Thứ ba, 19/3/2024
Thứ năm, 21/2/2019, 07:44 (GMT+7)

Người dân chen lấn xin đồ cúng lúc nửa đêm ở miền Tây

Hàng nghìn người ùa vào nơi làm lễ xin trái cây, hoa, bánh kẹo, thịt... để lấy lộc may mắn trong hội Làm Chay ở Long An.

Người tràn vào khu lễ đốt hình nhân xin lộc ở miền Tây
 
 

Video: Hoàng Nam.

Ngày 14-16 tháng Giêng mỗi năm, người dân thị trấn Tầm Vu (huyện Châu Thành, Long An) tổ chức lễ hội Làm Chay. Trong hai ngày lễ, phần chính là nghi thức rước hình nộm ông Tiêu (tức Tiêu Diện Đại Sĩ), vị Bồ Tát chuyên hàng yêu phục quỷ được rước về đình Tân Xuân để cúng viếng.

Tối 16 tháng Giêng, ở khoảng sân đình rộng hơn 300 m2, các nhà sư, vị chức sắc cùng nhau cầu siêu, cầu an cho các linh hồn, nghĩa sĩ. Không gian lễ được rào lại bằng tre.

Trong suốt thời gian hành lễ, hàng nghìn người tập trung bên ngoài giàn hò hét, chờ đợi thời khắc đốt hình nộm ông Tiêu để vào xin lộc. Lực lượng an ninh được bố trí dày đặc nhằm bảo vệ nghi lễ diễn ra tôn nghiêm.

"Mọi năm người dân ùa vào giành lộc rất hỗn loạn nên năm nay chúng tôi phát lộc trước cả thời điểm đốt ông Tiêu. Hệ thống hàng rào cũng làm chắc chắn hơn để không bị xô đổ", đại diện Ban tổ chức cho biết.

Đúng 24h, hình nộm ông Tiêu được đốt cháy nhằm siêu thoát các linh hồn nghĩa sĩ sau khi các nhà sư đã cầu siêu xong.

Ngay sau đó, nhiều người cùng ùa vào giàn cúng ông Tiêu để xin lộc đầu năm. Những thành viên trong ban lễ hội chia thành nhóm phát đồ cúng như trái cây, hoa, bánh kẹo, thịt… cho mọi người để tránh tình trạng hỗn loạn.

Ai cũng cố gắng giơ tay thật cao, trèo lên lễ đài để nhận đồ cúng. Theo nghi lễ truyền thống, người nào được một chút đồ làm lễ cũng có lộc, mang lại sự may mắn, phát tài.

Không khí xin lộc diễn ra náo nhiệt. Mọi người moi bới trong đống đồ cúng bị rơi xuống đất những món có thể mang về nhà.

Không chen nổi với nhóm thanh niên, anh Phương (30 tuổi) lấy vài bông trong lẵng hoa ở ngoài khu hành lễ. "Không nhất thiết cứ phải đồ cúng mới là lộc. Tôi thấy năm nay không khí rất vui và ôn hòa hơn những lần trước”, anh nói.

"Hội làm chay là truyền thống của người dân Tầm Vu, ai cũng muốn tham gia cho vui sau một năm làm việc. Lễ cúng lấy được nhiều đồ và còn nguyên vẹn thì càng có ý nghĩa may mắn, lộc tài", anh Long chia sẻ.

Sau 24h, mọi nghi lễ đã xong xem như bá tánh đã chứng cho tấm lòng của người dân thị trấn Tầm Vu, một tàu tống gió sẽ đưa ra sông cho mọi thứ trở về chốn cũ.

Theo truyền thống, lễ hội Làm Chay xuất phát từ sự kiện hai chí sĩ yêu nước Đỗ Tường Phong, Đỗ Tường Tự bị thực dân Pháp xử tử và không cho làm đám tang. Người dân trong vùng mượn việc làm lễ trai đàn nhằm xua đuổi côn trùng để ma chay cho các đồng chí cách mạng yêu nước.

Quỳnh Trần