Thứ ba, 19/3/2024
Thứ hai, 14/10/2019, 12:00 (GMT+7)

Tinh dầu sả Java, Mường La

Tinh dầu sả Java của huyện Mường La, tỉnh Sơn La là sản phẩm được sản xuất theo chương trình “Mỗi làng, xã một sản phẩm” (OCOP).

Hiện nay ở xã Pi Toonghuyện Mường La, tỉnh Sơn La có hợp tác xã trồng cây sả Java theo chương trình OCOP và tiến hành chiết xuất thành công tinh dầu sả Java nguyên chất.

Cách đây không lâu, chính quyền huyện Mường La đã khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích trồng ngô, sắn năng suất thấp sang trồng sả Java để lấy tinh dầu. Hướng đi này xuất phát từ nhu cầu của thị trường và điều kiện thổ nhưỡng của huyện Mường La thích hợp cho cây sả. 

Sả Java hay còn gọi là sả cỏ có vị đắng không ăn được, dùng làm nguyên liệu chiết suất tinh dầu và chủ yếu dùng trong công nghiệp dược phẩm hay dùng để sản xuất các sản phẩm làm đẹp.

Tinh dầu sả Java Mường La

Sản phẩm tinh dầu sả Java.

Nhiều người vẫn thường nhầm lẫn giữa sả java và sả chanh - loại cây thường thấy trong cuộc sống thương ngày. Trên thực tế, đây là hai loại cùng thuộc chi sả nhưng khác giống. Củ của cây sả chanh thường có màu xanh, lá hơi trắng ngà. Cây sả chanh được dùng làm gia vị xào nấu, ướp hàng ngày như một loại gia vị trong cuộc sống. Trong khi cây sả Java là cây có củ sả màu tía hay hơi tía, không dùng làm gia vị và thường dùng để lấy tinh dầu.

Cây sả sau khi trồng được 3-5 tháng có thể thu hoạch lần đầu. Sau đó, cứ 45 ngày thu hoạch một lần, thu hoạch từ 3-4 năm mới phải trồng lại. Trung bình mỗi ha thu được 3-3,5 tấn lá, tương đương với khoảng 8kg tinh dầu thành phẩm. Mỗi năm, cây sả có thể thu hoạch được 6 đợt. Sả được thu hoạch có thể để tươi hoặc phơi héo dùng làm nguyên liệu chiết xuất tinh dầu.

Hiện sản phẩm tinh dầu sả Java của Mường La đã cung cấp ra thị trường và có mặt tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Trồng sả và chiết xuất tinh dầu trở thành một trong những mô hình phát triển kinh tế, tăng thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương.

Chị Lò Thị Kim Thương, Giám đốc HTX Tinh dầu, dược liệu Mường La cho biết: "Hiện nay, mô hình trồng sả và chiết xuất tinh dầu Java đang tạo công ăn việc làm cho 5 công nhân và 15 thành viên HTX với mức thu nhập bình quân 6-7 triệu đồng mỗi người một tháng".

Anh Lò Văn Thành, bản Chò, xã Pi Toong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La chia sẻ: "Năm ngoái trồng ngô gia đình tôi chỉ thu được 7-8 triệu một năm. Từ khi chuyển sang trồng sả, bình quân mỗi năm chúng tôi thu được 10-12 triệu. Hơn nữa, trồng sả mang tính lâu dài hơn, vì 3, 4 năm mới phải trồng lại".

Tinh dầu sả Java Mường La - 1

Người dân Mường La thu gom sả chế trước khi chế biến.

Thời gian tới, việc mở rộng vùng trồng sả và hướng đến các sản phẩm từ cây sả đang là chủ trương của huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Từ cây sả, Mường La sẽ tiếp tục xây dựng những sản phẩm đặc trưng khác trở thành sản phẩm OCOP.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường La, tỉnh Sơn La cho biết: "Giai đoạn 2020 - 2025, huyện Mường La dự tính có ít nhất 2 - 3 sản phẩm mỗi năm để các nông hộ, nhóm hộ và HTX đăng ký theo hình thức đặc sản đối với địa phương". Ông Tâm cũng khẳng định, quan điểm của huyện đối với các sản phẩm OCOP phải là những sản phẩm mang đặc trưng của mỗi làng xã, mỗi địa phương.

Chương trình OCOP được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cách đây hơn một năm. Hiện đã có 42 tỉnh, thành phố phê duyệt đề án triển khai ở cấp tỉnh. Với 40 năm phát triển của phong trào mỗi làng, xã một sản phẩm, đến nay đã có 43 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đã và đang tích cực triển khai phong trào.

Tùng Lâm

Chia sẻ bài viết qua email