Thứ ba, 19/3/2024
Thứ tư, 23/1/2019, 12:04 (GMT+7)

Lễ tưởng niệm liệt sĩ hy sinh ở nhà giàn DK1

Những cơn cuồng phong khiến nhà giàn sụp đổ, nhiều cán bộ, chiến sĩ mãi mãi nằm lại với biển khơi.

Trong chuyến thăm, chúc Tết cán bộ chiến sĩ đang công tác trên các nhà giàn DK1 ở thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc vào đầu tháng 1, đoàn công tác vùng 2 Hải quân đã làm lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống khi làm nhiệm vụ bảo vệ nhà giàn. Buổi lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm ngay trên boong tàu Trường Sa 08.

Những mâm ngũ quả được bộ đội chuẩn bị từ đất liền, giằng néo cẩn thận bằng dây thép, băng keo và đinh vít để tránh bị sóng đánh vỡ khi thả xuống biển.

Vòng hoa hình cờ đỏ sao vàng với dòng chữ "Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ" gợi nhớ những chiến công thầm lặng của người lính ngã xuống vì non sông.

Ngoài hoa quả, mâm lễ cúng gồm cả gạo, thịt gà. Cơn bão đổ bộ rạng sáng 5/12/1990 với sức gió giật trên cấp 12 quật đổ nhà giàn DK1/3 Phúc Tần, cuốn trôi cả 8 cán bộ, chiến sĩ xuống biển, 3 người ra đi.

Ở cụm Phúc Nguyên DK1/6, trận cuồng phong năm 1998 quật đổ nhà giàn hất tung cả 9 cán bộ, chiến sĩ xuống biển. Lực lượng cứu hộ đã làm hết sức nhưng 3 người đã hy sinh.

Trung tá Nguyễn Xuân Mạnh, Tiểu đoàn phó DK1 cùng đồng đội đứng nghiêm trang làm lễ tưởng niệm. Họ không thể quên giây phút chứng kiến đồng đội hy sinh trong bão tố, như thượng úy Nguyễn Hữu Quang nhường chiếc phao cứu sinh cá nhân và miếng lương khô cuối cùng cho chiến sĩ yếu nhất; đại úy Vũ Quang Chương, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/6 Phúc Nguyên trước sự tàn khốc của bão tố vẫn bình tĩnh chỉ huy bộ đội rời nhà giàn, xuống tàu về đất liền an toàn.

Hành động cố gắng đến cùng để giữ vững liên lạc với đất liền khi nhà giàn đổ của liệt sĩ chuẩn úy Lê Đức Hồng cũng được nhắc nhớ. Anh đã mãi mãi ra đi và chỉ kịp gửi lời chào vĩnh biệt đất liền qua bộ đàm…

Khi tiếng nhạc trầm hùng của bài Hồn tử sĩ vang lên, nhiều người lính Hải quân đã không kìm nén được cảm xúc.

Đại tá Nguyễn Quốc Văn, Phó chính ủy vùng 2 Hải quân, nói "gương hy sinh của đồng đội đã trở thành biểu tượng cao đẹp của người chiến sĩ Hải quân trong thời kỳ mới".

"Sự hy sinh của cán bộ, chiến sĩ nhà giàn ở thềm lục địa phía Nam đã góp phần bồi đắp vững chắc tượng đài chủ quyền vùng biển trời thiêng liêng của Tổ quốc", đại tá Văn nhấn mạnh, sau đó cùng chiến sĩ chuẩn bị thả lễ vật xuống biển.

Vòng hoa, lễ vật được thả xuống biển.

Từ năm 1987 đến đầu năm 1988, tình hình tranh chấp chủ quyền khu vực biển Đông diễn ra phức tạp. Ngày 5/7/1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra chỉ thị về việc xây dựng Cụm kinh tế - khoa học - dịch vụ kỹ thuật tại khu bãi đá ngầm thuộc đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo (nay là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). 

Ban chỉ đạo xây dựng nhà giàn được thành lập, gọi tắt là DK1 trực thuộc Chính phủ đã khảo sát, thiết kế và thi công xây dựng nhiều nhà giàn trên thềm lục địa phía Nam. Trong quá trình xây dựng và bảo vệ các cụm nhà giàn DK1, 16 cán bộ chiến sĩ Hải quân đã hy sinh khi làm nhiệm vụ.

Lê Hoàng