Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ tư, 9/10/2019, 20:00 (GMT+7)

Nông dân Bình Phước làm giàu nhờ vú sữa Đài Loan

Với 1.200 cây, trung bình, gia đình anhh Nguyễn Viết Vị thu nhập gần trăm triệu đồng mỗi tháng. 

Trước đây, anh Nguyễn Viết Vị, 41 tuổi, xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước là một trong những người trồng hồ tiêu đạt hiệu quả kinh tế cao. Nhưng, không lâu thì lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần do hồ tiêu bị dịch bệnh, mất giá.

Sau thất bại, anh chuyển hướng sang trồng, chăm sóc cây ăn trái. Hiện, anh sở hữu trang trại với nhiều giống cây ăn trái giá trị kinh tế cao. Trong đó có vú sữa Đài Loan là giống cây mới. Năm 2008, trong chuyến thăm quan, học tập kinh nghiệm tại Đài Loan, anh Vị có cơ hội tiếp xúc với loại cây này.

Vú sứa ban đầu có vỏ màu xanh, khi chín vỏ màu vàng giống quả thị, ăn có vị ngọt thanh. Đặc biệt, vỏ căng mỏng, không có mủ như vú sữa Việt, cùi trong mềm, hạt nhỏ bằng chỉ nhỏ bằng đầu ngón tay.

Qua tìm hiểu, nhận thấy giống vú sữa có thể phát triển tốt ở Việt Nam nên anh đã mang 50 cây giống về trồng thử. 3 năm sau, cây đã đơm hoa, kết trái. 

Tiêu đề ĐƯA GIỐNG VÚ SỮA HOÀNG KIM VỀ NƠI VÙNG BIÊN BÌNH PHƯỚC (Sống xanh - Con đường nông sản)

Trái vú sữa Hoàng Kim khi chín có màu vàng và da căng mọng.

Anh Vị cho biết: "Khi thấy nó đậu trái tôi rất mừng, nhưng cũng rất lo. Trái khi chín liệu có ngọt không, bị mủ không, mùi vị thế nào..."

Một buổi sáng, khi đang tư vấn cách trồng cây ăn quả cho một hộ dân trong vùng, anh nhận cuộc điện thoại của người chăm sóc vườn báo là có trái vú sữa chín. Lúc về tới, tận tay anh hái xuống. "Ai cũng hồi hộp để xem trái vú sữa có màu vàng lạ đời này như thế nào. Tôi là người thử đầu tiên, mùi vị không hề thua kém với lúc mình ăn ở Đài Loan. Rồi đến lượt mọi người nếm thử, ai cũng khen nức nở", anh Vị nhớ lại.

Chuyện khu vườn nhà anh Vị có giống vú sữa lạ, ăn ngon nhanh chóng đồn xa. Nhiều thương lái tìm đến tận vườn để mua. Dù giá 120.000 đồng một cân, đắt gấp nhiều lần so với vú sữa thông thường nhưng không đủ bán.

Từ 50 cây giống ban đầu, đến nay anh Vị đã trồng gần 1.200 cây, tương đương với diện tích khoảng 3 ha. Theo anh, đây là giống cây kháng sâu bệnh tốt. 

Tiêu đề ĐƯA GIỐNG VÚ SỮA HOÀNG KIM VỀ NƠI VÙNG BIÊN BÌNH PHƯỚC (Sống xanh - Con đường nông sản) - 2

Anh Vị dùng chế phẩm sinh học để hút và đuổi côn trùng trên các tán cây.

Đối với vú sữa thông thường, tỷ lệ sâu bệnh tương đối cao, không ra trái quanh năm như loại vú sữa này. Để đảm bảo trái đẹp mắt, gia đình anh chủ động áp dụng quy trình kỹ thuật chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGap. Bên cạnh hệ thống tưới tự động, bón phân sinh học, anh dùng túi ni long để bọc trái, sử dụng chế phẩm sinh học đuổi côn trùng thay vì phun thuốc trừ sâu.

Với diện tích hơn 3ha hiện có, trung bình mỗi tháng anh thu hoạch khoảng một tấn quả, phân phối tại các cửa hàng trái cây, siêu thị trong và ngoài tỉnh. Sau khi trừ chi phí, ước tính, gia đình thu nhập gần trăm triệu đồng mỗi tháng.

Hiện nay, anh Nguyễn Viết Vị cùng hợp tác xã trên địa bàn phối hợp nhân giống khoảng 20.000 cây để đáp ứng nhu cầu cây giống, chuyển đổi cây trồng của người dân trong vùng. Theo đó, giống ươm bằng bầu bán với giá 100.000 mỗi cây, giống ghép 120.000 đồng mỗi cây. 

Tiêu đề ĐƯA GIỐNG VÚ SỮA HOÀNG KIM VỀ NƠI VÙNG BIÊN BÌNH PHƯỚC (Sống xanh - Con đường nông sản) - 3

Ngoài giống ươm trong bầu, giống ghép được anh ghép từ những cây trồng nhiều năm. 

Bên cạnh việc bán nợ cây giống cho người dân đến khi thu hoạch,  anh và hợp tác xã còn hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, thu mua bao tiêu sản phẩm để ổn định đầu ra cho người trồng.

Bà Lê Thị Hương Trà, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp cho hay: "Vì hồ tiêu bị bệnh, rớt giá kỷ lục nên gia đình tôi đang chuyển đổi hơn 2 ha sang cây ăn trái. Cùng với 100 gốc bưởi da xanh, đợt này gia đình tôi sẽ trồng thử nghiệm thêm 50 cây vú sữa mua ở trang trại anh Vị".

Tuy nhiên, để phát triển đại trà giống vú sữa này, ông Đoàn Mạnh Quang, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Bù Đốp cho rằng: "Dù vườn vú sữa nhà anh Vị đang phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, vì đây là giống mới nên ngành nông nghiệp cần phải giám sát tính ổn định, hiệu quả trong một thời gian nữa mới có thể đưa ra lời khuyên cho bà con". 

Hiếu Trung

Chia sẻ bài viết qua email