Thứ năm, 18/4/2024
Thứ năm, 23/8/2018, 18:23 (GMT+7)

Người đàn ông 65 tuổi băng rừng, trèo cây lấy mật ong

Năm nay 65 tuổi, ông Phạm Văn Tiêm ở Huế đã có 40 năm liên tục mưu sinh bằng nghề lấy mật ong rừng.

Người đàn ông 65 tuổi lao cây cao dùng khói xua đuổi đàn ong lấy mật
 
 

Hơn 40 năm qua, ông Phạm Văn Tiêm (65 tuổi, người Cơ Tu, xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông, Thừa Thiên Huế) hành nghề lấy mật ong rừng để nuôi gia đình.

Để đến được những nơi có tổ ong, ông Tiêm phải theo lối mòn đi bộ nhiều km vào rừng sâu.

Ong rừng thường làm tổ trên những cây to, cao hàng chục mét.

Phát hiện được tổ ong, ông Tiêm bẻ một cây con bên dưới để làm dấu. Theo phong tục của người Cơ Tu, nếu ai đó đã bẻ cây làm dấu thì người đến sau sẽ không tranh giành. 

Trước đây, khi lấy mật, người Cơ Tu thường đốt lửa khiến ong chết. Tuy nhiên, những năm gần đây ông Tiêm và các thợ ong rừng đã thay đổi cách lấy mật. Họ chặt lá chuối khô bó trong nhánh cây đoác để tạo khói xua đuổi đàn ong.

"Dùng khói xua đuổi sẽ tránh làm ong chết và ong có thể làm tổ lại sau đó", ông Tiêm nói. 

Các thợ lấy mật ong chặt cây mây rừng để buộc vào cây làm thang leo, tiếp cận tổ ong.

Sau hơn một giờ đồng hồ, ông Tiêm và người con trai đã cột chặt các dây mây vào cây to lên đến gần tổ ong rừng.

Sau khi dùng khói xua đuổi đàn ong, người thợ dùng chiếc rựa cắt lớp mật ong bỏ vào bao tải mang theo. Họ không lấy hết sáp mà để lại một phần. Theo ông Tiêm, việc để lại sáp ong sẽ giúp đàn ong không bỏ đi, sang năm ông có thể vào lấy tiếp mật ong ở chỗ cũ.

Khi gặp tổ ong lớn, người thợ có thể lấy được 30 lít mật ong, tổ nhỏ thì khoảng 5 lít. Mật ong được bán cho thương lái với giá 500.000 đồng mỗi lít.

Võ Thạnh