Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ ba, 22/10/2019, 16:00 (GMT+7)

Tiền Giang áp dụng yêu cầu mới với nông sản nhập khẩu vào EU

Cây ăn quả sẽ đảm bảo tuân thủ các quy định của châu Âu về kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm để xuất khẩu số lượng lớn.

Cục trưởng Cục bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang, ông Hoàng Trung, vừa chia sẻ các thông tin liên quan đến quy định mới về kiểm dịch thực vật của Ủy ban châu Âu (EU) tại địa bàn tỉnh.

- Ông đánh giá thế nào về quy định bắt buộc áp dụng yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với việc xuất khẩu nông sản của nước ta nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng?

- Ngày 1/9, Ủy ban châu Âu đã đưa ra quy định bắt buộc áp dụng yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với nhiều loại mặt hàng nông sản nhập khẩu. Cục bảo vệ thực vật cũng đưa ra văn bản số 2393/BVTV-KD gửi tới các Chi cục kiểm dịch thực vật trực thuộc yêu cầu thực hiện. 

Xoài Việt Nam xuất khẩu. Ảnh: Cục Trồng Trọt

Xoài Việt Nam xuất khẩu. Ảnh: Cục Trồng Trọt

Quy định mới của Ủy ban châu Âu (Commission Implementing Directive EU 2019/523) sửa đổi về kiểm dịch thực vật chặt chẽ hơn đối với các lô quả có múi và xoài tươi nhập khẩu từ các nước bên ngoài châu Âu. Trước đây, tại Quy định (EU) 2000/29/EC chỉ quy định kiểm soát ruồi đục quả đối với các lô hàng quả có múi với các biện pháp kiểm soát từ vườn trồng và xử lý kiểm dịch thực vật thích hợp.

Tuy nhiên, quy định (EU) 2019/523 đã có một số thay đổi và bổ sung thêm điều khoản về truy xuất nguồn gốc. Theo đó, các lô hàng quả có múi và quả xoài tươi xuất khẩu bắt buộc phải được sản xuất từ các vườn trồng được cơ quan kiểm dịch thực vật giám sát và chứng nhận đảm bảo không nhiễm ruồi đục quả hoặc đã thực hiện biện pháp xử lý hiệu quả ruồi đục quả.

Đồng thời, thông tin về vườn không nhiễm ruồi đục quả hoặc thông số về xử lý phải được ghi vào Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật để đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Vì vậy, người sản xuất và các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU các lô hàng nói trên của nước ta đều phải tuân thủ theo các quy định của (EU) 2019/523.

- Tỉnh Tiền Giang là nơi có nguồn nông sản lớn mỗi năm xuất khẩu sang các nước, đặc biệt là EU. Vậy ban lãnh đạo Cục bảo vệ thực vật có những kế hoạch triển khai như thế nào tới nông dân liên quan đến các quy định mới đưa ra?

- Tiền Giang là một trong những tỉnh có diện tích lớn trồng cây ăn quả đặc sản có lợi thế cạnh tranh trên thị trường như: vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng Ngũ Hiệp, thanh long Chợ Gạo. Sản lượng trái cây phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu đạt trên 1,5 triệu tấn.

Tiền Giang đang thực hiện nhiều giải pháp nâng hiệu quả kinh tế, chất lượng, đầu ra cho cây ăn quả chủ lực với việc quy hoạch vùng nguyên liệu, mở rộng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Cho tới nay, Tiền Giang đã xây dựng được vùng nguyên liệu xoài cát Hòa Lộc đạt tiêu chí VietGAP. Diện tích khoảng 100ha gắn mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ xoài tại Hợp tác xã Hòa Lộc (Cái Bè).

Ngoài ra, một số doanh nghiệp có thể tham gia tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả như: Hợp tác xã thanh long Mỹ Tịnh An (Chợ Gạo), Công ty Trách nhiệm hữu hạn Long Việt (Chợ Gạo), Công ty Trách nhiệm hữu hạn chế biến nông sản Cát Tường.... tham gia đóng gói, xử lý kiểm dịch sản phẩm xuất khẩu theo yêu cầu tới các nước nhập khẩu. Ngoài ra, còn có các doanh nghiệp xuất khẩu từ các tỉnh khác cũng tham gia xuất khẩu các lô quả quả có múi và xoài tươi như Goodlife,....

Cục Bảo vệ thực vật với tư cách là Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ và kiểm dịch thực vật đang tích cực hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xuất khẩu của Tiền Giang nói riêng và cả nước nói chung nắm bắt các quy định của (EU) 2019/523. Ngoài ra, Cục cũng hướng dẫn người sản xuất tại vườn trồng đã đăng ký mã số vườn trồng xuất khẩu và kiểm soát ruồi đục quả tại các vườn trồng, nhà máy đóng gói, xử lý kiểm dịch thực vật các lô hàng nông sản để đáp ứng được các quy định của EU.

- Quy trình kiểm dịch thực vật đối với mặt hàng trái cây có múi đã được triển khai và lên kế hoạch triển khai như thế nào?

- Về quy trình kiểm tra kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với các lô hàng xuất khẩu đều thực hiện theo quy định của Thông tư 33/2014/TT-BNNPTNT về "Quy định trình tự, thủ tục kiểm dịch thực vật nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh và sau nhập khẩu vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật" và Thông tư 44/2018/TT-BNNPTNT về việc "Kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc thực vật xuất khẩu".

- Lợi ích mà Tiền Giang nói riêng và Việt Nam nói chung đạt được khi hợp tác xuất khẩu nông sản đáp ứng theo quy định mới của EU là gì? 

- EU là một thị trường lớn với sự có mặt của 27 quốc gia (trừ Vương quốc Anh), các quy định của EU rất chặt chẽ nhưng minh bạch, rõ ràng. Hàng nông sản có nguồn gốc thực vật của Việt Nam nhập khẩu được vào châu Âu khi đáp ứng các tiêu chuẩn và tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như kiểm dịch thực vật châu Âu, giá trị hàng hóa sẽ được nâng lên và thu được nhiều ngoại tệ hơn so với các thị trường khác cùng chủng loại.

Điều này cũng có nghĩa là các vùng sản xuất và các doanh nghiệp xuất khẩu  mặt hàng nói trên có thêm nhiều cơ hội để có thể xuất sang các thị trường khác. Với quy định mới Directive (EU) 2019/523, các tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất nhập khẩu các lô hàng quả có múi và quả xoài sẽ có điều kiện rà soát lại và hoàn thiện quy trình liên kết tổ chức sản xuất tiêu thụ sản phẩm, trong đó tuân thủ quy trình thao tác chuẩn về kiểm dịch thực vật để kiểm soát ruồi đục quả hiệu quả đáp ứng yêu cầu của EU.

Tiền Giang với tiềm năng sản xuất cây ăn quả đặc sản, nếu đảm bảo về mẫu mã, chất lượng và tuân thủ các quy định của châu Âu về kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ có cơ hội xuất khẩu với số lượng lớn, đa dạng về chủng loại và không mất thời gian phân tích nguy cơ dịch hại. Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể đàm phán mở cửa thị trường như các thị trường khác, ngoài việc đáp ứng thị trường và thị hiếu của người dân châu Âu.

Thúy Hằng

Chia sẻ bài viết qua email