Thứ năm, 28/3/2024
Chủ nhật, 7/2/2016, 12:06 (GMT+7)

Tất bật chợ quê sáng cuối năm

Sáng 29 tết, tại các chợ quê vùng nông thôn trên cả nước, hoạt động mua bán vẫn diễn ra tấp nập, người dân tranh thủ đi mua những vật dụng, thực phẩm còn thiếu để tối về đón giao thừa.

Tại Quảng Trị, hơn 6h sáng, dòng người vẫn tấp nập đổ về chợ phiên Cam Lộ (huyện Cam Lộ) để mua sắm. Có truyền thống lịch sử hơn 400 năm, chợ nằm sát bên sông Hiếu, mỗi tháng họp 5 phiên, là nơi trao đổi, buôn bán sản vật của người địa phương.
 

Trong sáng cuối năm, chợ phiên Cam Lộ bày bán chủ yếu mặt hàng nông sản do bà con tự sản xuất như hoa quả, chuối, cau, gà... Quầy bán gà thu hút nhiều người ghé hỏi mua nhất. Giá gà từ 70-150 nghìn đồng/kg.
 

Cau được bán với giá 3-5 nghìn đồng/quả. Ngoài mua cau về cúng  giao thừa, cúng đầu năm, nhiều người lớn tuổi còn mua cau để ăn trong những ngày Tết. 
 

Mặt hàng được mua bán nhiều nhất tại chợ phiên Cam Lộ là hoa cúc. Chị Lê Thị Ý cho biết mua hoa cúc, cành sung cùng với mâm ngũ quả về đặt bàn thờ để cầu mong năm mới làm ăn thuận lợi, mọi việc sung túc.

Tại Hà Tĩnh, tờ mờ sáng, người dân đổ về về chợ Cầu Nghiêng (xóm 8, xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ) để mua bán. Chợ Cầu Nghiêng là một chợ quê truyền thống, có lịch sử vài chục năm nay. Chợ không có đình, các gian hàng được chống bằng những cây tre và che tạm những tấm bạt để tránh mưa nắng.

Sáng 29 Tết, ai cũng tất bật, mua bán rất vội vàng. "Sáng nay tôi phải tranh thủ ra chợ mua một ít rau còn thiếu, sau đó về cùng chồng ra ăn tết ở nhà ngoại", chị Hạnh, trú xã Trung Lễ cho biết.

Tại chợ Cầu Nghiêng, giò chả là mặt hàng được người dân ưa chuộng. 

Mấy ngày trước, thời tiết mưa rét, các cụ già ít đi mua sắm. Sáng nay trời hửng nắng, gió phất phơ, nhiều cụ già đã tranh thủ ra mua ít vật dụng về để sum vầy cùng con cháu trong đêm giao thừa.
"Năm nay con cháu tôi về hết, vui lắm. Thịt cá thì đã lo cơ bản hết rồi, tôi tranh thủ ra chợ xem không khí ngày tết, mua ít cau trầu, rau thơm", một cụ bà nói.

Dù là ngày cuối năm, nhưng nhiều bà mẹ vẫn tất bật tranh thủ bán cho hết các mặt hàng. Một số em nhỏ cũng được mẹ bồng ra chợ để mua bán và cùng đi sắm tết.

Tại Lạng Sơn, chợ Đồng Mỏ (huyện Chi Lăng) bày nhiều mặt hàng, trong đó chủ yếu là rau mùi. Người vùng cao quan niệm cuối năm mua rau mùi để con người được sạch sẽ, đón một cái tết thơm tho.
 

Thịt lợn kèm với lạp xưởng là một món ăn đặc sản luôn được người dân Lạng Sơn ưa chuộng. 

Nhiều em nhỏ vùng cao cũng hối hả ra chợ giúp bố mẹ mua một ít rau củ quả còn thiếu về ăn tết. "Sang năm mới, em muốn được nhiều quà lì xì, hứa sẽ học giỏi để bố mẹ được vui", em nhỏ tên Thủy nói.

Nhóm phóng viên