Thứ ba, 19/3/2024
Thứ tư, 22/1/2020, 15:59 (GMT+7)

Người Cống ăn tết sớm

Điện BiênTết truyền thống của dân tộc Cống bắt đầu từ 28 tháng Chạp theo lịch người Kinh.

Người Cống là dân tộc đặc biệt ít người, sống rải rác ở các xã, bản giáp biên giới Việt - Lào của tỉnh Điện Biên (như bản Púng Bon, bản Huổi Moi của xã Pa Thơm, huyện Điện Biên; bản Nậm Kè của xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé; bản Lả Chà của xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ). Tổng dân số khoảng 200 hộ với trên 1.000 người. Trước kia tết cổ truyền dân tộc Cống vào tháng 10 âm lịch khi mùa vụ đã thu hoạch xong. Theo thời gian, người Cống ăn tết theo lịch Tết Nguyên đán của người Kinh nhưng bắt đầu sớm hơn, từ 28 tháng Chạp. 

Trước khi tham gia lễ, những phụ nữ mặc những bộ quần áo truyền thống đẹp nhất, giúp nhau chuẩn bị đồ lễ.

Mâm cúng làm từ 3-4 chiếc lá chuối xếp ở góc nhà, bên trên đặt lễ vật là thực phẩm được nấu chín, còn nóng hổi. Thầy cúng Nạ Văn May ở bản Huổi Moi cho biết, người Cống gọi tết truyền thống là "Mền Loóng phạt ái", dịch nghĩa là "Tết hoa mào gà", nhằm tôn vinh, tri ân công đức của những người đầu tiên lập bản. Phần nghi lễ khai màn sẽ diễn ra tại nhà của già làng kiêm thầy cúng.

Trước Tết một ngày, dân bản sẽ lên nương hái những bông hoa mào gà đẹp nhất làm lễ vật dâng cúng trời đất tổ tiên và trang trí khắp bản. Theo quan niệm của người Cống, hoa mào gà là biểu tượng của sự may mắn, tốt đẹp. Loại hoa này được coi là cây cầu nối hai thế giới âm-dương, là con đường mà linh hồn tổ tiên từ thế giới thiêng về nơi thờ cúng. Màu hoa mào gà đỏ thắm, tạo nên không khí ấm áp trong không gian lễ hội, bản làng...

Vào buổi chiều, đến giờ đã định, dân bản cùng nhau về nhà già làng để khai lễ Tết hoa.

Lễ vật dâng cúng gồm hai món không thể thiếu là thịt sóc và hoa mào gà, bên cạnh đó có thịt lợn, gà, vịt, rượu, cá, khoai sọ, củ dong, bánh truyền thống...

Trước kia Tết hoa thường kéo dài ba đến bốn ngày, nay rút ngắn chỉ còn hai ngày một đêm.

Thầy cúng dùng hoa mào gà nhúng vào chén rượu rồi quệt vào vách nhà để cầu mong ngôi nhà sẽ kiên cố vững chắc, che chở cho các thành viên làng bản.

Lễ cúng kết thúc, mọi người cùng vui vẻ chia lộc, thưởng thức rượu cần.

Nghi thức buộc chỉ cổ tay để cầu mong sức khỏe cho các thành viên. Vừa buộc thầy vừa cầu xin tổ tiên phù hộ cho mọi người không ốm đau, rồi xé thịt, lấy xôi chia lộc.

Những người nhận được chỉ sẽ buộc lại cổ tay cho thầy cúng để tỏ lòng thành kính.

Sau lễ cúng tại các gia đình, mọi người hòa vào các trò chơi dân gian và các môn thể thao như đánh cù, đẩy gậy, kéo co…, trong tiếng cồng trống rộn ràng.

Phụ nữ thì biểu diễn những điệu múa truyền thống với những động tác uyển chuyển.

Các hoạt động cộng đồng này thường kéo dài đến đêm. Phần hội kết thúc, mỗi người sẽ ra về để thực hiện lễ cúng ở các gia đình.

Ngọc Thành