Thứ bảy, 20/4/2024
Thứ tư, 12/8/2015, 14:55 (GMT+7)

Tuyến phố đầu tiên của Hà Nội được lát đá mặt đường

Hà Nội đang lấy ý kiến việc lát đá lòng đường 11 tuyến phố cổ. Nhưng từ thực tế đoạn phố đã được lát đá Tạ Hiện, nhiều người dân lo ngại về sự an toàn và bất tiện khi lưu thông qua những con phố này.

Ban quản lý phố cổ Hà Nội cho biết, năm 2010, chào mừng đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, quận Hoàn Kiếm đã triển khai dự án thí điểm, cải tạo mặt đứng một đoạn phố Tạ Hiện. Công trình được bàn giao đưa vào sử dụng ngày 11/11/2011. Dự án được cải tạo có chiều dài 50m với việc bảo tồn kiến trúc mặt đứng các công trình trên mặt phố, cải tạo hệ thống thoát nước, mặt đường được lát lại bằng đá tự nhiên, có kích thước 10x10x10 cm. Cho đến nay, khu vực này là nơi tập trung đông nhất các nhà hàng thu hút du khách đến với khu phố cổ Hà Nội.

Bà cụ này đã sống ở phố Tạ Hiện hơn 50 năm cho biết: "Từ khi đường được lát đá xanh cũng thấy đẹp hơn, nhưng còn phải phụ thuộc vào ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh. Tuy nhiên, tai nạn do trơn trượt thì nhiều quá, cứ hơi mưa là có người bị ngã. Đi bộ còn ngã huống chi đi xe máy".

Bất an khi đi lại trên đoạn phố Tạ Hiện lúc trời mưa là tâm trạng chung của người dân sống trên phố này. Bà Hồng cũng là người sống ở đây lâu năm chia sẻ: "Đẹp thì có đẹp nhưng trơn quá. Tôi cũng sợ đi đường này khi trời mưa vì dễ ngã lắm"

Theo Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, việc lát đá lòng đường nhiều năm trước nhóm nghiên cứu thuộc Viện Quy hoạch và hội Kiến trúc sư Hà Nội đã làm, nghiên cứu ở phố ẩm thực Gia Ngư, giải pháp là lát gạch phẳng con ngõ đó. Quận Hoàn Kiếm lúc đó giao cho Sở Thương nghiệp làm phố ẩm thực và đã tính đến chuyện nếu phố Hàng Ngang, Hàng Đào được chuyển thành phố đi bộ thì sẽ phải tôn tạo mặt đường, khung cảnh…như thế nào.

Kiến trúc sư Ánh cho rằng, lát đá cũng chỉ là một giải pháp về chỉnh trang đô thị, quan trọng hơn, mục tiêu của nó là gì. Nếu các tuyến phố chỉ phục vụ cho việc đi bộ và kinh doanh thì các giải pháp về chất lượng đá, độ dày, kết cấu nền sẽ rất khác với việc vẫn sử dụng giao thông hỗn hợp như hiện nay.

Một điều dễ nhận thấy giữa mặt đường lát đá và đường bê tông nhựa là phố Tạ Hiện luôn bị ướt, bẩn hai bên lề, trong khi các tuyến phố lân cận thì không. Nhiều hộ dân sống trên phố cho biết, mặt đường lát đá thường không hấp thụ và tiêu nước thải từ hàng quán trên vỉa hè nhanh như mặt đường nhựa.

Đoạn lát đá lòng đường khoảng 50 m trên phố Tạ Hiện với mặt cắt ngang nhỏ, lưu lượng giao thông thấp, chủ yếu là xe máy và người đi bộ. Trong khi đó, nhiều tuyến phố đang được đề nghị lát đá lòng đường được vẫn được coi là trục giao thông chính của khu phố cổ như Hàng Ngang, Hàng Đào. 

Đoạn kết thúc lát đá nằm trên ngã ba phố Tạ Hiện và ngõ Đào Duy Từ. Sắp tới đoạn còn lại của phố Tạ Hiện đâm ra Hàng Buồm dự kiến sẽ được lát đá.

Theo đó, ngoài hệ thống hạ tầng, kỹ thuật và các ngôi nhà cũ được tu sửa, mặt đường phố Tạ Hiện đoạn từ ngã ba Tạ Hiện - ngõ Đào Duy Từ đến ngã tư Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến cũng được lát đá xanh tự nhiên. 

Hàng Đào cũng nằm trong những tuyến phố sẽ được lát đá xanh. Lãnh đạo Sở Giao thông Hà Nội cho biết, Sở đã nhận được văn bản của thành phố yêu cầu cho ý kiến về việc này. "Các tuyến phố cổ trong đó có Tạ Hiện đang sử dụng là đường giao thông, đề xuất này từ phía quận nên còn phải nghiên cứu, đánh giá nhiều", vị này nói.

Ban quản lý phố cổ cho hay, trong thời gian tới, quận Hoàn Kiếm tiếp tục tập trung nguồn lực và kêu gọi đầu tư cho bảo tồn khu phố cổ Hà Nội, thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn. 

Giang Huy - Võ Hải