Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ hai, 16/9/2019, 09:53 (GMT+7)

Nạn giăng bẫy bắt chim trời

Hà TĩnhNgười dân huyện Nghi Xuân dựng cò mồi và "trận địa" que dính nhựa giữa cánh đồng, rồi ngồi trong chòi lá canh chim mắc bẫy.

Bắt chim trời
 
 

Chim trời bẫy xong được rao bán dọc tỉnh lộ đoạn qua huyện Nghi Xuân

Tháng 9 âm lịch hàng năm, người dân huyện Nghi Xuân ra đồng giăng bẫy bắt chim trời như cò, cói, vạc... đem bán kiếm lời. Thực trạng tận diệt chim trời diễn ra nhiều năm qua, song chưa được ngăn chặn.

Người dân thường mua chim cò, cói sống (mỗi con khoảng 500.000 đồng) đem về khâu mắt, buộc vào cọc đã đóng sẵn giữa ruộng để làm mồi nhử các đàn chim đang bay trên trời.

Mỗi khoảnh ruộng, thợ săn đặt khoảng 3-5 con chim mồi bên cạnh đàn cò giả hàng trăm con và cắm que nhựa xung quanh để tạo "thiên la địa võng".

Những ngày này, các cánh đồng ở xã Xuân Liên, Cương Gián, Cổ Đạm... (huyện Nghi Xuân) trắng xóa bẫy chim, cò. Cò giả được làm bằng xốp, gắn vào cọc tre cắm xuống đất, khoảng cách 60 cm một con.

Cò thật nhìn thấy cò mồi và đàn chim giả yên tâm sà xuống ăn sẽ bị dính bẫy que nhựa, không thoát ra được.

Một buổi đi săn, người dân mang theo một con cói dự phòng, buộc chân để trên bờ, nhằm thay thế cho những con chim đang được dùng làm mồi nhử bị đuối sức.

Đặt xong bẫy, thợ săn chui vào chòi để canh. Khi chim dính bẫy, họ chạy đến gỡ chim ra khỏi que nhựa bỏ vào lồng. "Dịp cuối vụ lúa hè thu, chim trời từ nơi khác đổ về nhiều. Nếu may mắn, mỗi ngày có thể bẫy được cả trăm con cò, cói", một thợ săn nói.

Chim trời mắc bẫy bị người dân vặt lông, đem bán với giá mỗi con từ 30.000-60.000 đồng.

Hai bên đường tỉnh lộ đoạn qua huyện Nghi Xuân là nơi mua bán chim trời nhộn nhịp.

Ông Hoàng Quốc Huấn, Chi cục trưởng Kiểm lâm Hà Tĩnh cho biết, hàng năm tỉnh chỉ đạo xuống các địa phương, nghiêm cấm hành vi bắt chim trời, song vấn nạn này không thuyên giảm. "Người dân thường bắt chim theo thời vụ, trải dài trên nhiều vùng nên rất khó kiểm soát", ông Huấn nói.

Đức Hùng