Thứ bảy, 20/4/2024
Thứ hai, 30/3/2020, 02:30 (GMT+7)

Săn vẹm xanh dưới đáy sông Yên

Thanh HóaLựa lúc nước sông Yên trong nhất, thợ ngậm ống dưỡng khí, lặn sâu 6-10 m để cạy những con vẹm xanh bám vào vách đá, chân cọc.

Đoạn sông Yên chảy qua xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương, thường có nhiều vẹm. Mỗi chuyến đi gồm 2-3 người, làm việc trên chiếc bè mảng kết bằng tre, từ 11h đến 16h mỗi ngày. Bè nổ máy chạy khắp vụng nước sâu, nơi có nhiều bãi đá để khai thác vẹm, ngao hoặc hàu…

Thợ lặn thường ngâm mình nhiều giờ dưới nước nên phải mặc áo lặn chuyên dụng giúp giữ ấm cơ thể. Ngoài ra, mỗi người phải đeo một băng chì giúp người chìm sâu dưới nước.

Kính lặn là đồ nghề không thể thiếu với thợ lặn. Kính phải kín nhằm ngăn nước vào mắt và giúp thợ nhìn rõ các vật dưới đáy sông.

Mỗi cuộn dây dẫn khí dài hàng trăm mét đủ để người thợ bơi khắp đáy sông rộng mà không sợ thiếu oxy.

Trước khi công việc bắt đầu, thợ lặn phải khởi động, hít thở sâu và thả lỏng người, giúp cơ thể dễ thích nghi khi xuống nước.

“Vẹm xanh sống ở độ sâu 6-10 m, thường bám vào các vách đá, chân cọc ở đáy sông. Mùa khai thác vẹm bắt đầu từ tháng 3 đến 8 âm lịch. Vẹm xanh có màu sắc nổi bật nên dễ thấy”, thợ lặn Phạm Văn Công (30 tuổi) chia sẻ.


 

Vừa vận hành máy nén khi, ông Phạm Văn Hà vừa giải thích phải quan sát mặt nước, bọt khí của thợ lặn bên dưới để điều chỉnh công suất máy nén cho phù hợp, đảm bảo an toàn khí thở cho thợ. Người vận hành máy cũng phải hiểu máy móc để xử lý các sự cố.

Mỗi lần lặn thường kéo dài khoảng 40 phút hoặc khi nào bao đựng đầy vẹm thì thợ sẽ ngoi lên mặt nước.

Chuyến lặn này, anh Công bắt được khoảng 20 kg đủ loại ngao, hàu, vẹm xanh… Những người ở trên sau đó rửa sạch bùn đất mới kéo lên bè.

Anh Công chia sẻ, bình quân mỗi chuyến đi lặn bắt vẹm xanh nhóm anh thường được 100-150 kg. Họ tranh thủ phân loại ngay ở ngoài sông trước khi đem bán. 

Công việc của thợ lặn vẹm không cố định thời gian, làm sớm hay muộn còn phụ thuộc vào con nước. “Chọn thời điểm nước trong nhất, chúng tôi sẽ ra khơi, nước đục thì chịu không làm được vì không nhìn thấy gì”, thợ lặn Phạm Văn Tuấn nói.

Năm nay do Covid-19, giá thu mua vẹm chỉ còn 20.000 đồng/kg, giảm một nửa so với năm ngoái. Trừ hết chi phí, mỗi thợ lặn kiếm được 200-300 nghìn mỗi chuyến lặn.

Vẹm xanh được đánh bắt nhiều ở dọc các cửa sông miền Trung. Vẹm có thể chế biến được nhiều món ngon như nướng mỡ hành, hấp, sốt tỏi ớt…

Đông Đông - Lê Hoàng