Thứ năm, 18/4/2024
Thứ tư, 11/5/2016, 11:08 (GMT+7)

Vương quốc pơ mu di sản ở Quảng Nam

Tồn tại cả nghìn năm, cây pơ mu lớn nhất có đường kính tới 3 m, gốc tạo thành hình thù kỳ lạ. Quần thể cây quý hiếm này vừa được công nhận là cây di sản Việt Nam.

Tối 10/5, UBND huyện Tây Giang (Quảng Nam) tổ chức lễ công bố 725 cây pơ mu được công nhận cây di sản Việt Nam. Khu rừng quý này trải rộng trên xã A Xan và Tr'hy với tổng diện tích khoảng 450 ha, nằm cách khu dân cư nhiều tiếng đi bộ.

Khu rừng với hơn 1.200 cây pơ mu lớn, trong đó 725 cây có đường kính 1,5 m trở lên được công nhận cây di sản. Để đón nhận danh hiệu này, huyện Tây Giang đã đầu tư làm nhà, gắn bia di sản ở trung tâm rừng. Khu rừng cách tuyến đường từ trung tâm huyện lên biên giới chỉ 6 km nhưng theo người dân, do không có đường nên đi bộ vào rừng mất hơn 6 tiếng.

Sau khi được công nhận cây di sản, huyện Tây Giang đã đầu tư, làm những căn nhà truyền thống ở lõi rừng nhằm phát triển du lịch. Chính quyền địa phương hy vọng khi được công nhận cây di sản, khu rừng này sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt hơn. Khu rừng quý còn được biết đến với cái tên "Vương quốc pơ mu".

Những cây pơ mu di sản lần lượt được đánh số. Theo lãnh đạo huyện, nếu tham quan toàn bộ khu rừng sẽ phải đi bộ gần 2 ngày. Cây lớn nhất có đường kính 3 m. Sau khi khoan vào thân cây, các chuyên gia xác định quần thể pơ mu này có độ tuổi từ 300 đến gần 2.000 năm tuổi.

Trung bình những cây pơ mu cao khoảng 30 m, một số cây lớn cao đến 50 m, thẳng đứng. Do nằm tách biệt trong rừng sâu, "Vương quốc pơ mu" chỉ được người dân phát hiện vào năm 2010. Đây được xem là khu rừng nguyên sinh lớn và quý nhất Nam Trường Sơn.

Tồn tại cả nghìn năm, nhiều gốc cây pơ mu có hình thù kỳ lạ. Ông Lê Hoàng Linh, Phó chủ tịch huyện Tây Giang, cho hay nhiều cây pơ mu được đặt tên theo những hình thù đó. "Có cây gọi la pơ mu voi vì hình thù giống con voi. Rồi pơ mu rồng, sư tử... Đẹp lắm", ông Linh nói.

Bên trong một gốc cây pơ mu có hình thù kỳ lạ. Pơ mu là một chi trong họ hoàng đàn. Tại Việt Nam, pơ mu được coi là loại gỗ quý do mùi thơm đặc trưng, vân gỗ đẹp cũng như trọng lượng khác thường và có đặc tính không bị mối mọt phá hoại. Vì thế gỗ pơ mu được sử dụng để làm các đồ tạo tác mỹ thuật, các loại đồ gia dụng. Nó là loài nguy cấp tại Việt Nam và được đưa vào Sách đỏ Việt Nam năm 1996.

Cây pơ mu được đặt tên "pơ mu sư tử". Rừng cây không chỉ có giá trị về sinh thái mà còn có ý nghĩa tâm linh với đồng bào dân tộc thiểu số. Khoảng 3 năm nay, trước tình trạng lâm tặc liên tục đốn trộm, chính quyền phải lập các tổ bảo vệ rừng cây. Tổ bảo vệ gồm thanh niên, già làng có uy tín sống ở hai xã thay phiên nhau tuần tra, bảo vệ nghiêm ngặt “Vương quốc pơ mu".

Mỗi cây pơ mu với hàng chục khối gỗ. Theo người dân, nếu để lâm tặc đốn hạ, mỗi cây có giá hàng trăm triệu đồng, thậm chí tiền tỷ.

Ngoài "Vương quốc pơ mu", hai cây đa đoàn kết 700 tuổi ở thôn A Rầng (xã A Xan), cũng được công nhận cây di sản. Hai cây đa gắn liền với câu chuyện đoàn kết hai ngôi làng khỏi tục săn đầu người trong quá khứ.

Dịp này, huyện Tây Giang còn tổ chức đón bằng công nhận di sản cho Làng truyền thống Cơ Tu và điệu múa tân tung da dá.

Tiến Hùng