Thứ năm, 28/3/2024
Thứ bảy, 28/1/2017, 00:00 (GMT+7)

Người Mường ăn Tết

Người Mường ăn Tết bắt đầu từ ngày 27 tháng chạp tới mùng 3 tháng Giêng theo lịch người Kinh.

Lịch Mường xưa tính theo tuần trăng, khác một chút với người Kinh, cụ thể là tính “ngày lui, tháng tới” (ngày âm lịch là 15 trăng tròn, lịch Mường tính lui lại một hôm vào 14). Tết bắt đầu vào cuối tháng Chạp của năm cũ và kéo dài tới đầu tháng Giêng của năm mới.

Nửa cuối tháng chạp, nhiều gia đình bắt đầu chặt nứa hay cây giang về để tước, chẻ lạt gói bánh chưng, làm cặp nướng thịt...

Ngày 27 tháng Chạp ở vùng Lạc Sơn còn gọi là ngày tha lả - rửa lá. Chị em mang toàn bộ bát đũa, xoong, nồi, lá dong... ra sông, suối rửa sạch sẽ. Ngày 28 tháng chạp nhiều nhà bắt đầu gói bánh chưng và bánh uôi (loại bánh khá giống bánh tét miền Nam).

Các loại bánh truyền thống sau khi luộc sẽ được vớt ra, để ráo nước và dùng cúng gia tiên.

Người đàn ông lớn tuổi trong gia đình làm nhiệm vụ bày mâm cỗ cúng. Thông thường, bàn thờ tổ tiên được đặt 3 mâm: Mâm ngoài cùng thờ bố mẹ, mâm thứ hai thờ ông bà, mâm thứ ba (trong cùng) thờ cụ kỵ.

30 Tết theo âm lịch, người Mường gọi là ngày chín lụn, người dân cũng thức đêm đón giao thừa với các phong tục như đánh chiêng, đánh trống, con cháu ra vó lấy nước về đặt trên bàn thờ tổ tiên...

Người già đứng lên nói lời chúc con cháu sang năm mới mạnh khoẻ, làm ăn giàu có. Sau khi ổn định chỗ ngồi các mâm - tiếng Mường gọi là “buông cỗ”, sẽ đến thủ tục chào chúc tốt lành, mọi người mời nhau uống rượu và các món ăn trên mâm.

Sự mời mọc diễn ra liên tục suốt cả bữa cỗ, món ăn trong ngày Tết của người Mường luôn có bánh chưng và bánh dày. Rượu cần là món uống đặc sản không thể thiếu trong dịp này.

Vào ngày mùng một, mùng 2, thanh niên trong bản cùng trẻ nhỏ đánh chiêng cồng rộn ràng, đi qua nhà nào thì nhà ấy mở cửa cho ít tiền hoặc bánh.

Tết là dịp để phụ nữ Mường trưng diện những chiếc áo, chiếc váy đẹp nhất. Trang phục của phụ nữ Mường Bi, Mường Chậm (Hoà Bình) là váy đen, áo trắng ngắn, cạp váy to dệt hoa văn trang nhã, đầu quấn khăn màu trắng, áo trắng, hồng phủ ra ngoài che một phần cạp váy, lấp ló chiếc yếm dệt hoa văn bên trong.

Theo phong tục của người Mường, trước khi mở hội cồng chiêng, làng phải có một thủ tục làm mâm lễ trình với các vị Thánh trong làng. 

Tết Nguyên đán của người Mường (Hòa Bình) là phong tục đẹp chứa đựng nhiều biểu tượng, tín hiệu văn hóa từ nghìn xưa truyền lại, mang tính nhân văn cao cả, hiện vẫn được người Mường lưu giữ và truyền lại cho mai sau.

Ngọc Thành