Thứ bảy, 20/4/2024
Thứ ba, 30/10/2018, 10:56 (GMT+7)

Trồng ba kích dưới tán rừng cao su thu tiền tỷ

Đầu tư 250 triệu đồng mua giống ba kích tím trồng trên diện tích 7.000 m2, anh Nguyễn Duy Thạnh (Quảng Nam) thu gần hai tỷ đồng.

Anh Nguyễn Duy Thạnh, ở thành phố Tam Kỳ thu hoạch ba kích tím được trồng ở vùng núi xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn đưa về rửa sạch bán cho khách hàng.

Năm 2014, sau thời gian tìm hiểu anh Thạnh đầu tư 250 triệu đồng mua 8.000 cây giống ba kích tím từ Viện công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) trồng thử nghiệm dưới tán rừng cao su và khu vực đồi núi.

Trong 8.000 cây có hơn 7.000 cây sống, chúng phát triển leo lên cây cao su. Cây ba kích có dạng dây leo cuốn, thân hình trụ tròn, phân nhánh nhiều. Lá đơn nguyên, mọc đối chéo chữ thập, có cuống, phiến lá hình elip thuôn dài.

Sau 4 năm, anh Thạnh bắt đầu thu hoạch 400 cây trồng ở vùng đồi núi cạnh rừng cao su, thu khoảng 300 kg củ. Trọng lượng cây nhỏ nhất nặng 0,5 kg, cây lớn nhất 1,5 kg. “Loại cây này cắm vào lòng đất nơi sâu nhất 1,5 m, để lấy nguyên bộ rễ phải dùng máy múc đào bới”, anh Thạnh chia sẻ.

Một bụi ba kích được bới lên với bộ rễ dài gần 1 m.

Ba kích tím có tên khoa học Morinda officinalis How, tên dân dã khác là dây ruột gà. “Nếu trồng trong rừng cao su thì phải thu hoạch khi cây cao su lớn và không tiếp tục trồng, nếu không tán cây lớn sẽ hạn chế hiệu quả của cây leo”, anh Thạnh chia sẻ kinh nghiệm.

Mỗi bụi ba kích, rễ loại to lớn hơn ngón tay, loại nhỏ bằng chiếc đũa.

Ba kích thu về rửa sạch và được phân loại, loại lớn bán giá 500.000 đồng; loại nhỏ 250.000 đồng mỗi kg. “7.000 cây thu hoạch đạt khoảng  6 tấn, thu về 1,8 tỷ đồng và trừ chi phí còn lãi ròng khoảng 800 triệu đồng”, anh Thạnh nói và cho hay đã đưa ba kích đi xét nghiệm dược chất và kết quả cho thấy không thua trồng ở các địa phương khác.

Ba kích thường được khách mua về ngâm rượu, chế các bài thuốc đông y có tác dụng ấm thận, tráng dương, khỏe gân cốt, giảm đau nhức xương, khớp.

Đắc Thành