Thứ sáu, 19/4/2024
Thứ hai, 29/6/2015, 09:30 (GMT+7)

Tháng năm hoạt động của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh

Hơn 70 năm cống hiến đã hun đúc nên một con người luôn có tư tưởng lấy dân làm gốc, nói đi đôi với làm và luôn trăn trở với công cuộc đổi mới đất nước.

Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh (Nguyễn Văn Cúc, 1915-1998) quê ở Hưng Yên. Ông mồ côi cha mẹ từ bé, 14 tuổi theo chú ruột và bà nội về Hải Phòng sống, đi học tại trường Bonnal (nay là trường THPT Ngô Quyền) rồi tham gia hoạt động cách mạng. Ông từng bị bắt, tù đày ra Côn Đảo 2 lần. Sau năm 1945, ông được bầu vào Xứ ủy Nam Bộ, trải qua nhiều chức vụ, cùng chiến sĩ và nhân dân miền Nam gây dựng phong trào. Ông được đánh giá là người bắt nhịp, làm nên dấu ấn đậm nét trong suốt tiến trình của cách mạng miền Nam. Ảnh ông chụp tại căn cứ Trung ương Cục miền Nam.

Ông kết hôn với bà Ngô Thị Huệ (quê ở Ngã Bảy, Kiên Giang), người đồng đội cùng hoạt động ở Xứ ủy Nam Bộ. Hai người có 3 con, đặt tên là Nguyễn Thị Hòa, Nguyễn Thị Bình và Nguyễn Hùng Linh. Cuối năm 1959, ông tiễn vợ ra Bắc học tập và công tác. Lúc này, con trai út Nguyễn Hùng Linh mới 18 tháng tuổi. Để luôn nhớ đến con, ông lấy tên Linh làm bí danh hoạt động của mình từ đó.

Ảnh chụp ông trên đường đi công tác. Ông sống giản dị, tiết kiệm, hay nhắc đến những ngày gian khổ trong lao tù đế quốc và những năm tháng hoạt động ở Nam Bộ. Chính quãng thời gian lăn lộn trong kháng chiến cùng nhân dân đã hun đúc nên một con người luôn có tư tưởng lấy dân làm gốc. Sau này khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới, ông tâm niệm: "Trong những bước ngoặt của đời người, con thường trở về với mẹ tìm hơi ấm và sự tiếp sức của mẹ hiền. Trong những bước ngoặt của cuộc cách mạng, đặc biệt khi Đảng lãnh đạo trở thành Đảng cầm quyền và trong công cuộc đổi mới hiện nay, Đảng và nhân dân càng phải gắn bó hơn bao giờ hết. Nhân dân vững tin ở Đảng, Đảng thấy nguồn sức mạnh ở nhân dân, dựa vào nhân dân để tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, chắc chắn công cuộc đổi mới của chúng ta sẽ thắng lợi hoàn toàn".

Công tác đào tạo cán bộ được ông đặc biệt coi trọng. Cùng với Trung ương Cục miền Nam, ông thành lập trường lý luận trung cao cấp Nguyễn Ái Quốc miền Nam. Ông cho rằng, làm cán bộ thì phải luôn gương mẫu. "Xe lửa có đầu tàu, tàu chuyển động sẽ kéo các toa khác cùng chạy theo. Đầu tàu cứ kéo còi, xịt khói mà nằm im thì làm sao các toa nhúc nhích được?". Nói về quan liêu, tham nhũng, ông bảo "nhà dột từ nóc, không sửa mái nhà thì khi mưa, nước từ nóc đổ xuống, quét mãi cũng không hết được. Phải quét nước, nhưng đồng thời phải chống dột. Không chống dột ở nóc nhà mà cứ quét mãi thì quét đến chừng nào mới xong?". Sau này khi đã trở thành Tổng bí thư, ông vẫn giữ nếp sống giản dị và kiên quyết làm gương về chống quan liêu, xa dân, từ bỏ đặc quyền, đặc lợi. Ông đề nghị các ủy viên Trung ương vào họp ở miền Nam bằng xe lửa, không đi chuyên cơ, bỏ tiền trạm và đội bảo vệ khi đi ra nước ngoài. Ông quan niệm, người bảo vệ tốt nhất là nhân dân. "Hiếm có Tổng bí thư nào bay vào TP HCM mà từ sân bay về thì dùng xe máy bảo vệ. Anh bảo như vậy là tốt nhất, đỡ tốn cho dân và xe máy thì cơ động hơn", GS Lê Xuân Tùng, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội từng làm trợ lý cho ông một thời gian kể lại.

Hơn nửa cuộc đời gắn bó với cách mạng miền Nam, với Đảng bộ, nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP HCM, ông từng 8 lần là người đứng đầu thành phố, để lại dấu ấn quan trọng khi đưa thành phố này đi tiên phong, thí điểm cho công cuộc đổi mới đất nước sau này. Thời kỳ ông làm Bí thư Thành ủy, những nhân tố mới về kinh tế bắt đầu manh nha. Ông tiến hành nhiều cuộc nghiên cứu, khảo sát và đỡ đầu cho những tìm tòi, sáng kiến của doanh nghiệp mạnh dạn vượt ra khỏi cách suy nghĩ, làm ăn kiểu cũ. Trong ảnh, ông đi thăm Xí nghiệp liên hợp máy công cụ ngày 20/1/1984.

Hình ảnh ông Nguyễn Văn Linh đọc diễn văn khai mạc Đại hội VI (12/1986). Tại Đại hội này, ông trở thành Tổng bí thư và bắt đầu kiến thiết đường lối đổi mới cho đất nước. Trước lúc Đại hội diễn ra, khi đang làm Bí thư Thành ủy TP HCM, ông từng viết thư gửi cho Tổng bí thư Trường Chinh đề xuất những vấn đề phải đổi mới trong quản lý kinh tế, phải giải phóng sức sản xuất trong nông nghiệp và công nghiệp. Đối với nông nghiệp, phải tìm phương thức thúc đẩy năng suất của hợp tác xã bằng năng suất trên đất 5% của nông dân. Phải cởi trói cho doanh nghiệp bằng cách thực hiện kế hoạch theo một tỷ lệ thích đáng và phần còn lại phải được sản xuất theo mệnh lệnh của thị trường. Ông luôn nhấn mạnh: "Đảng phải nhìn thẳng vào sự thật, phải thấy thiếu sót chủ quan của chúng ta là nghiêm trọng và kéo dài, phải có tinh thần dũng cảm tự phê phán mạnh mẽ và triệt để để đổi mới. Không những thế, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng trì trệ kéo dài với những tai họa thật sự - những tai họa không phải do bản chất chế độ chúng ta gây ra mà là do khuyết điểm của chúng ta gây ra. Vậy nên, để không mắc tiếp sai lầm, cần phải đổi mới tư duy và phong cách".

Là người coi trọng thực tiễn, ông nhận thấy nguyên nhân cản trở quá trình đổi mới bắt nguồn từ nhận thức giáo điều, xơ cứng, nạn tham nhũng, tiêu cực tồn tại nhiều. Ông đã công khai trước công chúng Những việc cần làm ngay với hàng loạt bài đăng trên báo Nhân dân. Một trong Những việc cần làm ngay nêu rõ thực trạng giáo dục. "Hiện nay, trong ngành giáo dục đang có hàng vạn đơn xin thôi việc. Lý do là cuộc sống nhà giáo quá chật vật, đồng lương ít ỏi… Điều kiện học tập của con em chúng ta ở nhiều nơi rất tồi tệ. Trường lớp chật chội, dột nát, bàn ghế xiêu vẹo. Thiếu bảng, thiếu phấn, thiếu giấy, thiếu mực. Năm, sáu học sinh cùng dùng chung một bộ sách giáo khoa. Trong khi đó, nhiều cơ quan sẵn sàng tung ra bạc triệu xây trụ sở, hội trường, nhập xe hơi sang cho cán bộ lãnh đạo. Nhiều cuộc liên hoan, hội họp phí tốn hàng chục vạn đồng. Những tập thể nắm trong tay các ngành nghề lắm phúc lợi, có thu nhập vượt nhiều lần công sức lao động thực tế, mỗi tháng, mỗi kỳ khen thưởng chia chác cho nhau số tiền hơn cả năm làm việc của người thầy giáo. Thực trạng này là một biểu hiện không lành mạnh của xã hội, đòi hỏi chúng ta phải lên tiếng…". 

Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh trao đổi với các cố vấn Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ. Trước ngày khai mạc Đại hội VII (6/1991), ông có thư gửi Hội nghị Trung ương Đảng và nói rõ: "Tôi làm cách mạng từ năm 15 tuổi, nay tôi đã 76 tuổi rồi, sức khỏe yếu, huyết áp dao động lớn, tôi xin rút. Nếu Đại hội quyết định thành lập hội đồng cố vấn, nếu được tín nhiệm thì tôi xin nhận, nhưng phải nói rõ hội đồng cố vấn sinh hoạt ra sao. Nếu lại thành Bộ Chính trị cũ chồng chéo lên Bộ Chính trị mới thì tôi sẽ xin không tham gia".

Hình ảnh ông chụp cùng con gái đầu Nguyễn Thị Hòa và các cháu ngoại. "Nghỉ bớt việc nước, ông thư thái ngồi đánh cờ với cháu trai, tập bơi cho cháu gái, nhẹ nhàng nâng một cành hoa lan vừa nở, ung dung đi vài đường dưỡng sinh buổi sáng", con gái Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh kể.

 

Chị Nguyễn Thị Bình, con gái ông kể, những năm tháng khó khăn, dù cha mẹ đều có tiêu chuẩn nhưng đồng lương ít ỏi vẫn khiến gia đình khó khăn. Nhà có mảnh vườn rộng, ông chặn lại để các con nuôi thêm gà vịt, nuôi heo, trồng thêm rau trái. Mỗi khi đọc báo nói về cách chăn nuôi mới, ông lại để riêng ra cho các con tham khảo. "Cha tôi mong con cái học tập cho nên người và cũng muốn con cái biết lao động như mọi người. Khi chúng tôi học xong, ông để chúng tôi tự đi tìm việc, chỉ khuyên nên làm gì cho đúng khả năng của mình", chị kể về cha – cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh.

Bà Ngô Thị Huệ, vợ ông thường nhớ năm 1997, bệnh cũ của ông tái phát, sức khỏe giảm sút rồi cơ thể cứ héo mòn dần. Bệnh tích tụ từ những trận đòn tra tấn của ngục tù, những năm dài nằm trong rừng rậm ở chiến khu. Sau ngày ông mất năm 1998, ngày ngày bà Huệ vẫn vào phòng ông làm một việc gì đó, khi thì lau lại cái bàn, lúc sắp xếp lại chồng sách báo, khi thì kéo tấm trải giường cho thẳng, mọi thứ đều là kỷ vật, đều gợi nhớ đến hồi ức về cuộc đời của người chồng quá cố thân yêu.

Hoàng Phương
Ảnh: Thư viện quốc gia