Thứ tư, 24/4/2024
Thứ tư, 22/2/2017, 10:56 (GMT+7)

Ôtô, xe máy xả khói khiến môi trường Hà Nội 'báo động đỏ'

Nguồn xả thải của ôtô, xe máy được cho là nguyên nhân chính khiến chất lượng không khí Thủ đô ở mức "báo động đỏ", có ngày trong năm mức ô nhiễm cao nhất thế giới.

Phát biểu tại cuộc làm việc của Phó thủ tướng Trịnh Định Dũng với Hà Nội sáng 17/2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố xác định vấn đề ô nhiễm ở mức “báo động đỏ”.

Theo các chuyên gia, không khí ở Hà Nội ở mức rất đáng báo động, chỉ số AQI (thể hiện chất lượng không khí và tác động đến sức khỏe) và nồng độ bụi PM 2.5 (bụi có đường kính động học ≤2,5µm) vượt tiêu chuẩn quốc gia và thế giới.

Ông Nguyễn Đức Chung nói, Hà Nội xác định nguyên nhân ô nhiễm không khí phần lớn từ nguồn xả thải của ôtô, xe máy.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, việc xây dựng tại các công trường không có che chắn cũng phát tán lượng lớn bụi vào không khí; nhiều khu dân cư vẫn tồn tại hoạt động đun nấu sử dụng than tổ ong gây ô nhiễm cục bộ.

Theo số liệu của Trạm đo lường chất lượng không khí (AQIVN), trong năm 2016 có ít nhất 15 ngày mức độ ô nhiễm không khí tại Hà Nội lên đến mức “vô cùng nguy hiểm” với chỉ số PM2.5 trên 300μg/m3. Ngày 5/10/2016 mức độ ô nhiễm không khí tại Hà Nội cao nhất thế giới. 

"Giai đoạn 2011 - 2015, bệnh hô hấp ngày càng phổ biến với tỷ lệ người mắc bệnh gia tăng. Ô nhiễm không khí ở thành phố có những ảnh hưởng rất lớn đối với đường hô hấp. Các tác nhân gây bệnh đáng kể là khói bụi do khí thải từ các loại xe và bụi mịn trong không khí. Bệnh do ô nhiễm không khí không chỉ tác động trực tiếp đến người lao động, mà còn tác động đến cộng đồng dân cư sinh sống quanh khu vực sản xuất", báo cáo môi trường quốc gia của Bộ Tài nguyên nêu.

Hiện Hà Nội có khoảng 2,5 triệu xe máy đang lưu thông dù đã hết hạn sử dụng trước năm 2000. Đây là một trong những nguyên nhân làm gia tăng ô nhiễm do xe cũ thường không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải.

Phố Đê La Thành (Hà Nội) là nơi tập trung nhiều xe máy không biển số, xe cũ được cải tiến để chở sắt thép... 

Chính quyền Hà Nội đang cố gắng thông qua đề án hạn chế phương tiện cá nhân vào kỳ họp HĐND tháng 6/2017, một trong các nội dung của đề án là đưa ra biện pháp thu hồi ôtô, xe máy đã quá đát.

Trong quá trình hoạt động, các phương tiện giao thông thải lượng lớn các chất như: Bụi, CO, NOx, SOx, hơi xăng dầu, bụi chì, benzen… vào môi trường không khí.

Theo chuyên gia môi trường, giáo sư Hoàng Xuân Cơ, ô nhiễm không khí thường diễn biến nghiêm trọng hơn trong điều kiện thời tiết gió yếu, khả năng khuếch tán kém.

“Hà Nội không nằm ở ven biển mà đợi một cơn gió thổi hết mọi thứ ra khơi để có không khí sạch. Thành phố ở trong nội địa do vậy bắt buộc phải xử lý môi trường tại chỗ tốt”, Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải nói.

"Tôi thường sử dụng phần mềm trên điện thoại để theo dõi chỉ số PM2.5-chỉ số về chất lượng không khí, kích thước và mật độ những hạt trôi nổi trong không khí.. Mức PM2.5 dưới 100 μg/m3 là ô nhiễm trung bình, nếu cao hơn được khuyến cáo là không tốt". Anh Trung ở Duy Tân cho biết.

Trạm quan trắc môi trường không khí tại địa chỉ số 556 đường Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên đang hoạt động ổn định. Việc quan trắc không khí được thực hiện tự động, liên tục nhằm cảnh báo kịp thời các vấn đề về ô nhiễm ở khu vực phía đông Hà Nội.

Hà Nội đã đầu tư 10 trạm quan trắc không khí, bao gồm 2 trạm cố định quan trắc tự động liên tục (phục vụ việc cung cấp thông tin cho người dân về chất lượng không khí xung quanh) và 8 trạm cảm biến đo một số chỉ tiêu chất lượng không khí tại các điểm trên địa bàn (phục vụ công tác theo dõi, quản lý và mô hình hóa chất lượng không khí xung quanh). Từ các trạm này sẽ có toàn bộ thông số về không khí chung của thành phố cũng như từng tuyến đường, khu vực ô nhiễm nặng và xác định nguyên nhân để xử lý.

Ngọc Thành-Phạm Hương