Thứ sáu, 19/4/2024
Chủ nhật, 6/10/2019, 08:43 (GMT+7)

Nông dân miền Tây thu hoạch củ ấu

Đồng ThápVào mùa nước nổi, ông Lương Văn Trân thuê nhiều người lội ruộng hái củ ấu, thu hoạch gần 500 ký mỗi ngày.

Mỗi ngày, những nhân công trong ruộng ấu của ông Lương Văn Trân (xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò) đều lội xuống đầm nước hái củ ấu.

Các huyện Lấp Vò, Cao Lãnh, Tam Nông... trồng ấu từ nhiều năm nay, trở thành đặc sản của tỉnh Đồng Tháp.

Củ ấu còn gọi là ấu trụi, ấu nước là cây thủy sinh thường mọc ở vùng nước đọng, có phần hái để làm thức ăn. Phần này là "quả" ấu nhưng vì phát triển dưới nước đến khi già thì rụng và vùi xuống bùn nên thường được là "củ".

Ở Đồng Tháp, nông dân chủ yếu trồng ấu sừng trâu. Loại này có hình dạng xù xì, đen đúa giống như cặp sừng trâu.

Cây ấu trồng bằng củ trong khoảng 3 tháng sẽ thu hoạch. Mỗi cây có 5 - 7 củ, hái được ba lần sẽ lên giống mới để đảm bảo năng suất. 

Công việc đơn giản nhưng người hái củ ấu cần phải đi theo một hàng thẳng. Điều này nhằm đảm bảo củ không bị bỏ sót và dễ lên giống mới.

Củ khi thu hoạch phải già, có màu đậm, to bằng hai ngón tay. Một ngày, mỗi người có thể hái gần 100 kg.

Ấu được rửa sơ và đóng vào bao tải ngay tại đầm nước. "Bình thường tôi làm công nhân nhưng vào chính vụ ấu thì lội nước hái. Nhà nào cũng cần vài người hái, ngày làm từ 6 đến 13h, được chủ trả 120 nghìn đồng", bà Mai (40 tuổi) cho biết.

Ấu được thương lái mua ngay tại ruộng với giá từ 5.000 đến 7.000 đồng một ký. Vào chính vụ, mỗi ngày ông Trân (trái) hái được 300 - 500 kg ấu. "Trừ hết chi phí thì mỗi năm tôi cũng kiếm được gần 50 triệu đồng", ông Trân cho biết.

Gần 30 năm gắn bó với nghề này, ông Trân đang có 10.000 m2 mặt nước để trồng ấu. "Trước kia cây ấu thường vào vụ trong 4 tháng cuối năm nhưng giờ thì thu hoạch suốt. Dù vậy, củ ấu đạt năng suất, tươi ngon nhất vẫn là vào thời gian nước nổi, tháng 7 đến tháng 10", ông Trân nói.

Trong củ ấu có nhiều tinh bột, luộc chín ăn có vị bùi, thường ăn trực tiếp hoặc nấu lẩu, chè, hầm xương, làm thuốc...

Quỳnh Trần