Thứ tư, 24/4/2024
Thứ năm, 19/1/2017, 10:13 (GMT+7)

Tranh gà đua sắc trong triển lãm Tết Đinh Dậu

Nối tiếp truyền thống in, vẽ tranh gà chơi Tết - thờ Tết của một số dòng tranh dân gian ở Việt Nam như Đông Hồ hay Kim Hoàng, nhóm họa sĩ G39 Hà Nội tổ chức triển lãm “Dậu Dome” với những tác phẩm phong phú về chất liệu và cách thức thể hiện.

Triển lãm “Dậu Dome” lấy hình tượng con gà là một trong 12 con giáp làm nguồn cảm hứng sáng tạo.

Đây là năm thứ 3 liên tiếp nhóm họa sĩ G39 cùng nhau thực hiện triển lãm về chủ đề con giáp để chào đón năm mới.

So với hai triển lãm trước vẽ con giáp Mùi, Thân, số lượng các tác phẩm triển lãm lần này nhiều và đa dạng hơn về chất liệu, cách thức thể hiện.

Các họa sĩ G39 mang tới triển lãm 60 tác phẩm để giới thiệu với công chúng yêu nghệ thuật.

Các tác phẩm tạo ra không gian đầy màu sắc. Biến hóa với những chú gà con có tranh của họa sĩ Tào Linh, Phạm Long Quận; tinh tế với từng đường nét có tranh vẽ gà trống choai của họa sĩ Lê Thiết Cương, họa sĩ Lê Phạn Hiền.

Mạnh mẽ, bứt phá có tạo hình gà chọi của họa sĩ Phạm Trần Quân, hạnh phúc sum vầy có gợi hình gà - phượng của họa sĩ Vũ Tuyên. Tươi sáng, thanh thản có tranh gà của họa sĩ Quốc Thái, Nguyễn Thanh Hải...

Theo các họa sĩ, triển lãm là cách nối dài hình ảnh gà trong đời sống thường ngày (vật nuôi, thú chơi, đồ cúng lễ) bằng đời sống nghệ thuật, là sáng tạo nối tiếp truyền thống in – vẽ tranh gà chơi Tết – thờ Tết mà một số dòng tranh dân gian ở Việt Nam như Đông Hồ hay Kim Hoàng tiến hành.

Hình tượng con gà vốn đã rất quen thuộc với người Việt Nam, xuất hiện trong triển lãm như những “khúc biến tấu” sinh động bằng các hình khối và sắc màu tinh tế, phá cách.

Ngoài tranh vẽ (bằng sơn dầu, sơn mài, acrylic, bột màu, mực tàu trên toan, giấy báo, giấy dó, lụa), tranh xé dán còn có các tác phẩm vẽ gốm là đĩa gốm, lọ gốm, tượng gốm được các họa sĩ thực hiện tại chỗ ở hai làng nghề gốm là Bát Tràng (gốm có men) và Hương Canh (gốm không men).

Triển lãm diễn ra đến hết ngày 23/1 tại số 1 Hàng Da, Hà Nội.

Giang Huy