Thứ năm, 18/4/2024
Thứ tư, 22/3/2017, 10:14 (GMT+7)

Phó chủ tịch Thừa Thiên Huế tế đàn Xã Tắc giữa đêm khuya

Lễ tế Xã Tắc, nghi lễ cầu cho quốc thái dân an, mùa màng bội thu của vương triều Nguyễn xưa được tái hiện dưới sự chủ tế của Phó chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế.

Phó chủ tịch Thừa Thiên Huế tế đàn Xã Tắc
 
 

 

3h ngày 22/3 (tức 25/2 âm lịch), nghi lễ tế đàn Xã Tắc được chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế cử hành. Những năm trước đây, lễ tế được Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế tái hiện, có người đóng vai vua làm chủ tế, có đoàn quan quân, đội nhã nhạc rước từ hoàng cung đến đàn. Nhưng năm nay, chủ tế là ông Nguyễn Dung, Phó chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bộ khăn đóng, áo dài màu vàng, ông Nguyễn Dung, Phó chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế cùng với các quan chức, dòng dõi Nguyễn Phúc tiến hành nghi lễ tế đàn Xã Tắc.

Đàn Xã Tắc được xây vào tháng 4/1806 dưới thời vua Gia Long để tế cúng thần đất (xã) và thần ngũ cốc (tắc). Lúc xây đàn, triều đình nhà Nguyễn huy động tất cả dinh trấn cả nước cống nạp đất sạch để đắp.

Triều đình nhà Nguyễn xưa tế lễ mỗi năm hai lần, vào mùa xuân và mùa thu, và lễ tế đàn Xã Tắc được xếp vào hàng "đại tự", cách ba năm (vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu) đích thân nhà vua đến làm lễ.

Ông Nguyễn Dung, thực hiện nghi thức lễ hiến tước (dâng rượu).

Cúng lễ là tam sanh gồm trâu, dê và lợn, được bố trí ở bàn thượng, ngay chính giữa đàn Xã Tắc.
 

Cũng giống nghi lễ tế đàn Xã Tắc xưa kia, lễ tế ngày nay có đội nhã nhạc cung đình tấu các ca khúc dùng trong đại lễ.

Các nghi thức tế đàn Xã Tắc của triều Nguyễn xưa như quán tẩy (rửa tay tẩy trần), lễ thượng hương (dâng hương), lễ nghinh trần (rước thần đến dự), lễ điện ngọc bạch (dâng ngọc trắng), lễ truyền chúc (đọc chúc văn), lễ hiến tước (dâng rượu), lễ phú tộ (hưởng lộc), lễ triệt soạn (hạ cỗ), lễ tống thần (đưa tiễn thần) và lễ tư chúc bạch soạn (đốt chúc văn, ngọc lụa, bài vị) được thực hiện một cách bài bản và tôn nghiêm. Những người tham gia lễ tế đều ăn mặc áo dài khăn đóng.

Sau gần một giờ các nghi thức tế đàn tiến hành xong, vàng mã, chúc văn, ngọc lụa được mang đi đốt.

Sau lễ tế, nhiều người dân sống trong kinh thành Huế đã đến dâng hương tại đàn để cầu may mắn.

Võ Thạnh