Thứ sáu, 19/4/2024
Thứ ba, 5/2/2019, 00:51 (GMT+7)

Phong tục truyền thống lưu giữ trong lễ đón tết ở một gia đình

Chuẩn bị xong nồi bánh chưng, anh Huấn lau đồ thờ cúng bằng đồng, ra mộ mời người thân đã khuất "về ăn Tết".

Tối 29 tháng Chạp (4/2), gia đình anh Nguyễn Bá Huấn, 43 tuổi, ở xã Đông Phương Yên (Chương Mỹ, Hà Nội) gói bánh chưng với 12 kg gạo nếp. Vừa làm, anh vừa hướng dẫn các em nhỏ cách gói bánh.

Cả gia đình cử người luân phiên trông nồi bánh chưng. "Để bánh chín ngon phải đun 10-12 tiếng, đồng thời thay nước liên tục. Năm nào nhà tôi cũng gói bánh để giữ gìn nét đẹp truyền thống này", anh Huấn nói.

Sáng 30 tháng Chạp, anh Huấn và các thành viên trong gia đình lau dọn nhà cửa. Đồ thờ cúng được lau kỹ càng bằng nước sôi pha với gừng.

Đào và quất là hai cây cảnh được gia chủ lựa chọn để trang trí trong nhà.

Cây được chưng đèn nháy, lồng đèn và những tấm thiệp...

Trước giao thừa, anh Huấn đi tảo mộ mời những người đã khuất trong gia đình về "ăn Tết" - phong tục truyền thống ở nhiều vùng quê ở miền Bắc.

Người miền Bắc có tục "đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi". Anh Huấn rắc vôi bột quanh nhà, cây trái trong vườn để khử trùng và "tẩy bỏ những điều không may mắn trong năm cũ".

Gà để cúng trong đêm giao thừa phải là gà trống, được buộc dây tạo hình trước khi luộc.

Lễ cúng trời đất được thực hiện ở ngoài trời trong thời khắc chuyển giao năm mới.

Anh sau đó cúng gia tiên ở trong nhà. "Tôi cầu chúc cả gia đình sức khỏe, làm ăn phát đạt hơn nhiều năm cũ", anh Huấn chia sẻ.

Gia đình quây quần đón trong thời khắc đầu tiên của năm mới. Anh mừng tuổi người lớn tuổi trong gia đình.

Gia Chính