Thứ sáu, 29/3/2024
Chủ nhật, 15/9/2019, 14:01 (GMT+7)

Nông dân đảo Lý Sơn thu hoạch hành tím

Quảng NgãiNhững bó hành tím được người dân cắt tỉa, phân loại và phơi khô rồi chuyển vào đất liền bằng tàu cao tốc để tiêu thụ.

Những ngày đầu tháng 9, nông dân trên đảo Lý Sơn tất bật vào vụ thu hoạch hành tím - đặc sản nổi tiếng nơi đây.

Thoăn thoắt hai bàn tay nhổ hành, bà Bùi Thị Phước (63 tuổi, ở xã An Hải) cho biết, mùa trồng hành trên đảo bắt đầu từ tháng 2 tới tháng 8 âm lịch, rồi tới mùa tỏi. "Mỗi vụ hành kéo dài 50 ngày. Một năm, chúng tôi trồng 4 vụ. Trồng hành cực hơn lúa vì công chăm nhiều nhưng bù lại có ăn", bà Phước nói.

Vụ này gia đình bà Phước trồng một sào (tương đương 500 m2), thu được 400 - 600 kg hành củ. Với giá hành hiện tại là 50.000 đồng một kg, tăng gấp đôi so với năm ngoái, trừ chi phí chăm sóc, gia đình bà cũng lãi trên 10 triệu đồng.

"Lớn tuổi rồi, trời nóng lắm, cộng thêm mùi hành làm cay mắt nên tôi phải đeo khẩu trang, đội nón kín mới làm được", bà Nguyễn Hoa (60 tuổi) nói, khuôn mặt đẫm mồ hôi.

Những củ hành tím được nông dân giũ sạch đất cát và buộc lại thành từng bó, phơi khô trước khi vận chuyển về nhà.

Ông Võ Nối (xã An Hải) chất những bó hành lên xe kéo. "Do thổ nhưỡng trên đảo là trầm tích núi lửa, cát san hô và đất đỏ bazan nên củ hành có vị thơm ngọt đặc biệt. Nó có màu tím đặc trưng, củ bé nhưng chắc và thơm, không hăng hay cay và có thể ăn sống", ông Nối cho biết.

Chiều muộn, vợ chồng ông Trần Thịnh tới tận ruộng của ông Phạm Duy Khương (xã An Hải) để hỏi mua hành. "Tôi nghe danh tiếng hành tỏi Lý Sơn đã lâu rồi, nên chuyến này tham quan đảo, vợ chồng tôi phải trực tiếp tới ruộng mua mới an tâm", du khách đến từ Hà Nội nói.

Những phụ nữ cùng cắt tỉa, phân loại hành tím tại một đại lý thu mua ở xã An Vĩnh để kịp vận chuyển vào đất liền tiêu thụ trong ngày.

Những củ hành tím được cắt sạch lá để có thể bảo quản lâu dài, tránh bị hư hỏng.

Theo người dân địa phương, hành tím không chỉ là thực phẩm quen thuộc trong các bữa ăn, mà còn như một vị thuốc giúp cải thiện các vấn đề về tiêu hóa như ăn mất ngon, khó tiêu, rối loạn dạ dày...

"Mỗi thúng hành (nặng 15 kg), chúng tôi được trả 10.000 đồng. Một ngày, tôi cắt được hơn chục thúng, nên thu nhập cũng đủ ăn", bà Hồng, người cắt hành thuê ở xã An Vĩnh, cho biết.

Anh Lê Hoài Ân bên chiếc xe chở bốn bao hành, đứng chờ tàu cao tốc cập cảng. "Mỗi bao hành tím này nặng đến 40 kg. Tất cả sẽ được các tiểu thương phân phối đến TP HCM, Huế và Đà Nẵng", anh Ân nói.

Những bao hành tím được người nông dân đóng gói, đưa lên tàu cao tốc để chở vào đất liền.

Ông Đặng Tấn Thành, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng nông thôn huyện Lý Sơn, cho biết năm nay diện tích và năng suất hành trên đảo đều giảm nhưng giá tăng cao so với năm ngoái. 9 tháng đầu năm nay, tổng diện tích trồng hành tại huyện là 594 ha (năm 2018 là 616 ha), sản lượng đạt 5.100 tấn (năm 2018 đạt 6.400 tấn), giá hành đang dao động 35.000 - 50.000 đồng một kg, cao gấp đôi so với năm ngoái.

Thành Nguyễn