Thứ năm, 25/4/2024
Thứ ba, 26/11/2019, 09:01 (GMT+7)

Ngụp lặn đãi trùn chỉ dưới kênh đen

TP HCMÔng Đặng Văn Cầu, 50 tuổi, ở huyện Nhà Bè, ngụp lặn dưới sông và kênh rạch đen ngòm để mò trùn chỉ suốt 30 năm qua.

Thi thoảng vào khoảng từ 6h tới 16h, những người dân ở ven rạch Gò Công (quận 9, TP HCM) lại nhìn thấy chiếc chậu nhựa nổi lềnh bềnh giữa dòng nước đen ngòm, xung quanh sủi bọt tăm trắng xóa.

Cái chậu ấy là vật bất ly thân của ông Đặng Văn Cầu, dùng để đựng trùn chỉ hơn 30 năm nay.

Ông Cầu là một trong số hàng chục người lặn ngụp trên những nhánh sông, kênh rạch ở TP HCM và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương. Công việc này có thể mang lại cho ông khoảng 6 triệu đồng mỗi tháng bằng việc bán trùn chỉ làm thức ăn cho các đại lý cá kiểng và cá giống trong thành phố.

Dụng cụ "bảo hộ lao động" duy nhất của ông Cầu là chiếc mũ được vợ mua tặng vào năm ngoái. Chiếc mũ vải dùng để che nắng mưa và để tóc không dính vào mắt, khi ông trồi lên để thở.

Ông Cầu không thể đếm được đã có bao nhiêu chiếc mũ bị hư hỏng hoặc mất suốt những năm hành nghề. 

"Nghề này cực, nhưng bù lại nó thoải mái, hôm nào mệt thì nghỉ, giờ giấc tự do", ông Cầu nói, vừa thở hổn hển sau gần một phút lặn xuống đáy kênh đen.

Ông cho biết, điều đáng sợ nhất của nghề không phải là dòng nước ô nhiễm mà là dao, mã tấu, thủy tinh và xác chết.

Cùng với thau nhựa, chiếc vợt lưới là đồ nghề mà ông Cầu dùng để xúc và đãi trùn chỉ dưới nước.

"Cào lớp bùn trên mặt, khi nào thấy nặng tay thì kéo lên sàng. Sàng cho bùn trôi đi bớt, rồi cho trùn vào thau", ông nói.

Những lớp trùn chỉ được ông Cầu thu gom bằng lon nhựa. Mỗi lon trùn bán được 17.000 đồng.

Theo ông, trước đây người cào trùn có thể kiếm một ngày khoảng 50 lon, nhưng vài năm nay, số lượng chỉ bằng phân nửa do nước sông và kênh rạch ngày một ô nhiễm. "Làm nghề này cũng hên xui, nghề bà cậu mà, ngày có khi kiếm 2-3 triệu đồng, nhưng có ngày cũng lỗ tiền dầu", ông nói.

"Nghề cào trùn chỉ là nghề đổ máu ăn tiền. Nhiều lần chân tay tôi bị đứt do kim tiêm, thủy tinh người dân vứt xuống sông", ông Cầu nói, vừa rửa sạch bàn chân chai sần, đầy vết sẹo để chuẩn bị bữa trưa.

Ông Cầu cùng đồng nghiệp tranh thủ ăn trưa dưới dạ cầu một con sông ở tỉnh Bình Dương.

Căn nhà nhỏ của gia đình ông Cầu dựng tạm trên phần đất của một dự án bất động sản ở đường Lê Văn Lương, huyện Nhà Bè.

Hơn 22h, ông kéo lại tấm bạt bị hở cho căn nhà. "Lúc trước, vợ chồng tôi cũng có nhà cửa đàng hoàng ở gần đây nhưng từ ngày vợ bệnh, phải bán nhà để chữa trị. Giờ ở tạm trên khu đất này, cũng chưa biết được ở tới khi nào", ông cho biết.

Vợ chồng ông Cầu có hai người con, con trai làm phụ hồ ở quận Thủ Đức, con gái đã lập gia đình và đang làm ở Bình Dương. Hàng ngày, hai vợ chồng chăm hai cháu ngoại trong căn nhà tạm.

"Tôi thì bị bệnh phổi và bệnh khớp, suốt 10 năm nay đi lại không được, chứ ngày trước, ngày nào hai vợ chồng cũng đãi trùn. Giờ ổng phải làm để nuôi gia đình, công việc vất vả nhưng ổng không ngại, mà thương vợ, thương con và cháu lắm", bà Lê Thị Vân (41 tuổi), vợ ông Cầu nói.

Những lúc rảnh rỗi, ông Cầu tranh thủ vá lại tấm lưới cho chiếc vợt cào trùn.

"Nghề này, cứ canh con nước lên xuống mà đi nên thời gian không cố định, có khi đi 1-2h sáng, có lúc 4-5h chiều. Để có trùn bán mỗi ngày, tôi cứ đi khắp các con sông, rạch trong thành phố và các tỉnh", ông Cầu nói, vừa điều khiển chiếc ghe máy trên sông Sài Gòn, thẳng hướng đi Đồng Nai.

Hữu Khoa