Kinh doanh
Thứ sáu, 4/10/2019, 00:00 (GMT+7)

Những người sống cùng bóng đêm

Hà NộiKhi các gia đình tắt đèn đi ngủ, Kimoto và Quốc Huy mới bắt đầu rời nhà chuẩn bị vào ca làm việc.

0h30, một cặp đôi bước ra từ cửa hàng tiện lợi trên phố Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm. Bên cạnh, ba thanh niên ngồi ăn kem, sữa chua trước một tiệm vàng đã đóng cửa. Hàng Bông là một trong những tuyến phố buôn bán sầm uất nhất thủ đô. Nhưng sau nửa đêm, các hộ kinh doanh đều đóng cửa theo quy định của thành phố. Chỉ còn ba cửa hàng tiện lợi và một số khách sạn mở cửa 24/24.

Cách cửa hàng tiện lợi hơn 200 mét, Quốc Huy - lễ tân khách sạn đang ngồi đợi để làm check in cho khách. Ôtô của khách sạn đang đi đón 2 vị khách Philippines ở sân bay Nội Bài. Huy sẽ kiểm tra phòng và đợi làm thủ tục cho họ vào khoảng 3h sáng. Tháng 10 là mùa cao điểm du lịch của Hà Nội. Những vị khách xuống máy bay và check in lúc 2, 3h sáng thường xuyên hơn. 

"Khách sạn mà đóng cửa ban đêm khác gì đuổi khách", thanh niên 24 tuổi cười nói. Cùng ca với Huy có 3 nhân viên đều là người trẻ tuổi. Người giám sát an ninh, người ngồi nghe nhạc, người tranh thủ chợp mắt trên chiếc ghế dài mặc nguyên cả bộ đồng phục lễ tân.

1h sáng, Masayoshi Kimoto, 32 tuổi, vẫn đang pha chế đồ uống cho khách. Anh là quản lý, pha chế, kiêm đầu bếp nhà hàng dành cho người Nhật trên phố Kim Mã. Nhà hàng gồm tổ hợp dịch vụ giải trí phong cách Nhật, như: massage, tắm tập thể, có phòng đọc truyện tranh riêng, quầy bar, phòng hát karaoke, và những phòng nhỏ chỉ kê vừa một chiếc giường đơn nếu khách có nhu cầu ngủ một giấc. Kimoto cho biết mô hình "cái gì cũng có" này rất phát triển ở Nhật, nhưng lần đầu tiên có ở Hà Nội. Mô hình phù hợp với nhiều người độc thân, có nhu cầu sống về đêm. Song quy định cấm kinh doanh sau 24h của thành phố sẽ là một trở ngại.

Kimoto sang Việt Nam đã hơn 3 năm. Công việc của anh bắt đầu vào 10h và thường kết thúc lúc 2h sáng, khi vị khách cuối cùng rời đi. Quán có 7 nhân viên người Nhật làm việc full time và một số nhân viên người Việt làm thêm, chủ yếu là các bạn trẻ muốn rèn luyện tiếng Nhật. "Ước mơ của tôi là làm cho lương nhân viên của mình giống như mức lương ở Nhật Bản", Kimoto nói.

3h, nhân viên chuyển phát nhanh chuyển từng bọc báo lên chiếc xe tải đậu ở cổng sau một nhà in trên phố Trần Quang Khải. Sau khi nhận đủ bưu kiện, những chiếc sẽ xe lăn bánh xuôi về Hà Nam, hoặc ngược lên Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Hà Giang.

Sáu năm gắn bó với chiếc xe, Tuấn đã quen nhịp sinh hoạt này. "Chúng tôi chuyển bất cứ hàng gì công ty giao phó, dù là khung giờ nào". Nghề chuyển phát nhanh không cho anh lựa chọn giờ giấc làm việc. Sau 24 tiếng làm việc cùng chiếc xe bưu phẩm, Tuấn được nghỉ 1 ngày để lấy lại sức cho chuyến đi vào 3h sáng hôm sau.

Nguyễn Thái Phượng, 29 tuổi (đang nhấc valy) tiếp viên một hãng hàng không cùng đồng nghiệp chuẩn bị lên sân bay Nội Bài từ 3h sáng. Chuyến bay Hà Nội - Đà Lạt cất cánh lúc 7h. Phượng phải dậy lúc 2h để trang điểm, tham gia cuộc họp, nhận thông tin về lịch trình bay trong ngày, kiểm tra lại kiến thức về an toàn, an ninh, y tế…

Hơn nửa thời gian làm việc trong tháng của Phượng là bay đêm. Cô thường phải giữ tỉnh táo bằng cà phê. "Bay quốc tế, nhiều khách nước ngoài thường có biểu hiện y tế vì lệch múi giờ nên tiếp viên sẽ kiểm tra thường xuyên hơn. 15 phút kiểm tra cabin một lần và 30 phút thì kiểm tra toilet", nữ tiếp viên có bốn năm kinh nghiệm cho hay.

Sau mỗi chuyến, Phượng được nghỉ 45 phút trước khi bay chuyến tiếp theo. Làm ca đêm khiến nhiều thói quen sinh hoạt của cô bị đảo lộn. Khi mọi người đi tập thể dục thì cô trên đường về nhà hoặc đi làm. Lúc cả nhà đi làm thì cô mới đi ngủ. 

Phố Đại Cồ Việt lúc 2h, anh Đức, 43 tuổi (phải), công nhân xây dựng và đồng nghiệp đang phủ đất, trả lại mặt đường như nguyên trạng. Họ được gọi là công nhân "hoàn trả", thường đào đường, chôn lấp ống, kéo dây điện, phủ đất… Như nhiều ngành nghề liên quan trực tiếp đến hạ tầng giao thông, nhóm "hoàn trả" làm việc khi đường vắng nhất.
Công việc của anh bắt đầu lúc 23h30, thời điểm mà vợ con đang say ngủ trong căn nhà ở Văn Điển. 5h sáng hết ca làm, người công nhân thời vụ sẽ về nhà ăn sáng, không nghỉ ngơi, lao đi đào đường, trộn vữa, hoặc trải nhựa đường thuê ở một con phố nào khác.

Hà, 35 tuổi là công nhân môi trường phụ trách dọn vệ sinh 4 tuyến phố Thái Phiên, Mai Hắc Đế, Bà Triệu, Lê Đại Hành của quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Chiếc áo xanh với những vệt phản quang cùng cây chổi trên tay, Hà đẩy xe cút kít đi đánh kẻng, gom rác từ 17h chiều. Nửa đêm, khi xe tải gom rác chạy qua, Hà theo sau, quét rác còn vãi trên đường, đổ vào thùng chứa công cộng.

Những công nhân môi trường như Hà coi việc làm đêm là tất nhiên. Chỉ khi đó, "người dân mới không bị phiền". Kết thúc công việc lúc 3h sáng, Hà trở về căn nhà nhỏ trên phố Lĩnh Nam, cách đó 8 km. Khi chưa đến ca, Hà tranh thủ làm thêm ở xưởng may, công việc giúp Hà có thêm hơn một triệu đồng trang trải cuộc sống.

Nguyễn Văn Biên, 30 tuổi, tài xế một hãng taxi vừa trả khách trên phố Kim Mã. Ca làm của anh bắt đầu từ 18h hôm trước đến 6h sáng hôm sau. Biên thích làm ca đêm vì đường phố thông thoáng, đi nhanh, đỡ tốn xăng. Sau 0h đến sáng, Biên thường đón được hơn chục "cuốc", chủ yếu là khách từ trên phố về nhà. Lúc đói, Biên lót dạ bằng đồ ăn trong cửa hàng tiện lợi mở cửa 24/7.

Nguyễn Bá Sự (đứng), công nhân kỹ thuật kiểm tra móc tời để nâng các thanh dầm, thi công đoạn cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, lúc 1h sáng. Tổ thi công làm việc xuyên đêm, khi lượng người tham gia giao thông ở mức thấp nhất.

"Anh em làm xong mới về ăn uống, khi đó trời đã sáng. Về đến nhà đã thấy nhiều người đi tập thể dục", anh Sự nói. Công việc đặc thù nên họ đã quen với nhịp sinh hoạt khác thường.

Ngọc Thành - Phương Lam