Thứ sáu, 29/3/2024
Chủ nhật, 21/4/2019, 10:54 (GMT+7)

Xóm hơn nửa thế kỷ làm chổi đót ở Sài Gòn

Thu nhập không cao nhưng gần chục hộ dân trong con hẻm ở quận 6 vẫn làm chổi đót để giữ lấy nghề.

Xóm làm chổi đót trên đường Phạm Văn Chí (quận 6, TP HCM) được hình thành từ thập niện 60 thế kỷ trước, do những lưu dân từ Quảng Ngãi mang vào.

"Trước đây, hầu hết nhà trong hẻm đều làm chổi đót, còn giờ thì chưa đến 10 hộ theo nghề này, mà chủ yếu là người lớn tuổi làm thôi", ông Lê Hoài Hồng (63 tuổi) chia sẻ.

Nguyên liệu chính để làm chổi là cây đót, được lấy ở vùng núi các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi. Bông đót làm chổi phải cắt khi còn xanh và chưa nở hoa rồi phơi khô. Đót khi khô phải có màu sáng, mịn, dai để làm chổi cho bền và chắc.

Công việc này cần chỗ làm rộng rãi, các cơ sở thường thuê ít nhất 4 nhân công. Mỗi người làm một công đoạn như tước bông, quấn dây, bện chổi...

Trước tiên, thợ phải tước bông đót, bỏ phần gãy, chặt cuống và buộc lại thành từng bó nhỏ. Mỗi bó nhỏ chỉ chừa lại một bông có cuống dài để công đoạn sau làm cuống chổi.

"Khi tước bông phải cẩn thận vì nhiều đoạn khá bén có thể cứa vào tay chảy máu. Hơn nữa phải chịu được bụi bặm, ai mới làm thì ho cả ngày do hít phấn hoa rụng xuống", bà Cúc - có thâm niên 15 năm làm chổi nói.

Ông Trần Minh Cường (43 tuổi) đã gắn bó bới nghề hơn hai chục năm. "Các bó đót nhỏ sẽ gộp lại để quấn thành bó lớn, tạo cây chổi thô. Đây là công đoạn quan trọng nhất vì chỉ cần quấn không đều, thiếu chật thì chổi sẽ tời ra hết. Vậy nên người làm phần này cần kinh nghiệm và được trả công cao hơn", ông chia sẻ. 

Trung bình mỗi phút, người thợ có thể cuốn xong một cây chổi thô. Mỗi cây cần từ 12 đến 20 bó đót nhỏ.

Chổi được cuốn bằng dây kẽm, cước sau đó quấn thêm dây nylon màu cho chắc chắn. Dây cuốn chổi sẽ buộc một đầu cho dễ thao tác, mỗi cây cần ít nhất 2 m dây.

Ông Hồng dùng búa gỗ đập vào chổi để nén chặt các bó đót nhỏ cho đều lại với nhau. Ngày nào ông cũng từ xã Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh) lên đây làm chổi, được chủ trả từ 100.000 đến 150.000 đồng tùy số lượng làm được.

Công đoạn cuối, người thợ dùng dao chặt phần đầu, cán chổi cho gọn gàng.

Những cây chổi khi hoàn thiện có giá bán sỉ từ 25.000 đến 100.000 đồng tùy vào bông đót được bện nhiều hay ít. Trung bình, mỗi hộ dân trong hẻm làm được khoảng 100 cây một ngày.

"Chổi được bán khắp nước và xuất khẩu cả ra nước ngoài. Nghề này làm thủ công, lại rất bụi bặm mà thu nhập không cao nên mai một dần. Mỗi cây sau khi trừ hết chi phí cũng chỉ lời vài nghìn đồng, chủ yếu làm để giữ nghề thôi", ông Đức Anh (48 tuổi) chia sẻ.

Quỳnh Trần