Thứ ba, 19/3/2024
Thứ bảy, 21/9/2019, 08:00 (GMT+7)

Kinh nghiệm xuất khẩu nông sản của tỉnh Sơn La

Nông dân đã áp dụng khoa học kỹ thuật trong phát triển cây ăn quả và đẩy mạnh xúc tiến thương mại kinh tế toàn vùng.

Trong vài năm trở lại đây, "bức tranh" xuất khẩu nông sản ở Sơn La đã có những bước phát triển mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Đó là kết quả của quá trình áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chuyển hướng phát triển cây ăn quả, đẩy mạnh mô hình kinh tế hợp tác xã, đẩy mạnh xúc tiến thương mại kinh tế toàn vùng.

Tổng giá trị nông sản xuất khẩu nửa đầu năm 2019 của Sơn La là 78 triệu USD.

Tổng giá trị nông sản xuất khẩu nửa đầu năm 2019 của Sơn La là 78 triệu USD.

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La, trong 6 tháng đầu năm 2019, tỉnh đã xuất khẩu gần 10.000 tấn xoài, chuối, chanh leo, thanh long, mận hậu; 550 tấn rau và hơn 40.000 tấn tinh bột sắn, tổng giá trị đạt 78 triệu USD. Bên cạnh các thị trường như Trung Quốc, Campuchia, sản phẩm nông sản của Sơn La đã được mở rộng thị trường xuất khẩu sang Anh, Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, đồng bộ

Để đạt được những kết quả hiện tại, không thể không kể đến chủ trương của Ban thường vụ Tỉnh ủy, Hội Đồng Nhân Dân tỉnh Sơn La về phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh tiêu thụ xuất khẩu nông sản. 

Yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng cao, việc sản xuất nông nghiệp cũng đòi hỏi yêu cầu khắt khe hơn. Các đơn vị địa phương đã áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất từ khâu chọn giống, trồng, chăm sóc đến khâu thu hoạch. Có thể kể đến các phương pháp ứng dụng công nghệ cao như xây dựng nhà kính, nhà lưới, công nghệ tưới nước tiết kiệm, sử dụng loại giống mới... đặc biệt là đồng bộ các mô hình sản xuất như nông nghiệp hữu cơ, quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGap và hướng tới GlobalGap. 

Hiệu quả đến rõ rệt trong cả chất lượng và năng suất của sản phẩm. Ông Nguyễn An Thanh - Bản Két Hay, xã Phiêng Pằn, Mai Sơn, Sơn La cho biết: ": Hiệu quả của trồng chanh leo từ khi trồng cho đến khi thu hoạch riêng năm đầu đã cho thu hoạch hơn các cây lương thực khác từ 3 đến 5 lần. Chanh leo hữu cơ này thì đều làm theo quy trình VietGap từ làm đất đến chăm bón đều theo sự hướng dẫn của các chuyên gia về cây trồng mọi công đoạn chăm sóc đều phải làm theo quy trình VietGap." Với nguồn gốc được đảm bảo, các sản phẩm ứng dụng khoa học công nghệ dễ dàng tiếp cận và đáp ứng nhu cầu thị trường. 

Tập trung phát triển cây ăn quả giá trị kinh tế cao

Bên cạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, để xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu cũng như khai thác tiềm lực địa phương, tỉnh Sơn La có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân chuyển đổi cây trồng trên đất dốc, sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. 

Vùng đất Sơn La trước đây vẫn còn gặp khó khăn trong làm kinh tế khi tư duy người nông dân vẫn tập trung phát triển những cây lương thực ngắn ngày, tự phát. Sau những bước đi mạnh mẽ trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, Sơn La đã cho thấy một bộ mặt rất khác trong thị trường nông sản. Bà con tiếp cận với việc sản xuất những loại cây ăn quả đem lại giá trị hiệu quả kinh tế cao. Báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La ghi nhận: Từ khi chủ trương được hưởng ứng, diện tích cây ăn quả của Sơn La đã tăng lên nhanh chóng, đến nay là 57.439 ha (tính đến đầu năm 2019). Tỉnh Sơn La sẽ tập trung xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu thị trường và xuất khẩu; tập trung phát triển mới khoảng 24.000 ha cây ăn quả, nâng diện tích cây ăn quả trên địa bàn đạt 81.706 ha. Mục tiêu đến năm 2020, Sơn La sẽ nâng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh đạt 100.000 ha, sản lượng hàng năm khoảng 500.000 tấn quả tươi để phục vụ cho chế biến, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Tăng cường mô hình kinh tế hợp tác xã

Hợp tác xã còn là cầu nối liên kết doanh nghiệp để mở rộng thị trường tiêu thụ, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông dân (Ảnh: Lê Phúc)

Để khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tỉnh Sơn La đã đẩy mạnh chủ trương phát triển hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp. Tính đến hết tháng 6 năm 2019, tổng số hợp tác xã trên địa bàn tỉnh là 588 hợp tác xã, trong đó có tới 480 hợp tác xã nông nghiệp. Với phương châm cây ăn quả phát triển tới đâu, hợp tác xã phát triển tới đó, đến nay tỉnh Sơn La có tới gần 200 hợp tác xã chuyên về cây ăn quả. Các đơn vị hợp tác xã đảm bảo chuẩn hóa các mô hình sản xuất, hỗ trợ kinh tế, góp phần đồng bộ hóa quy trình nuôi trồng, là cơ sở để chứng nhận an toàn thực phẩm.

Hợp tác xã còn là cầu nối liên kết doanh nghiệp để mở rộng.

Hợp tác xã còn là cầu nối liên kết doanh nghiệp để mở rộng.

Bà Lê Thị Tươi, thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp sinh thái Nà Sản, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La chia sẻ: "Từ khi vào hợp tác xã thì chúng tôi rất yên tâm vào việc hoa quả sạch của chúng tôi đã được đưa ra thị trường và có tem mác dán nguồn gốc rõ ràng, chúng tôi rất yên tâm phấn khởi và tin tưởng vào hợp tác xã".

Khi chưa có Hợp tác xã Nông nghiệp sinh thái Nà Sản, hơn 10 hộ dân nông nghiệp ở đây chỉ trồng cây ăn quả theo hướng tự phát với năng suất, sản lượng thấp, phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, còn đầu ra lại rất bấp bênh, bị thương lái ép giá.

Hợp tác xã nông nghiệp Nà Sản được thành lập vào tháng 4/2018, hiện có 11 thành viên, với hơn 15 héc ta đất nông nghiệp trồng các loại cây ăn quả như: Cam đường Canh, nhãn ghép, thanh long ruột đỏ, dâu tây và bưởi Diễn. ..Trong đó, cam là cây trồng chủ lực, tạo nên thương hiệu mạnh của xã Hát Lót.

Tăng cường tìm đầu ra cho sản phẩm 

Xác định xuất khẩu nông sản là nhiệm vụ trọng tâm mang tính đột phá, tỉnh Sơn La đã thành lập Ban chỉ đạo về Chế biến tiêu thụ nông sản, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm giới thiệu, quảng bá nông sản Sơn La.

Các hoạt động tiêu biểu gần đây có thể kể tới như Tuần lễ Xoài và Nông sản an toàn tháng 5, Tuần lễ Mận, ngày hội nhãn Sông Mã tháng 8/2019... Các hoạt động thường được tổ chức đồng thời tại chính địa phương và các khu vực khác như thủ đô Hà Nội, Hạ Long, Thanh Hóa...

Các sản phẩm nông sản Sơn La xuất hiện tại các hội chợ thương mại trên toàn quốc.

Các sản phẩm nông sản Sơn La xuất hiện tại các hội chợ thương mại trên toàn quốc.

Các hoạt động đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp, Hợp tác xã tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm các mặt hàng nông sản an toàn của tỉnh Sơn La cũng như giới thiệu quảng bá sản phẩm gắn với quảng bá xúc tiến du lịch, mời gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia đầu tư sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản trên địa bàn.

Ông Hoàng Văn Chất, Nguyên Bí thư tỉnh ủy tỉnh Sơn La cho biết: "Tỉnh đề nghị Chính Phủ tiếp tục chỉ đạo, đàm phán, mở cửa thị trường để một số sản phẩm như nhãn, xoài, chanh leo, bơ của Việt Nam được xuất khẩu chính nghạch vào thị trường một số nước như Mỹ, Úc, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia... Trên cơ sở đó Sơn La tập trung xuất khẩu được các sản phẩm lợi thế của địa phương".

Cũng từ đây, nhưng sản phẩm mang đậm thương hiệu vùng cao Sơn La như Xoài Yên Châu, Nhãn Sông Mã... có cơ hội được tiếp cập với những thị trường cao cấp, khắt khe. Chính quyền và nhân dân đồng lòng, đồng sức, các sản phẩm nông sản của Sơn La hứa hẹn sẽ còn phát huy thế mạnh hơn nữa trong thị trường quốc tế. 

Lê Phúc

Chia sẻ bài viết qua email