình. Một thời, hãng Lasta được xem là đơn vị rộng rãi nhất với diễn viên trong việc trả thù lao, nhưng gần đây M&T Pictures và HK Film đã phá kỷ lục này.
![]() |
Huy Khánh (phải) và người mẫu Ngọc Quyên trong phim "Hoa dã quỳ". Ảnh: ITV. |
Theo thông tin từ giới diễn viên, hiện tại diễn viên được trả thù lao cao nhất cho phim truyền hình là Huy Khánh (phim Hoa dã quỳ dài 33 tập của đạo diễn Võ Tấn Bình) và Hà Kiều Anh (phim Ván cờ tình yêu 30 tập của đạo diễn Trần Cảnh Đôn), mỗi người được trả 5 triệu đồng một tập phim. Cả hai bộ phim này đều do M&T bỏ vốn đầu tư và giao cho HK phụ trách sản xuất.
Lương Mạnh Hải và Anh Thư - hai diễn viên chính trong một bộ phim khác của M&T và HK là Tuyết nhiệt đới của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng - cũng từng được trả 100 triệu cho 30 tập phim, nhưng tính ra vẫn kém Huy Khánh và Hà Kiều Anh. Hãng Vifa (sản xuất phim Mùi ngò gai) ngoài tiền thù lao từng tập còn trả thêm tiền lương tháng cho diễn viên.
Trong khi cát-xê diễn viên phim truyền hình đang tăng lên, dù chậm, thì thù lao cho diễn viên điện ảnh lại có xu hướng... giật lùi. Thời hoàng kim của phim "mỳ ăn liền" vào thập niên 90, các ngôi sao như Lý Hùng, Việt Trinh, Diễm Hương... từng được trả từ 20 triệu đến 30 triệu đồng.
Hay như Trương Ngọc Ánh với vai chính trong phim Em và Michael Jackson của đạo diễn Lưu Huỳnh hồi năm 1994 đã được trả đến 40 triệu đồng. Đến năm 2002, thù lao của Mỹ Duyên và Minh Thư cho phim Gái nhảy chỉ là 15 triệu đồng.
![]() |
Năm 1994, diễn viên Trương Ngọc Ánh đã được trả cát-xê 40 triệu đồng cho một vai diễn. Ảnh: modelvn. |
Có nhiều phim do Việt kiều bỏ vốn nhưng dưới danh nghĩa hợp tác với hãng phim trong nước nên doanh thu của diễn viên cũng chỉ được trả theo mức của... "phim nhà nước". Chẳng hạn như Ngô Thanh Vân và Hứa Vỹ Văn chỉ được trả "cao hơn phim của nhà nước một chút" với 20 triệu đồng cho vai chính trong Chuyện tình Sài Gòn của đạo diễn Việt kiều Mỹ Ringo Lê. Tuy nhiên, Hứa Vỹ Văn cho biết: "Khi mời diễn viên sang Mỹ quảng bá cho phim, nhà sản xuất vẫn trả thêm thù lao bên cạnh đài thọ chi phí ăn ở đi lại. Như tôi sang Mỹ hai lần để dự ra mắt phim, mỗi lần nhận được 1.500 USD".
Có thể thấy hiện nay cát-xê vẫn được trả theo "thông lệ" chứ không thật sự căn cứ trên tên tuổi và lợi nhuận diễn viên mang lại cho bộ phim. Gái nhảy của hãng phim Giải Phóng thu về hơn 13 tỷ đồng, nhưng khi sản xuất tiếp Lọ Lem hè phố (được xem như phần 2), "má mì" Anh Vũ mới đòi tăng thù lao (từ 1 triệu lên 10 triệu đồng) là đã bị... cắt vai chuyển sang cho Minh Nhí. Cũng sau thành công của Gái nhảy, khi có người ngỏ ý mời đóng phim, Minh Thư ngỏ ý "xin" thù lao là... 40 triệu đồng đã bị nhà sản xuất "im thin thít và lặn mất tăm".
Lý do là, dù đang được chú ý, cái tên Minh Thư vẫn chưa thể đảm bảo 100% phim sẽ hốt bạc nên nhà sản xuất không muốn phiêu lưu trả thù lao quá cao để rồi lỗ vốn. Nổi tiếng như Đan Trường cũng chỉ được trả "mức cao nhất" là 24 triệu đồng cho một tháng rưỡi rong ruổi cùng đoàn phim Võ lâm truyền kỳ. Việc diễn viên được nhận phần trăm lợi nhuận trên doanh thu phim khá phổ biến ở nước ngoài nhưng vẫn chưa có "tiền lệ" tại Việt Nam nên diễn viên chỉ biết tự an ủi: "Đóng được phim ăn khách là mừng rồi!".
![]() |
Ca sĩ Quang Dũng và diễn viên Việt Trinh trong phim "Những chiếc lá thời gian". Ảnh: Thế Giới Nghệ Sĩ. |
Tuy nhiên cũng có nhiều nhà sản xuất "chơi đẹp" khi trả cát-xê cao cho diễn viên nhằm phần nào động viên họ nỗ lực hết mình với vai diễn. Quang Dũng dù chỉ là "diễn viên tay ngang" nhưng từ 15 triệu đồng cho vai chính trong phim Lọ Lem hè phố, anh đã được hãng Sena trả đến... 70 triệu đồng cho vai chính của Những chiếc lá thời gian.
Sở dĩ nhà sản xuất trả thù lao cao cho Quang Dũng như vậy là do tên tuổi của anh trong lĩnh vực ca nhạc có khả năng đảm bảo DVD của phim sẽ bán chạy tại thị trường hải ngoại. Còn Ngô Thanh Vân được nhận 75 triệu đồng cho vai chính trong Dòng máu anh hùng.
Một nền điện ảnh chuyên nghiệp cần có nhiều yếu tố, nhưng một trong những yếu tố quan trọng nhất là phải có "diễn viên ngôi sao" đủ sức hút khán giả đến rạp. Thù lao của diễn viên không chỉ là thu nhập mà còn là thước đo mức độ nổi tiếng và đẳng cấp nghề nghiệp của họ. Ở Hollywood, Hàn Quốc hay Trung Quốc, tiền thù lao được trả theo tên tuổi và sức hút khán giả của diễn viên, là sự thương lượng sòng phẳng giữa diễn viên và nhà sản xuất.
Tuy nhiên, cũng có đôi lúc nhà sản xuất bị "hớ" khi trả cát-xê cho diễn viên quá cao mà doanh thu phim không đạt hiệu quả như mong đợi. Nhưng khi có phim bị thất bại doanh thu, thù lao của diễn viên ấy cũng sẽ bị tụt giảm trong những phim kế tiếp. Đó là quy luật sòng phẳng của một thị trường điện ảnh chuyên nghiệp.
Thực tế, nhiều nhà sản xuất ở Việt Nam vẫn còn mang tâm lý: "Thù lao chỉ cỡ đó là hết cỡ, diễn viên này không đóng thì mời diễn viên khác". Cơ hội xuất hiện trên màn ảnh quá ít vì mỗi năm chỉ có vài phim nhựa được sản xuất nên nhiều diễn viên Việt Nam vẫn chưa quen (và cũng chưa dám) "làm giá" với nhà sản xuất để khẳng định thương hiệu của mình.
Ý kiến của các diễn viên: Quyền Linh: Lương của diễn viên điện ảnh hiện nay dù có "nhích" lên chút đỉnh nhưng theo tôi vẫn còn chưa hợp lý nếu so với lương của các diễn viên sân khấu từ 500 đến 700 nghìn đồng một đêm, còn nếu so với các ca sĩ một sô diễn từ 10 triệu đến 30 triệu đồng thì càng... buồn hơn! Làm diễn viên rất cực, mới 4-5h sáng phải thức dậy hóa trang, di chuyển đến điểm quay là chuyện thường. Có khi phơi nắng suốt buổi trưa hoặc dầm mưa mấy tiếng đồng hồ, nhưng tiền lương bù đắp cho công sức, hoặc "tu bổ" lại cho nhan sắc của mình thì chắc chắn không tương xứng rồi. Nhiều người nói tôi đi làm MC cho nhiều chương trình là do lương rất cao. Sự thật cũng chưa hẳn là như vậy, phải yêu nghề trước cái đã, nhưng chính đồng lương tương xứng của nghề MC đã làm cho tôi toàn tâm toàn ý mà cống hiến. Thiết nghĩ các hãng phim tư nhân ra đời, đã cải thiện được chút ít đời sống cho diễn viên. Tôi mong rằng lương được nâng cao hơn nữa thì diễn viên mới sống hết mình với nghề được. Quốc Thái: Với đồng lương hiện nay, tôi có thể xem là sống được với nghề. Bởi lịch làm phim đã đều đặn, diễn viên có nhiều dịp... trổ tài, rồi từ phim chuyển sang đóng kịch, làm MC cũng làm cho mình kiếm thêm... chút đỉnh. Nhưng nếu so sánh với các diễn viên nước ngoài thì... không dám đâu, bởi có sự chênh lệch quá khủng khiếp. Tuy nhiên với tôi, khi nhận lời tham gia phim thì tiền lương không phải là mối quan tâm hàng đầu, mà cái chính là kịch bản như thế nào, vai diễn ra sao, đạo diễn là ai mà thôi... Việt Trinh: Chỉ so với thời kỳ "hoàng kim" của chính mình ở thập niên 90 thôi thì lương diễn viên mình hiện nay vẫn chưa bắt kịp, còn nếu so với các nước lân cận cũng đã chênh lệch lắm rồi. Ở Singapore, các diễn viên chỉ cần được tham gia vai chính của một phim thôi là đủ sống được vài năm, còn ở ta làm phim chưa xong mà tiền đã hết chỉ là chuyện bình thường. Cho nên mới dẫn đến tình trạng diễn viên phải chạy sô, ai cũng phải kiêm thêm nghề tay trái để đảm bảo được thu nhập. Khi tham gia "tư vấn" về tiền lương cho bộ phim Duyên trần thoát tục, lương của các anh chị em diễn viên được tôi đặc biệt chú trọng. Và cũng đã xảy ra một chuyện khá thú vị: các diễn viên chính như Nguyễn Phi Hùng, Việt Hương, Cát Phượng, Minh "Béo"... đều tự động xin giảm tiền lương vì ai cũng thông cảm cho đoàn làm phim. Ngược lại các diễn viên phụ thì lương cơ bản của mỗi người đều được tăng lên khá đáng kể để họ yên tâm tập trung nhập vai diễn của mình. Minh Thư: Lương hả? Tôi thấy cũng bình thường thôi, nhưng thẳng thắn mà nói mỗi lần làm phim là mỗi lần tôi cũng lâm vào hoàn cảnh từ lỗ tới... lỗ. Sơ sơ chỉ tính về trang phục thôi, nếu là vai nghèo khổ thì cũng dễ kiếm đồ, nếu đã vào vai con nhà giàu ăn chơi sành điệu thì ngán lắm, tất cả trang phục phải cố gắng tìm... cho khác người, mà muốn khác người thì chỉ có cách đi ra nước ngoài sưu tầm. Tuy đảm nhiệm vai chính, cát-xê có phần cao hơn các bạn diễn khác, nhưng so với sự đầu tư "kỹ" của tôi thì số tiền đó cũng hợp lý thôi. Làm phim ở mình phải biết thông cảm, phải vì tình nghĩa nữa, hơn nữa cơ chế của phim nhà nước mình mà muốn nâng lương thì... khó lắm. Thôi thì cố gắng làm tròn "nhiệm vụ", vai diễn ra đời được khán giả yêu thích là xem như mình được bù lại tất cả rồi. Kinh Quốc: Lương của diễn viên ngày nay nếu thẳng thắn thì vẫn chưa... đủ sống. Nếu tính thì phải tính ngay từ lúc nhận kịch bản, đem về đọc rồi nghiên cứu, sau khi đóng xong rồi chờ phim ra mắt là cả một quá trình làm việc gian khổ và... chờ đợi. Ngay cả các ngôi sao của ta vẫn chưa đủ sống bằng nghề chứ đừng nói đến những diễn viên phụ, cho nên hầu hết đều phải có thêm nghề... phụ, nhưng cái phụ đó là cái chính để nuôi dưỡng niềm đam mê. Từ lúc có các hãng phim tư nhân ra đời như Lasta, Hãng phim Việt, HK... anh em diễn viên được đầu tư thêm chút đỉnh tiền lương, thoạt xem thì cũng ổn. Nhưng về lâu dài thì chỉ mới ở mức trung bình khá thôi, còn nếu so với các nước bên ngoài thì buồn lắm, vì tất cả các ngôi sao của họ đều là triệu phú thứ thiệt. Diễn viên của mình rất nhiều người lâm vào tình trạng chưa đóng xong phim là tiền đã bị... âm trầm trọng, phải có "quỹ" riêng bù đắp trong quá trình làm phim thì mới mong nuôi dưỡng nổi đam mê. Lý Hùng: Đã có thời tôi được cát-xê 30 triệu đồng một phim, một ngày chạy sô đến hai ba phim trường là chuyện thường, mà khán giả vẫn đến rạp xem đông nghẹt. Bây giờ nhiều phim tôi tham gia, tiền lương không còn quan trọng nữa chỉ mang tính tượng trưng, cái chính là được tham gia, được hóa thân vào nhân vật của mình yêu thích. Phim Việt Nam của mình vốn đầu tư quá ít nên đa số diễn viên đều thông cảm và cũng chính vì ít tiền nên phim của ta khó mà có được những cảnh hoành tráng quy mô. Tôi từng được hợp tác với các hãng phim Hong Kong, Đài Loan, tiền đầu tư của họ rất cao, mức lương của diễn viên như: Mạc Thiếu Thông, Lê Tư cao gấp 10 lần diễn viên của ta. Cho nên mỗi lần ra hiện trường rất dễ thấy sự khác biệt đẳng cấp của một ngôi sao thực sự. |
(Theo Thế Giới Nghệ Sĩ)