Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ ba, 10/5/2016, 10:28 (GMT+7)

Nhiều cổ vật bị lãng quên trong ngôi miếu 600 tuổi

Miếu Trà, xã Cổ Am (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) được xây dựng từ thế kỷ 14, lưu giữ nhiều cổ vật quý nhưng nay gần như bị lãng quên, đang xuống cấp nghiêm trọng.

Theo nhà sử học Ngô Đăng Lợi, Cổ Am là vùng đất khoa bảng nổi tiếng thời kỳ phong kiến cùng với đất Hành Thiện (Xuân Trường, Nam Định). Chính vì thế từ xa xưa người đời mới có câu ca: “Đông Cổ Am, Nam Hành Thiện”. Gắn liền với nơi thực hành tôn giáo tín ngưỡng của vùng đất khoa bảng này là miếu Trà. Miếu được xây dựng từ thế kỷ 14, là nơi thờ tự nhiều người có công trạng với đất nước, với nhân dân như: Đức vương Ngô Quyền; Tể tướng Tô Hiến Thành, nhân vật nổi tiếng dưới thời vua Lý Anh Tông; danh tướng Phạm Trấn. Ngoài ra nơi đây còn thờ Khổng Tử; Tống Thái Hậu, mẹ của vua Tống Đế Bích.

Nói về nguồn gốc thờ Tống Thái Hậu, ông Lợi giải thích, Tống Thái Hậu tên thật là Dương Thị Hương, mẹ của ấu vua Tống Đế Bích. Năm 1279, quân Nguyên Mông tấn công Nam Tống, Tể tướng Lục Tú Phu buộc phải đưa Đế Bích, Tống Thái Hậu cùng đoàn tùy tùng tháo chạy về phía Nam. Khi đến cửa biển Cảo Nhai (Trung Quốc), gần Việt Nam thì cùng đường, cả đoàn nhảy xuống biển tự vẫn. Sau nhiều ngày, thi thể Tống Thái Hậu trôi về cửa Cờn Hải (Nghệ An, Việt Nam ngày nay) và được người dân vớt lên, chôn cất, lập miếu thờ; riêng búi tóc của bà bị tuột khỏi da dầu và bị sóng đánh dạt vào cửa biển Ngải Am (nay là khu vực xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng). Thấy vậy, người dân Cổ Am đã vớt tóc lên mang chôn; đồng thời lập bát nhang thờ vọng bà tại miếu Trà của làng cùng với các nhân vật kiệt xuất nước Nam.

Trải qua hơn 600 năm, miếu Trà vẫn giữ được gần như nguyên vẹn giá trị về văn hóa, lịch sử, kiến trúc cùng nhiều cổ vật có giá trị. Năm 1999, miếu được Bộ Văn hóa cấp bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Hiện trên cổng tam quan còn giữ được 4 chữ "Chính - Khí- Hạo - Nhiên" (có nghĩa vùng đất này là nơi hội tụ khí thiêng của trời đất, sinh ra người tài). Các nhà nghiên cứu lịch sử khẳng định cả nước hiện có 2 nơi thờ tự có khắc 4 chữ như vậy. Một là trên cổng dẫn lên đền thờ các vua Hùng tại Phú Thọ; hai là tại miếu Trà.

2 dãy nhà dải vũ phía trước miếu được dựng bằng gỗ lim và cột đỡ mái đều là đá xanh nguyên khối. Ông Hoàng Đình Tíu, người được chính quyền xã và nhân dân Cổ Am giao trọng trách trông coi, hương hỏa tại miếu cho biết, ngày xưa ngôi miếu này là nơi hội họp của dân làng tại 2 nhà dải vũ và trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Thanh niên ưu tú của làng, của xã đều được tập trung tại miếu, làm lễ trước khi xung trận.

Hình tượng rồng, phượng được điêu khắc bằng gỗ trang trí tại miếu rất đẹp. Theo ông Tíu, nó là tiêu bản cổ nên gần đây một số kẻ xấu đã đột nhập tháo trộm phần đầu, chân của tác phẩm điêu khắc rồng, phượng tại cửa chính về làm mẫu.

Các tác phẩm đắp vẽ bằng vôi vữa cũng rất tinh xảo, mềm mại, song vẫn thể hiện được sự dũng mãnh của các con vật trong tứ linh.

Bên trong 3 gian miếu đều được dựng bằng gỗ lim, thiết kế theo kiểu chồng diêm.

Tại 3 gian thờ hiện còn lưu giữ rất nhiều hiện vật cổ như: bàn thờ, đồ thờ, hoàng phi, câu đối, bức đại tự. Trong đó nhiều hiện vật được mạ bằng vàng ròng.

Tại ban thờ tể tướng Tô Hiến Thành, mũ, hài và 2 thanh bảo kiếm của ông được thếp vàng, đặt tại vị trí trang trọng.

Phía hậu cung là tượng cổ tạc chân dung Ngô Vương Quyền, vị anh hùng dân tộc, người đã có công đánh tan quân Nam Hán xâm lược trên sông Bạch Đằng năm 938. Bên cạnh ngai thờ ông là các binh khí được người dân lưu lại qua hàng trăm năm.

Phía trước cửa miếu là đôi voi bằng đá và tượng ngũ hổ. Tất cả đều trong tư thế phục.

Năm 2013, công trình được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia này được nhà nước đầu tư 300 triệu đồng để trùng tu, sửa chữa phần mái bị hư hỏng. Hiện tường xây do được xây dựng từ rất sớm bằng cát và vôi nên nhiều điểm bắt đầu nứt, bong ra từng mảng. 

Giang Chinh