Thứ năm, 25/4/2024
Thứ sáu, 22/9/2017, 00:00 (GMT+7)

Nhà xưởng hoang phế ở Hãng phim truyện Việt Nam

Trụ sở rộng 5.500 m2 nằm bên Hồ Tây chỉ có một phòng mở cửa, những thước phim và đạo cụ nằm lăn lóc trên nền nhà tróc lở.

Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) có bề dày truyền thống gần 60 năm, sản xuất gần 400 bộ phim điện ảnh có giá trị nghệ thuật.

Năm 2015, sau nhiều năm làm ăn thua lỗ, VFS nhận chủ trương cổ phần hóa. Trước khi chuyển thành công ty cổ phần, toàn bộ tài sản của VFS được định giá gần 20 tỷ đồng. Trong đó, giá trị thương hiệu và hàng nghìn mét vuông đất ở vị trí đắc địa mà đơn vị này đang quản lý, đều được định giá bằng 0 đồng do là đất thuê, đất giao của nhà nước và do thua lỗ lâu năm.

Khu đất số 4 Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội) mà VFS thuê có diện tích gần 5.500 m2, được xem là đất vàng. Công ty đang sử dụng làm trụ sở, một phần cho thuê lại; khoảng sân rộng hàng trăm mét vuông làm nơi đỗ xe ôtô.

Tháng 4 năm ngoái, sau quá trình đấu giá VFS, 3,25 triệu cổ phần (65% vốn điều lệ) của Hãng được bán cho Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) với giá 32,5 tỷ đồng.

Dãy nhà xưởng thu thanh và dựng phim đang xuống cấp. Dãy nhà cấp bốn này, bên trong ẩm mốc như nhà bỏ hoang với mùi xác động vật chết.

Phòng thu thanh với những mảng tường bong tróc. Thời gian qua nhiều nghệ sĩ điện ảnh cùng ký vào bản đề nghị dừng việc cổ phần hoá với VFS.

Hệ thống dây âm thanh ngầm nằm ngổn ngang trong bức tường ẩm mục.

Đồ vật vứt ngổn ngang, trần nhà đổ sập trong phòng chứa đạo cụ.

Nhiều cuốn phim đã quay bị vứt trên nền phòng đầy đất cát, phế liệu.

 

Dãy nhà cấp bốn tựa lưng ra phía đường Thuỵ Khuê chỉ còn duy nhất Ban Ánh sáng còn làm việc; các phòng khác đều khoá cửa. 

Bậc thang lên dãy nhà chính nơi có phòng thu âm phủ lớp rêu xanh, cỏ cây mọc cao.

Chiếc xe của đoàn làm phim đã nằm im trong thời gian dài.

Nhiều quán ăn mọc lên bên trong khuôn viên trụ sở số 4 Thuỵ Khuê.

Tại cuộc họp về cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam chiều 21/9, nhấn mạnh sự công khai, minh bạch, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo thanh tra lại toàn bộ quá trình cổ phần hoá VFS.

Ngọc Thành