Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ bảy, 16/4/2016, 09:47 (GMT+7)

Nghệ thuật điêu khắc đặc sắc của bia cổ 700 tuổi

Do đáp ứng các tiêu chí độc bản, hình thức độc đáo và có giá trị lịch sử đặc biệt, tháng 12/2013, bia Vĩnh Lăng (Thanh Hóa) được công nhận là bảo vật quốc gia.

Bia Vĩnh Lăng ở phía tây nam khu chính điện Lam Kinh, cách mộ vua Lê Thái Tổ khoảng 300 m. Sử cũ chép, tháng 8 nhuận năm Quý Sửu (1433), vua Lê Thái Tổ băng hà ở Đông Kinh - Thăng Long, liền được đưa về quê hương an táng, xây lăng, dựng bia tại Vĩnh Lăng. Cũng từ đây các vua kế nghiệp cho xây dựng Lam Kinh trở thành khu sơn lăng, nơi an táng nhiều vị vua và Thái Hoàng Thái Hậu triều đại Lê Sơ.

Trong số bia đá còn lại ở Lam Kinh, Vĩnh Lăng là tấm bia tiêu biểu nhất, điển hình cho kỹ thuật chế tác, điêu khắc, chạm trổ công phu và tỉ mỉ đến từng chi tiết. Bia Vĩnh Lăng được các nhà nghiên cứu văn hoá đánh giá là một trong những tấm bia thời Lê Sơ cổ, to và đẹp nhất Việt Nam hiện nay. Văn bia gồm hai phần, bia phía trên và rùa phía dưới được làm bằng đá trầm tích màu xám. Lam Sơn Vĩnh Lăng Bi có chiều rộng 1,94 m, cao 2,79 m, dày 0,27 m; rùa có chiều dài 3,46 m, rộng 1,94 m, dày 0,9 m. Tổng trọng lượng khoảng 18 tấn.

Xung quanh diềm bia có hai đường chỉ nổi chạy song song với nhau nối từ đỉnh xuống đế bia, giữa hai đường chỉ bên trong trang trí 9 hoa văn hình nửa lá đề. Trong mỗi nửa lá đề được khắc một hình rồng nổi, có vẩy, thân uốn lượn mềm mại, đầu rồng hướng vươn lên đỉnh bia, miệng nhả ngọc. Khoảng cách giữa các hình lá đề đều được chạm khắc xen kẽ hình hoa cúc dây…

Mặt trước bia khắc khoảng 750 chữ Hán theo lối chữ Chân, do Nguyễn Trãi soạn. Toàn văn bia dù ngắn gọn, súc tích nhưng đã mô thuật đầy đủ về thân thế sự nghiệp và công đức của vua Lê Thái Tổ, đúc kết đường lối đấu tranh khéo léo tài tình của nghĩa quân Lam Sơn trong suốt 10 năm trường kỳ kháng chiến gian khổ đánh đuổi giặc Minh giành lại độc lập cho dân tộc.

Mặt sau bia cũng khắc nhiều hình rồng và họa tiết tinh xảo. Giữa trán khắc hình chữ nhật, hai bên mỗi bên khắc một hình rồng, thân dài, trơn, không có vảy, đang uốn lượn, đầu ngẩng cao, chầu vào.

Dưới đế bia là một con rùa lớn trong tư thế đang bơi, đầu vươn cao, lưng nhô, lộ rõ 4 chân to khỏe.

Mỗi chân rùa có 6 móng to khoẻ, trong 6 móng có một móng duy nhất (móng thứ 6) bị đục lõm vào.

Đuôi rùa to, vắt ngược lên lưng uốn lượn mềm mại, phía dưới bụng rùa sát đế khắc 3 đường gờ nổi chau chuốt. Kỹ thuật chế tác đều bằng phương pháp thủ công.

Tồn tại gần 700 năm nhưng bia Vĩnh Lăng còn khá nguyên vẹn, chỉ sứt vài chỗ phía đầu rùa và cạnh bia. Du khách đến thăm quan Khu di tích Lam Kinh đều rất thích thú khi được tận tay sờ vào đầu rùa lấy may.

Nằm giữa khu rừng u tịch, nhà bia Vĩnh Lăng toát lên vẻ rêu phong cổ kính, linh thiêng. Bia Vĩnh Lăng được các nhà nghiên cứu đánh giá là tài liệu quý khi nghiên cứu về nghệ thuật trang trí, điêu khắc thời Lê Sơ. Nghệ thuật điêu khắc bia Vĩnh Lăng thời Lê Sơ đã kế thừa được tinh hoa của nền điêu khắc Lý - Trần và nghệ thuật dân gian truyền thống.

Xung quanh nhà bia còn có nhiều tượng rồng tạc bằng đá. Do đáp ứng các tiêu chí độc bản, hình thức độc đáo và có giá trị lịch sử đặc biệt, tháng 12/2013, bia Vĩnh Lăng (tức Lam Sơn Vĩnh Lăng Bi hay bia Vĩnh Lăng Lam Sơn) được công nhận là bảo vật quốc gia.

Lê Hoàng